Rất nhiều lần, đi giữa phố Hà Nội mà tôi tưởng đang quay về tuổi thơ, tôi thấy một con đường đất hai bên là những luỹ tre, bên kia con trâu gặm cỏ, bên này lũ trẻ lăn lê chơi dưới đất, vì người ta không cần quan tâm chơi bên trái hay bên phải thì đúng luật, con trâu có được gặm cỏ ở đây hay không. Nói như thế thì hơi quá, vì giờ ở các làng quê đường sá cũng đã được quy hoạch cu quỷ cả rồi, luật giao thông, biển báo đàng hoàng. Nhưng giữa Hà Nội, tôi vẫn thấy người ta tham gia giao thông một cách nguyên thuỷ.
Như sáng nay, trên con đường Nguyễn Hoàng trước cửa bến xe Mỹ Đình, nơi xe cộ thường xuyên đông đúc, một nhóm ba người tung tăng đi bộ sát dải phân cách, tay đút túi áo, vừa đi vừa trò chuyện rất vui vẻ. Họ không cần ngoái lại xem có xe nào phía sau, không có một động thái nào muốn sang đường để đi lên vỉa hè. Rất vô tư, bất chấp.
Điều đáng buồn là, đây không phải số hiếm. Trên con đường rộng thênh thang 3 làn xe mỗi bên, tôi thường xuyên bắt gặp cảnh các bạn sinh viên đi xe máy rề rề sát dải phân cách bên trái, chuyện trò, cười hớn hở. Nói thật nhiều lúc tôi có suy nghĩ hơi xấu xí, đó là giá mà như trong game, tôi ủi cho một cái để họ nhớ đến già, rồi làm lại. Nhưng đâu làm thế được. Sau khi đá đèn, bấm còi mãi họ không nhường, tôi lại phải chuyển sang làn phải để đi.
Chưa hết, còn có các cụ hoặc các cháu thiếu nhi đi học, đạp xe cũng sát dải phân cách, không chút e ngại. Chỗ này, chỗ kia có anh, chị lao công đẩy xe rác cao quá đầu cũng sát dải phân cách, băng ngang đường, như kiểu "các người phải chủ động tránh tôi".
Tôi nhiều lần tự hỏi, vì đâu nhiều người Việt tham gia giao thông một cách nguyên thuỷ như vậy, nhưng không tìm ra câu trả lời. Theo các bạn là vì sao?
Độc giả Thùy Linh