Theo thư gửi về VnExpress, anh Trần Toản kể đang điều khiển xe máy tốc độ khoảng 30 km/h trong tình trạng tỉnh táo, không sử dụng rượu bia, chất kích thích.
Anh Toản không tránh kịp. Cú va chạm khiến em bé bị gãy chân. Toản bị gia đình bé yêu cầu bồi thường 100 triệu đồng.
Anh thắc mắc tai nạn này có được coi là "bất khả kháng" và mình có nghĩa vụ bồi thường hay không?
Theo khảo sát, phần lớn độc giả nhận định, anh Toản không phải bồi thường. "Hay nhất là hai bên thương lượng giải quyết, về lý nếu em đúng thì không cần phải bồi thường. Nhưng về tình, em có thể hỗ trợ cháu một khoản để mình nhẹ lòng. Nếu em khẳng định là cháu bé tự nhảy vào xe mình có bằng chứng mà người nhà cháu bé cứ đòi hỏi vô lý như vậy thì cứ nhờ cơ quan chức năng phân xử theo quy định pháp luật", độc giả Hoàng Phi Hồng bình luận.
Trên phương diện pháp lý, luật sư Vũ Tiến Vinh (Công ty Luật Bảo An, Hà Nội) lần lượt giải đáp hai thắc mắc của anh Toản.
Thứ nhất, về nghĩa vụ bồi thường
Điều 584 Bộ luật Dân sự quy định người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.
Người gây thiệt hại không phải bồi thường nếu thiệt hại phát sinh do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại (trừ khi có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác).
Nếu tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại.
Anh Toản gây tai nạn khi điều khiển xe máy, được pháp luật tính là "nguồn nguy hiểm cao độ". Do đó, ngoài điều 584 đã nêu, trường hợp của anh còn được đánh giá theo điều 601 Bộ luật Dân sự, về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra.
Theo đó, chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ (tức anh Toản) phải vận hành, sử dụng, bảo quản, trông giữ, vận chuyển nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng quy định của pháp luật; phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra.
Trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì người đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ trái pháp luật phải bồi thường thiệt hại. Khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.
Chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ trường hợp sau:
a) Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;
b) Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Đối chiếu với các quy định nói trên, luật sư Vinh cho hay, về nguyên tắc, nếu anh Toản không có lỗi trong việc gây tai nạn và lỗi hoàn toàn thuộc về bên bị thiệt hại thì không phải bồi thường. Trường hợp anh Toản có lỗi một phần thì anh phải bồi thường thiệt hại tương ứng với phần lỗi của mình.
Thứ hai, về căn cứ xác định tai nạn có thuộc trường hợp "bất khả kháng"
Để xác định anh Toản có lỗi hay không, tình huống tai nạn có thuộc trường hợp bất khả kháng hay không cần xem xét đến các yếu tố:
- Điều kiện giao thông thời điểm xảy ra va chạm (trời sáng hay tối, đường khô hay ướt, khổ rộng của đường làng, con ngõ mà cháu bé chạy ra)
- Tầm nhìn (có bị các công trình xây dựng, cây cối che khuất)
- Tốc độ di chuyển của phương tiện (đánh giá vết phanh, mức độ hư hỏng của phương tiện)
- Xe máy có đủ điều kiện tham gia giao thông (phanh, còi, đèn chiếu sáng...)
- Người điều khiển có đủ điều kiện điều khiển phương tiện (Giấy phép lái xe, tuổi, nồng độ cồn...)
- Lời khai của nhân chứng về sự việc...
Luật sư Vinh cho hay, trường hợp hai bên không hòa giải, thương lượng được thì bên bị thiệt hại (tức gia đình cháu bé) có quyền yêu cầu tòa án có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.
Hải Thư