Luật sư tư vấn
Căn cứ điều 297 và điều 352, Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, thời hạn hoãn phiên tòa hình sự không được quá 30 ngày kể từ ngày ra quyết định hoãn phiên tòa; khi thuộc những trường hợp sau đây sẽ hoãn phiên tòa (không quy định giới hạn số lần hoãn phiên tòa).
Các trường hợp hoãn phiên tòa sơ thẩm
- Cần phải xác minh, thu thập bổ sung chứng cứ, tài liệu, đồ vật mà không thể thực hiện ngay tại phiên tòa.
- Cần tiến hành giám định bổ sung, giám định lại.
- Cần định giá tài sản, định giá lại tài sản.
- Phải thay đổi kiểm sát viên.
- Phải thay đổi thẩm phán, hội thẩm.
- Không có thẩm phán, hội thẩm dự khuyết để thay thế hoặc phải thay đổi chủ tọa phiên tòa mà không có thẩm phán để thay thế.
- Kiểm sát viên bị thay đổi hoặc không thể tiếp tục thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử mà không có kiểm sát viên dự khuyết để thay thế.
- Bị cáo vắng mặt vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan.
- Người bào chữa vắng mặt lần thứ nhất vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan, trừ trường hợp bị cáo đồng ý xét xử vắng mặt người bào chữa; trường hợp chỉ định người bào chữa mà người bào chữa vắng mặt, trừ trường hợp bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo đồng ý xét xử vắng mặt người bào chữa.
- Người phiên dịch, người dịch thuật vắng mặt mà không có người khác thay thế.
- Hội đồng xét xử có thể căn cứ vào từng trường hợp cụ thể để hoãn phiên tòa nếu các thành phần sau đây vắng mặt: bị hại, đương sự hoặc người đại diện của họ; người làm chứng về những vấn đề quan trọng của vụ án; người giám định, người định giá tài sản.
Các trường hợp hoãn phiên tòa phúc thẩm
- Cần phải xác minh, thu thập bổ sung chứng cứ, tài liệu, đồ vật mà không thể thực hiện được ngay tại phiên tòa.
- Phải thay đổi kiểm sát viên.
- Phải thay đổi thẩm phán, hội thẩm.
- Không có thẩm phán dự khuyết hoặc phải thay đổi chủ tọa phiên tòa mà không có thẩm phán để thay thế.
- Kiểm sát viên bị thay đổi hoặc không thể tiếp tục thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử mà không có kiểm sát viên dự khuyết để thay thế.
- Người bào chữa vắng mặt lần thứ nhất vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì phải hoãn phiên tòa, trừ trường hợp bị cáo đồng ý xét xử vắng mặt người bào chữa; trường hợp chỉ định người bào chữa mà người bào chữa vắng mặt, trừ trường hợp bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo đồng ý xét xử vắng mặt người bào chữa.
Lưu ý, đối với các trường hợp hoãn phiên tòa nêu trên, vụ án phải được xét xử lại từ đầu.
Luật sư Phạm Thanh Hữu
Đoàn luật sư TP HCM