Hiện hầu hết trường học tại Việt Nam đều hướng nghiệp cho học sinh ở thời điểm cuối cấp ba, trong khi ở các nước phát triển như Mỹ... thời điểm sau cấp hai mới hướng nghiệp thường được xem là muộn. Tiến sĩ Đào Minh Hồng, Phó trưởng khoa Quan hệ Quốc tế Đại học Kinh tế Tài chính (UEF) chia sẻ thông tin trên tại tọa đàm SACE Journey - Mở khóa Gen Z số đầu tiên phát sóng trực tuyến ngày 22/3.
Cũng theo Tiến sĩ, Việt Nam đang không đi theo những nghiên cứu về khoa học, nên khi các bạn lớp 12 đăng ký nghề thường cảm thấy bối rối dẫn đến chọn bừa, học bừa.
Về tư vấn hướng nghiệp, Tiến sĩ Hồng cho rằng, phụ huynh khi định hướng cho con rất cần sự tinh tế, đặc biệt không nên có thái độ ép buộc, bởi trẻ thường thích làm ngược lại những gì cha mẹ nói. Đặc biệt, những phụ huynh muốn con theo nghiệp của mình cần phải khéo léo, như thay vì bảo con học ngành này, ngành kia đi, thì thỉnh thoảng hãy dắt con đi làm cùng, tham gia các hoạt động của bố mẹ, để các bạn thấm dần và thấy thân quen với môi trường đó và đưa ra quyết định một cách tự nguyện.
Tiến sĩ chia sẻ kinh nghiệm của bản thân, trước đây, khi các con đang học cấp một, bà cũng có ý định hướng con theo nghề giáo, nhưng các con đều đồng thanh "mẹ mơ đi, không ai đi theo nghề của mẹ đâu". Lúc đấy bà cho biết lúc chạnh lòng nhưng thay vì ép buộc, bà chọn cách khéo léo dắt con lên trường, đưa con tham gia các hoạt động của mẹ, các hội thảo... để con thấm đẫm và dần thấy thân thuộc với môi trường xung quanh. Kết quả, con gái lớn của Tiến sĩ Hồng sau khi hoàn thành bằng cử nhân đã nói bà "muốn học lên thạc sĩ và làm nghề giáo như mẹ".
Vị chuyên gia cũng không đồng tình với quan điểm chọn ngành nghề "hot", nghề thời thượng. Theo Tiến sĩ, khi tư vấn cho các ban trẻ hướng đến những giá trị phân biệt đẳng cấp, phân biệt giá trị, có nghĩa các bạn đang không nghiêm túc trong từng lựa chọn, quyết định của mình.
Bà lấy dẫn chứng thực tế, có người dạy IT và bắt con học ngành này vì cho rằng đó là ngành nghề hot, lại theo nghề của bố, dễ xin việc... người con nghe lời và học đến khi nhận bằng thạc sĩ. Ngay lễ nhận bằng, nam sinh đã giao lại bằng cho bố mẹ và bảo "30 năm của con đã sống hết cho cha mẹ rồi. Con tặng bằng này cho bố mẹ và cho con sống cuộc sống của con". Sau đó nam sinh đi làm DJ tại một bar và hiện sống rất vui vẻ.
"Hãy để giới trẻ tự quyết định cuộc đời của mình, thay vì áp đặt, cấm đoán", Tiến sĩ Hồng nhắn nhủ tới các phụ huynh.
Giáo sư Ngô Bảo Châu cũng từng chia sẻ tại một hội thảo về thử nghiệm ước mơ nghề nghiệp. Theo giáo sư, thời điểm "vàng" để hướng nghiệp cho học sinh là cuối năm cấp hai, đầu năm cấp ba. Mốc thời gian này có thể chỉ mang ý nghĩa tương đối, nhưng việc trải nghiệm thực tế sẽ đem lại câu trả lời chính xác đâu là nghề nghiệp thực sự phù hợp với mỗi cá nhân.
Ông cho rằng, việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh nên có sự tham gia của cả gia đình, xã hội. Nếu chỉ nhà trường làm công việc này sẽ không đủ thông tin cho các em lựa chọn trước ngưỡng cửa cuộc đời.
Thế Đan
Chuỗi Tọa đàm The SACE Journey - Hành trình vào đại học top thế giới từ lớp 10 nằm trong khuôn khổ Education Connect - Cổng kết nối giáo dục do báo điện tử VnExpress tổ chức cùng Trường Quốc tế đơn ngữ Scotch AGS. Các chuyên gia sẽ thảo luận những chủ đề về giáo dục nhằm đánh giá về thách thức của phụ huynh Gen Z khi đồng hành cùng con, đồng thời chia sẻ quan điểm mang tính định hướng dành cho học sinh cấp 3.
Scotch College Adelaide - hệ thống giáo dục quốc tế với hơn 100 năm phát triển ở Australia đã có mặt tại Việt Nam, khởi đầu bằng việc ra mắt Trường Quốc tế Đơn ngữ Scotch AGS từ lớp 1 đến lớp 12, chuẩn hoá từ chương trình đào tạo quốc gia Australia (ACARA), nhận bằng Tú tài Australia - SACE, có giá trị quốc tế.
Độc giả đăng ký tham dự tại đây.