Luật sư tư vấn:
Theo điểm s khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017), người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải được xem là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Thành khẩn khai báo là trường hợp trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử người phạm tội đã khai báo đầy đủ và đúng sự thật tất cả những gì liên quan đến hành vi phạm tội mà mình đã thực hiện.
Mức độ giảm nhẹ của việc thành khẩn khai báo phụ thuộc vào sự thành khẩn được thực hiện ở giai đoạn tố tụng nào và ý nghĩa thiết thực của sự thành khẩn trong việc giải quyết vụ án.
Ăn năn hối cải là trường hợp sau khi thực hiện tội phạm, người phạm tội thể hiện sự cắn rứt, dày vò lương tâm về tội lỗi của mình không chỉ bằng lời nói mà còn phải bằng những hành động, việc làm cụ thể để chứng minh cho việc mình muốn sửa chữa, cải tạo thành người tốt; bù đắp những tổn thất, thiệt hại do hành vi phạm tội của mình gây ra.
Ví dụ: Trong lúc cãi nhau, A không kiềm chế được cảm xúc nên đánh B bất tỉnh (phải nhập viện). Sau đó, A thấy bản thân gây ra tội lỗi, cắn rứt lương tâm nên tích cực đến bệnh viện chăm sóc B, lo toàn bộ viện phí cho B, xin lỗi B và gia đình của B.
Mức độ giảm nhẹ của sự ăn năn hối cải phụ thuộc vào mức độ ăn năn hối cải của người phạm tội, những hành động, việc làm cụ thể chứng minh cho sự ăn năn hối cải đó.
Theo Công văn 174/TANDTC-PC ngày 31/8/2023 của TAND Tối cao, "thành khẩn khai báo", "ăn năn hối cải" không phải là hai tình tiết độc lập. Do đó, nếu người phạm tội "thành khẩn khai báo" hoặc "ăn năn hối cải" hoặc "thành khẩn khai báo" và "ăn năn hối cải" thì chỉ được coi là một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Căn cứ khoản 3 Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015, tình tiết giảm nhẹ nêu trên nói riêng và các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự khác nói chung nếu đã được Bộ luật Hình sự quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung thì không được coi là tình tiết giảm nhẹ trong khi quyết định hình phạt.
Luật sư Phạm Thanh Hữu
Đoàn luật sư TPHCM