Thúy Hằng
Trả lời:
Điều 22 Hiến pháp 2013 và Điều 46 Bộ luật Dân sự 2005 đều quy định về quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của cá nhân, việc vào chỗ ở của một người phải được người đó đồng ý. Trong trường hợp pháp luật có quy định và phải có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới được tiến hành khám xét chỗ ở của một người. Việc khám xét phải theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định.
Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 8 Thông tư 33/2010/TT-BCA ngày 5/10/2010 của Chính phủ quy định cụ thể điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, cơ quan công an có thẩm quyền trong quá trình quản lý phải thực hiện “kiểm tra người và phương tiện tại địa điểm kinh doanh liên quan đến hoạt động của cơ sở khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật”. Theo đó, khi xét thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật, cơ quan công an có thẩm quyền có quyền kiểm tra hành chính người và phương tiện tại địa điểm kinh doanh liên quan đến hoạt động của cơ sở.
Như vậy, cơ quan công an có thẩm quyền có quyền kiểm tra khách thuê phòng khi xét thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong hoạt động cho thuê lưu trú của nhà nghỉ, khách sạn.
Quyền của khách thuê phòng
Điều 46 Hiến pháp quy định: “Công dân có nghĩa vụ tuân theo Hiến pháp và pháp luật...”. Theo đó, khách thuê phòng có nghĩa vụ hợp tác với cơ quan công an có thẩm quyền khi bị khám xét.
Việc khám xét người và khám xét chỗ ở được thực hiện theo quy định tại Điều 127 và 129 Luật xử lý vi phạm hành chính. Người bị khám xét có quyền khiếu nại hành vi hành chính của cơ quan khám xét nếu việc khám xét không đúng thẩm quyền, trình tự và thủ tục khám xét.
Trường hợp khách thuê phòng bất hợp tác hoặc có hành vi chống đối cơ quan công an có thẩm quyền khám xét thì tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả xảy ra, người thực hiện hành vi chống đối có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo quy định tại khoản 3 Điều 20 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội..., người có hành vi “dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực để chống người thi hành công vụ” có thể bị phạt tiền từ 3.000.000 đến 5.000.000 đồng. Căn cứ điều 257 Bộ luật Hình sự, “người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ ...” có thể bị phạt tù đến 7 năm.
Thạc sĩ, luật sư Phạm Thanh Bình
Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội