Ảnh: manataka.org. |
Ăn bằng tay có thể gây bẩn nhưng đừng vội vàng lau ngay tay cho trẻ. Hãy để bé thưởng thức trải nghiệm với ngón tay đầy thú vị nhưng cũng rất thiết yếu này.
Khi nào thì nên cho trẻ cầm thức ăn?
Khi con bạn được 7 đến 9 tháng tuổi, bé sẽ cho bạn biết rằng đã sẵn sàng để tự ăn, bằng cách nắm lấy chiếc thìa mà bạn đang đút cho con hoặc bốc thức ăn từ bát đĩa.
Thoạt tiên con bạn có thể vơ bừa thức ăn và đút vào mồm, nhưng rồi bé sẽ tự biết cách làm thế nào để sử dụng ngón cái và ngón trỏ để nhấc thức ăn lên.
Nên cho bé tập cầm thức ăn như thế nào?
Đơn giản chỉ cần đặt 4-5 miếng thức ăn trên đĩa của bé. Bạn có thể bỏ thêm khi bé ăn hết. Cho bé ngồi ăn trên ghế hơn là trong xe đẩy để giảm nguy cơ bị hóc, đồng thời dạy cho bé biết ghế ăn là nơi để ăn.
Thức ăn nào phù hợp nhất?
Con bạn có thể háu ăn nhưng số lượng răng vẫn chưa đủ, nên bắt đầu bằng những món dễ nhai và tan trong miệng. Khi bé lớn hơn, bạn có thể đưa những miếng nhỏ của các loại thức ăn mà bạn đang ăn.
Hãy nhớ rằng con bạn sẽ học hỏi về màu sắc, hình dáng và hương vị về mỗi loại thực phẩm mà bạn đưa cho, nên hãy làm cho chúng thật đa dạng. Thức ăn cần dễ cầm nhưng cũng không gây nghẹn. Và đảm bảo rằng đồ ăn phù hợp với lứa tuổi của bé.
Những món sau sẽ phù hợp cho bé cầm tay:
- Những loại bánh ngũ cốc hình tròn
- Miếng bánh mì nướng mềm phết trái cây nghiền nhuyễn
- Miếng chuối nhỏ hoặc miếng trái cây chín như xoài, lê, đào, dưa hấu không hạt...
- Miếng đậu phụ nhỏ
- Mỳ ống nấu chín cắt ngắn
- Những miếng bơ nhỏ
- Lát trứng luộc
- Những miếng rau quả nấu chín như cà rốt, đậu xanh, khoai tây, xu hào...
- Miếng thịt mềm cắt nhỏ
M.T. (theo Babycenter)