Pearlman, sống tại bang California, Mỹ, chia sẻ thời điểm nên thúc đẩy con đi tiếp và tình huống nên để con bỏ cuộc trên trang nuôi dạy con Lifehacker.
Tuần này, chỉ sau hai buổi tập, con trai 11 tuổi của tôi đã từ bỏ chơi bóng rổ. Trước khi đăng ký, cháu rất hào hứng với môn này nên tôi đã trả tiền cho các khóa học, đồng phục và dụng cụ thể thao. Nhưng tôi vẫn đồng ý nếu con không muốn tiếp tục.
Ngược lại, ba năm trước, tôi đăng ký cho con gái lớn học môn thể thao bóng nước. Cháu chưa từng tham gia hoạt động theo nhóm nên khi con sắp đến tuổi dậy thì, tôi nghĩ con nên thử. Trải qua những giọt nước mắt, sự lo lắng, nhiều thất bại, con gái tôi đã vượt qua quãng thời gian đầu. Dù nhiều lần con xin nghỉ, tôi không đồng ý. Bây giờ, sau ba năm, bóng nước là một phần cuộc sống của cháu.
Cùng là việc đăng ký học thể thao nhưng tôi có những quyết định khác nhau với các con. Ngày nay, trẻ nhỏ không có nhiều thời gian. Sau giờ học chính khóa, các em thường đăng ký nhiều lớp ngoại khóa như âm nhạc, thể thao, gia sư. Nếu không tham gia hoạt động, nhiều em chỉ ngồi trong nhà, dán mắt vào thiết bị công nghệ. Vì vậy, việc học ngoại khóa là hữu ích nhưng đôi khi mọi thứ không diễn ra như kế hoạch.
Vì nhiều lý do, trẻ sẽ muốn từ bỏ các hoạt động đang theo đuổi. Là phụ huynh, thật khó để cho phép hay phản đối quyết định bỏ cuộc của con. Đa số cha mẹ đều cho rằng bỏ cuộc là hành động nhút nhát và sẽ làm trẻ nhụt ý chí chiến đấu với khó khăn. Tuy nhiên, tôi lại cho rằng sẽ có những thời điểm, trẻ nên bỏ cuộc và không có gì đáng chê trách.

Ảnh: Shutterstock.
Không ít cha mẹ đặt ước mơ dang dở của mình lên vai con, cũng không ít người đăng ký hoạt động ngoại khóa cho con để làm đẹp hồ sơ học thuật. Vấn đề đặt ra ở đây là đôi khi trẻ không thích hoặc không phù hợp với các hoạt động này. Khi đó, gia đình sẽ nảy sinh mâu thuẫn, tranh cãi để giữ trẻ hoàn thành nhiệm vụ.
Nếu trẻ muốn từ bỏ hoạt động từng dành rất nhiều thời gian, công sức, nhưng không còn hứng thú, bố mẹ hãy tôn trọng quyết định của con. Điều bạn tiếc nuối có thể là thời gian và tiền bạc đã đầu tư, nhưng phải đối diện với sự thật rằng con không có năng khiếu hoặc không thể phát triển thêm ở lĩnh vực đó.
Trường hợp khác là khi trẻ đăng ký tham gia hoạt động không đúng cấp độ. Chẳng hạn yêu cầu trẻ học Toán cấp ba trong khi em đang lớp 9. Bố mẹ có thể chuyển con sang lớp cấp độ thấp hơn hoặc trong các lĩnh vực khác.
Hoặc quyết định từ bỏ xuất phát từ không có niềm vui. Nếu trẻ tham gia hoạt động ngoại khóa trong môi trường thiếu lành mạnh như huấn luyện viên chỉ nghĩ đến thành tích, bạn bè bắt nạt, chơi xấu, các em sẽ chỉ cảm thấy căng thẳng, áp lực. Các hoạt động thiếu niềm vui thường mang lại hiệu quả không cao. Vì vậy, khi áp lực lớn hơn niềm vui, trẻ có thể bỏ cuộc.
Tuy nhiên, nếu trẻ rời khỏi hoạt động có tính đồng đội, cha mẹ nên cân nhắc những ảnh hưởng đối với các thành viên còn lại trong đội và hạn chế tối đa tác động của quyết định từ bỏ lên mọi người xung quanh.
Ngược lại, sẽ có những thời điểm phụ huynh nên kiên quyết thúc đẩy con cố gắng thay vì bỏ cuộc. Khi bắt đầu hoạt động mới, trẻ nhỏ thường lo lắng, sợ hãi và muốn từ bỏ. Tuy nhiên, quyết định bỏ cuộc trong trường hợp này sẽ làm trẻ mất đi dũng cảm đối diện với khó khăn. Khi lớn lên, gặp việc khó, các em sẽ có thói quen từ bỏ thay vì đương đầu.
Trong tình huống này, cha mẹ hãy xoa dịu những cảm xúc tiêu cực, hỗ trợ con khi cần thiết. Sau khi vượt qua giai đoạn đầu khó khăn, trẻ sẽ được tiếp thêm sức mạnh, sự tự tin để hành động trong tương lai.
Trẻ cũng có xu hướng bỏ cuộc khi mọi việc không diễn ra theo ý muốn. Một số em khó chịu khi bị thua cuộc, không phải là người giỏi nhất. Những đứa trẻ này cần được gia đình thúc đẩy tính kiên trì, nhẫn nại để vượt qua hoàn cảnh không như mong đợi.
Dung Ly (Theo Lifehacker)