Bao quy đầu là một bao da kép có nhiệm vụ bảo vệ quy đầu tránh những chấn thương, giữ gìn sự nhạy cảm của quy đầu. Bác sĩ Đinh Hữu Việt, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, cho biết không phải nam giới nào cũng cần cắt bao quy đầu. Thủ thuật chỉ áp dụng cho những trường hợp bị dài, hẹp bao quy đầu, khó khăn trong quá trình vệ sinh, khi quan hệ tình dục, hoặc có dấu hiệu viêm nhiễm.
Trường hợp có viêm nhiễm phải điều trị hết bệnh mới tiến hành cắt. Can thiệp ngoại khoa khi bao quy đầu đang viêm nhiễm dễ làm nhiễm trùng vết cắt, sẹo xấu hoặc nhiễm trùng lan rộng, hoại tử da.
Chưa tới 1% nam giới trên 16 tuổi thật sự bị hẹp bao quy đầu. 90% trẻ trai tuột da quy đầu lúc 3 tuổi, rất hiếm trẻ nhỏ cần cắt do hẹp. Đến 7-8 tuổi trẻ vẫn không tuột được bao quy đầu, điều trị bảo tồn không phẫu thuật trước bao gồm nong bao quy đầu và bôi thuốc. Nếu thất bại thì mới cần phẫu thuật cắt bao quy đầu.
Thủ thuật cắt bao quy đầu cho trẻ cần đảm bảo chặt chẽ các điều kiện vệ sinh, vô trùng để tránh nguy cơ nhiễm trùng. Chăm sóc sau khi cắt da quy đầu cũng phải kỹ lưỡng.
Thông thường sau cắt quy đầu 2-3 tuần thì mọi sinh hoạt có thể trở về bình thường. Tái khám theo lịch hẹn và tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ.
Nhiều người quan niệm cắt da quy đầu có thể trị xuất tinh sớm, giảm tỷ lệ nhiễm trùng niệu hoặc ung thư dương vật, không cắt da quy đầu sẽ có nguy cơ cao bị vô sinh, gây vướng víu trong quan hệ vợ chồng... Những quan niệm này là hoàn toàn sai lầm, theo bác sĩ Việt.
Viêm bao quy đầu là bệnh lý thường xảy ra do vệ sinh không sạch sẽ và quan hệ tình dục không an toàn. Người bị bao quy đầu dài song vẫn giữ được vệ sinh sạch sẽ thì không phải cắt trừ khi tái phát nhiều lần. Vấn đề ở bao quy đầu không liên quan đến bệnh lý vô sinh.
Phụ huynh cần biết cách vệ sinh cho trẻ khi không cắt da quy đầu như rửa bằng nước sạch sau khi đi tiểu, lúc tắm. Trẻ dậy thì có hoạt động sinh dục khiến các tuyến mồ hôi, tuyến bã tăng tiết nên cần rửa quy đầu thường xuyên hơn để tránh ứ đọng nước tiểu và các chất tiết.
Thúy Quỳnh