Cầm chiếc máy Mustek 5500z của Đài Loan trên tay, anh Tùng chắc mẩm những bức ảnh chụp khi in ra sẽ đẹp. Sau một ngày "săn ảnh" trên đường, anh háo hức vào tiệm ảnh để in tráng. Những bức ảnh chụp từ chiếc máy 5 Megapixel - mà từ thông thường vẫn gọi là "năm chấm" - cũng tạm được, nhất là khi chụp ban ngày. Còn những tấm chụp buổi chiều, khi trời mưa, cứ mờ mờ. Trong khi đó, ảnh in từ chiếc máy Canon Slim 2.0 cũ rích từ hồi nào vẫn cho ảnh rõ nét.
Năm chấm theo công nghệ nào?
Anh Tuấn, phụ trách bán hàng ở một công ty, cho biết, máy ảnh Mustek sử dụng công nghệ CMOS. Để làm cho giá thành hạ, nhà sản xuất đã sử dụng những công nghệ để làm giảm giá thành, khiến cho chất lượng hình ảnh không cao. Trong khi đó, máy ảnh Canon Slim 2 Megapixel, tuy có độ phân giải nhỏ nhưng sử dụng chip cảm biến hình ảnh CCD, chất lượng cao.
Anh Tuấn nói: "Có thể thấy rõ chất lượng ảnh thông qua dung lượng lưu trữ. Bình thường, một máy ảnh 5 chấm, lưu ảnh ở độ phân giải tối đa thì kích thước khoảng 2,2 MB. Trong khi máy ảnh Mustek chỉ lưu tối đa là 1,2 MB".
Một cách phân biệt khác, theo anh Tuấn, là xem hình ảnh hiển thị ở màn hình LCD để so sánh. Tất nhiên, cách này chỉ có tính tương đối, vì phụ thuộc chất lượng màn hình LCD.
Canon EOS D20 - Công nghệ cao cho chất lượng tốt hơn. |
Hai công nghệ chính
Giữ vai trò quan trọng trong máy ảnh số là thiết bị cảm biến hình ảnh. Hai công nghệ cảm biến hình ảnh chính hiện nay là CCD và CMOS. Cả hai đều có những ưu và nhược điểm và việc lựa chọn công nghệ nào phụ thuộc vào ứng dụng, cũng như nhà sản xuất.
Nguyên lý hoạt động của hai loại cảm biến tương tự nhau: biến ánh sáng thành điện năng. Bạn có thể hình dung bộ cảm biến là một tấm lưới gồm hàng triệu ô nhỏ, trong đó mỗi ô sẽ biến đổi ánh sáng từ vật thể thành điện năng.
Điểm khác biệt giữa CCD và CMOS là khâu đọc dữ liệu từ các ô cảm biến. CCD (Charge coupled device), điện năng được truyền qua chip và được ghi nhận (đọc) giá trị dữ liệu ở đầu cuối. Tại đây, tín hiệu được chuyển đổi từ tín hiệu tương tự sang tín hiệu số. Trong hầu hết các cảm biến CMOS, tín hiệu được khuyếch đại nhờ một số transistor bên trong và truyền tín hiệu qua dây dẫn. Dùng CMOS sẽ không cần phải có bộ chuyển đổi tín hiệu từ kỹ thuật tương tự sang kỹ thuật số. Do vậy, máy ảnh sử dụng chip CMOS sẽ có kích thước nhỏ hơn, tiêu thụ điện năng ít hơn. Thông thường, chip CMOS tiêu thụ điện chỉ bằng 1/5 hay 1/10 nếu so với CCD. Tuy nhiên, do thực hiện quá nhiều nhiệm vụ khiến cho độ nhiễu cao, chất lượng hình ảnh bị giảm đi.
Tốc độ xử lý khung hình giữa CCD và CMOS cũng rất khác biệt. Tốc độ của CCD là 30 khung hình/giây. Một CCD đơn sắc có độ phân giải chuẩn là 350-500 dòng, nếu tối đa có thể đạt 600 dòng. Trong khi đó, độ phân giải và khả năng hiển thị màu trung thực của CMOS thấp hơn. Nếu phóng to bức ảnh sẽ bị hạt. Tuy nhiên, CMOS xử lý hình ảnh tốt hơn CCD trong điều kiện ánh sáng yếu.
Xét về công nghệ chế tạo, CCD được sản xuất theo quy trình công nghệ khá đặc biệt nên nó có khả năng truyền tín hiệu trung thực. Chính vì vậy mà CCD được dùng trong các thiết bị đòi hỏi hình ảnh trung thực, nhạy sáng. Còn CMOS được chế tạo theo công nghệ sản xuất bộ vi xử lý. CCD tạo ra hình ảnh chất lượng cao, ít nhiễu. CMOS được chế tạo từ một sản phẩm bán dẫn thông thường, nên chi phí sản xuất thấp. Bù lại, CCD đã được sản xuất công nghiệp trong một thời gian dài nên công nghệ hoàn thiện hơn.
Chính điều này khiến cho công nghệ CMOS chỉ áp dụng ở các loại máy ảnh rẻ tiền. Giá của máy Mustek "năm chấm" anh Tùng mua chỉ có 190 USD, trong khi giá máy hàng hiệu, cùng độ phân giải như vậy không dưới 400 USD.
Nhiều nhà công nghiệp dự báo CMOS sẽ thắng thế trong tương lai. Trên thực tế, với những ưu điểm của CCD, khả năng cả hai cùng tồn tại sẽ lớn hơn nhiều. Trong vài ba năm tới, CMOS sẽ xuất hiện nhiều ở dòng máy giá rẻ, tiêu tốn điện, điện năng thấp, còn CCD vẫn giữ vị trí độc tôn ở các dòng máy cao cấp. Gần đây, Canon đã đưa ra sản phẩm Canon D30 sử dụng chip CMOS có chất lượng hình ảnh không thua gì loại dùng CCD.
(Theo SGTT)