Nếu cần phải tìm một ai đó làm thước đo về đẳng cấp của cầu thủ Việt Nam, thì so sánh với Lee Nguyễn có lẽ sẽ mang đến sự chính xác tương đối, với chiều cao khiêm tốn, hình thể và diện mạo không quá khác so với các đồng nghiệp nội.
Lee Nguyễn trưởng thành từ bóng đá học đường tại Mỹ chứ không xuất thân từ một lò đào tạo nổi tiếng nào đó. Ở tuổi 20, anh đến Hà Lan cũng tương tự Đoàn Văn Hậu. Trong sự nghiệp của cầu thủ Việt kiều từng khoác áo đội tuyển Mỹ này, lần trở về Việt Nam chơi bóng hơn 10 năm trước bị xem là một bước lùi. Nhưng anh vượt qua giai đoạn đó, trở lại rồi thăng hoa ở MLS, để rồi giờ đây, ở tuổi 34, lại được CLB TP HCM săn đón trở lại V-League với bản hợp đồng được cho là có giá trị lớn nhất từ trước đến nay.
Đẳng cấp của Lee Nguyễn thì chẳng có gì để bàn thêm. Chỉ qua hai trận đấu được chơi trọn vẹn tại V-League, anh đã tạo ra những tiếng ồ thán phục, thích thú trên khán đài nhờ các pha xử lý mềm mại, tinh tế và phong cách của một thủ lĩnh trong mọi tình huống bóng trên sân, suốt 90 phút của trận đấu. Cảm giác được nhìn Lee Nguyễn chơi bóng vẫn như ngày nào, luôn buộc khán giả phải dõi theo mọi pha xử lý, bởi nó luôn hứa hẹn sẽ mang đến cao trào, đột biến, thay đổi được kết cục của trận đấu.
Chính vì thế, sẽ có không ít tiếc nuối bởi hôm nay Nguyễn Quang Hải không thể góp mặt trong trận cầu đinh trên sân Thống Nhất vì chấn thương. Ngôi sao của Hà Nội FC trẻ hơn Lee Nguyễn 10 tuổi, vẫn đang gây tranh luận về đẳng cấp của anh liệu đã vươn đến tầm châu Á hay chưa. Câu trả lời còn bỏ ngỏ vì đến giờ, dù đã chơi chuyên nghiệp năm năm qua, toàn bộ sự nghiệp của Quang Hải vẫn gói gọn trong màu áo của Hà Nội FC. Nếu hôm nay Quang Hải ra sân, chơi cùng vị trí hoặc thể hiện vai trò tương tự Lee Nguyễn, có khi câu trả lời sẽ được hé mở phần nào.
Tuy nhiên, việc Quang Hải lỡ hẹn với Lee Nguyễn lại mở ra một vấn đề khác, đáng quan tâm hơn nếu nhìn đến tương lai của bóng đá Việt Nam, hay triển vọng của đội tuyển quốc gia. Đây là lần nghỉ dưỡng thương thứ tư của Quang Hải kể từ lần đầu tiên xảy ra ở SEA Games 30. Mức độ của các chấn thương khác nhau, nhưng mật độ thật sự đáng báo động. Từ sau SEA Games, Quang Hải không còn phải thi đấu nhiều cho tuyển Việt Nam, lại có nhiều lần được nghỉ ngơi dài hạn vì Covid-19 trong năm 2020, và đây cũng là mùa V-League mà anh thi đấu ít nhất kể từ khi được biên chế vào đội 1 Hà Nội năm 2016. Ở giai đoạn II mùa trước, sau thời gian hồi phục chấn thương, Quang Hải chơi bùng nổ, giúp Hà Nội FC đua tranh kịch tính cùng Viettel. Nhưng chừng đó không đủ, Quang Hải nằm ngoài top 3 giải thưởng Quả Bóng Vàng Việt Nam. Rồi đầu mùa này, anh lại chấn thương và theo chẩn đoán, nếu muốn duy trì sự nghiệp lâu dài, Quang Hải cần một cuộc hội chẩn nghiêm túc để xử lý dứt điểm.
Ở tuổi Quang Hải, Lee Nguyễn từ Đan Mạch về đá cho V-League sau chuyến "du học" ở châu Âu. Không thành công, anh vẫn vực dậy sự nghiệp và đến bây giờ, vẫn chơi thứ bóng đá đẳng cấp ngay tại Việt Nam. Thậm chí, có vẻ như Lee Nguyễn đang là ngôi sao sáng nhất của V-League nếu xét ở góc độ của một cầu thủ gần gũi với người hâm mộ bóng đá Việt Nam. Điều đáng nói hơn ở đây chính là tuổi tác và khả năng duy trì chất lượng thi đấu, một điều rất quan trọng trong bóng đá chuyên nghiệp.
Trong lịch sử giải thưởng Quả Bóng Vàng Việt Nam, Phạm Thành Lương đang giữ kỷ lục với bốn lần được vinh danh. Nhưng lần gần nhất "Sóc nhỏ" đoạt danh hiệu là năm 2014, khi anh mới 26 tuổi. Một tài năng khác, Lê Công Vinh đoạt Quả Bóng Vàng lần đầu khi mới 19 tuổi, nhưng danh hiệu thứ ba, cũng là lần cuối của anh lại ở tuổi 22. Một ngôi sao được vinh danh sớm khác, Phạm Văn Quyến, thậm chí tàn lụi sự nghiệp vì biến cố ngoài chuyên môn. Nguyễn Quang Hải chính là cầu thủ thứ tư từng đoạt Quả Bóng Vàng ở độ tuổi còn rất trẻ.
Ở chiều ngược lại, những cầu thủ không được tung hô sớm như đồng đội cùng thời, thì lại có sự nghiệp lâu dài. Những Lê Huỳnh Đức, Minh Phương, Anh Đức và mới nhất là Nguyễn Văn Quyết đều đoạt Quả Bóng Vàng ở tuổi 30-31, rồi tiếp tục chơi bóng thêm vài năm nữa mới giải nghệ. Họ xuất phát chậm, nhưng vẫn kịp có sự nghiệp lâu dài và đồ sộ.
Những cầu thủ "đá mãi chưa lớn" ở HAGL, và các chấn thương ngay thời thanh xuân của cầu thủ Hà Nội FC cho thấy bóng đá Việt Nam đang có vấn đề về cách phát triển tài năng. Chúng ta khuyến khích, hoặc thậm chí là đòi hỏi các CLB phải sử dụng cầu thủ trẻ. Điều đó không có gì sai, nhưng chuyện dùng cầu thủ trẻ phải tùy vào môi trường mà cầu thủ đó đang thi đấu. Một đội bóng yếu, suốt ngày lo trụ hạng, mà dùng cầu thủ trẻ có khi chỉ làm lụi tàn tài năng do yêu cầu của ban huấn luyện chắc chắn nghiêng về thực dụng. Với các cầu thủ Hà Nội FC, họ được dìu dắt bởi các đàn anh giàu kinh nghiệm và một bộ khung quá ổn định, nên thăng hoa từ sớm rồi bị sử dụng quá mức. Trên thực tế, kể cả khi không có Quang Hải, Đình Trọng, Duy Mạnh hay Văn Hậu, tập thể dưới trướng HLV Chu Đình Ngiêm vẫn duy trì thành tích tốt, không đến mức phải đánh đổi chấn thương của cầu thủ để biến họ thành ngôi sao.
Vì thế, thật tiếc khi giữa mùa giải V-League được kỳ vọng là hay nhất, cạnh tranh nhất, có chất lượng cao nhất, ngôi sao lớn nhất lại là Lee Nguyễn.
Song Việt