![]() |
Bệnh nhân chỉ nên mua thuốc theo đúng đơn chỉ định của bác sĩ. |
Bà N.T.T., 63 tuổi, đến hiệu thuốc Bệnh viện A.B, Q.5 TP HCM, mua một vỉ thuốc giống như vỉ thuốc đã dùng hết mà bà cầm theo. Sau khi nhìn qua, cô bán hàng đưa cho bà một vỉ thuốc khoảng 10 viên. Trước khi trả tiền, bà T. cẩn thận để 2 vỉ thuốc lại gần nhau để kiểm tra. Cho rằng vỉ thuốc mà cô nhân viên vừa đưa không giống với vỉ thuốc của mình nên bà trả lại. Hoá ra một bên là thuốc Debridat (loại thuốc thường dùng để điều trị rối loạn co thắt đường ruột, tiêu chảy, táo bón), một bên là thuốc Intetrix (trị sán amip đường ruột).
Chưa đầy 2 phút sau, chị H. từ phòng khám của bệnh viện này cầm đơn ra mua thuốc điều trị mụn nhọt ở tay. Cô bán thuốc xem đơn và thay vì lấy loại thuốc Opedroxyl như bác sĩ chỉ định, cô lại bán thuốc Amoxycilline (một loại kháng sinh ít hiệu quả trong điều trị nhọt) cho chị này.
Tại một quầy thuốc trước Trung tâm Chấn thương chỉnh hình TP HCM, chỉ trong vòng 10 phút cũng có tới 3 bệnh nhân bị đổi thuốc tương tự, mà không hề được giải thích.
Hậu quả khôn lường
Bác sĩ Nguyễn Trọng Minh, Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết trong một lần kê đơn cho bệnh nhân bị viêm xoang, ông cho thuốc Ceclor 375 mg. Thế nhưng, khi bệnh nhân ra mua, quầy thuốc đã đổi thành thuốc Keflor 375 mg. Hậu quả là sau khi dùng thuốc, bệnh nhân của ông đã bị ngứa, nổi mề đay đầy người. Mặc dù đây là trường hợp đổi thuốc có cùng một hoạt chất, nhưng vì thuốc được sản xuất ở những công ty khác nhau, với những tá dược riêng biệt, nên mỗi loại có hiệu quả và phản ứng phụ khác nhau.
Thông thường, trước khi kê đơn, bác sĩ đã tìm hiểu tiền sử dị ứng thuốc, sự tương tác giữa các loại thuốc mà bệnh nhân dùng và đặc điểm cơ địa của từng người để lựa chọn thuốc phù hợp. Việc đổi đơn thuốc có thể dẫn đến các hậu quả:
- Gây khó khăn cho bác sĩ trong việc theo dõi kết quả điều trị.
- Làm giảm hiệu quả điều trị.
- Gây phản ứng thuốc, có khi dẫn đến tử vong.
Trong năm 2000, Bệnh viện Da liễu TP HCM đã tiếp nhận điều trị cho 885 ca phản ứng thuốc. Đa số bệnh nhân bị ngứa toàn thân, nổi mề đay, viêm da tróc vảy. Có trường hợp cơ thể bị nổi đỏ, da phồng lên như bị bỏng nặng và đã tử vong. Nguyên nhân chủ yếu là do người bệnh dùng thuốc bừa bãi, tự mua thuốc uống hoặc do nhân viên hiệu thuốc bán hoặc đổi thuốc không theo chỉ định của bác sĩ.
Thanh Niên, 7/5