Trước khi Leeds tiếp đón Man City ở Elland Road, thực tế Pep và Bielsa đã đấu trí nhau ba lần. Đó là chín mùa bóng trước, khi Bielsa còn cầm quân ở Atlethic Bilbao. Trên sân San Mames, phải tới phút 90+1 Barca của Pep mới gỡ hoà 2-2 nhờ công Lionel Messi, sau khi Fernando Amorebieta của Bilbao bị đuổi. Đó là một trận cầu hay, một cuộc cân não thực sự.
Lượt về mùa đó, Barca thắng 2-0. Nếu chỉ nhìn vào sự nhảy múa của những con số, dễ dàng nói trò đã thắng thầy . Nhưng nếu nhìn vào vũ điệu của những cầu thủ, không mấy ai dám chắc về chiến thắng nói trên. Bóng đá nhiều khi được quyết định bởi khoảnh khắc tình huống. Chỉ một khoảnh khắc tình huống thôi, kẻ lên đỉnh cao, người lùi vào bóng tối.
Nhiều người còn thắc mắc mãi về câu chuyện tại sao Pep coi Bielsa là người thầy. Pep học Bielsa lúc nào, ở đâu, và học những gì? Và tại sao một học trò nhiều danh hiệu đến thế trong khi người thầy thì quá nghèo nàn về thành tích, nếu không nói là từng thất bại nhiều lần? Trước mắt, hãy giải quyết câu hỏi thứ hai bằng một câu hỏi khác "Có nhất thiết tất cả các ông thầy của Einstein hay Stephen Hawking phải giỏi hơn, thành tựu hơn họ hay không?".
Năm 2006, sau khi giã từ sân cỏ trong vai trò của một cầu thủ, Pep đã được gợi ý theo nghiệp huấn luyện bởi nhiều người đánh giá ông đã học được rất nhiều điều từ Johan Cruyff, Van Gaal, Bobby Robson, Carlos Mazzone và Fabio Capello, đặc biệt là ở các phương pháp. Nhưng Pep chưa vội vàng cho điều đó. Ông bay sang Argentina, nơi mà ông muốn gặp các bậc thầy khác: Luis Cesar Menotti, Ricardo La Volpe... Ông muốn học hỏi nữa.
Menotti, sau cuộc gặp Pep, đã nhận xét rằng "Anh ta không tới đây để nhờ chúng tôi chỉ bảo thêm. Thực tế, anh ta đã hiểu biết hết cả rồi". Đó là một ngợi khen chân thành. Nhưng Pep vẫn cảm thấy chưa đủ. Cùng người bạn của mình, David Trueba, Pep lái xe 309 km từ Buenos Aires đến Rosario để gặp Bielsa. Trong một charca (một kiểu biệt thự của Argentina), họ đã có 11 tiếng đồng hồ liên tục trao đổi với nhau chỉ trên một đề tài duy nhất: bóng đá.
Cuộc trao đổi ấy có đủ đầy cả, y như một trận đấu. Bắt đầu từ những thăm dò đầy tò mò về nhau, diễn tiến đến những tranh luận nảy lửa, tiếp nối theo đó là bằng cả những phân tích trên máy tính, những đánh giá về kỹ thuật... và cuối cùng là chia sẻ về nỗi ám ảnh chung với triết lý bóng đá kiểm soát toàn diện (bao gồm kiểm soát bóng, kiểm soát không gian, kiểm soát thế trận và làm sao để đội bóng của mình đóng "vai chính" trong cuộc chơi). Thậm chí, có lúc cần minh họa, họ còn bắt David Trueba phải thực hiện thị phạm theo kèm... những chiếc ghế.
Giữa họ có rất nhiều đồng điệu trong bóng đá, mà ngoài yếu tố bị ám ảnh bởi triết lý kiểm soát toàn diện kia còn có cả yếu tố thái độ trong chơi bóng. Và khi Bielsa chia sẻ rằng "đội có thể chơi lúc hay lúc dở nhưng năng lực sẽ phụ thuộc vào cảm hứng và nỗ lực thì phụ thuộc vào từng cầu thủ, với thái độ quan trọng nhất: không thoả hiệp". Pep gật gù và ghi lại từng chữ của câu nói ấy. Đến bây giờ, nó vẫn là kim chỉ nam hành động của ông.
Khi tiễn Pep ra khỏi cổng căn biệt thự, Bielsa đã hỏi một câu rất chân thành "Cậu, một con người hiểu đủ mọi ngóc ngách của bóng đá, thấu luôn cả những dối gian của những con người trong thế giới ấy, mà vẫn quay trở lại với bóng đá làm huấn luyện là vì sao? Cậu mê mẩn cái dòng máu bóng đá tới thế ư?". Pep trả lời ngắn gọn: "Tôi cần dòng máu ấy".
Bielsa cũng bắt đầu ngưỡng mộ Pep từ buổi đó. Ông được coi là el loco, một "Cuồng lão" trong túc cầu, nhưng ông cũng thấy cả cái điên cuồng ẩn chứa trong vẻ ngoài điềm tĩnh và lịch lãm của Pep. Và Bielsa cho Pep một lời khuyên quý giá khi đối diện truyền thông trong bóng đá "đừng coi các kênh truyền hình lớn là quan trọng hơn so với các tờ báo nhỏ". Lời khuyên ấy, Pep áp dụng ngay khi làm việc ở Barca với việc ông ra cái luật "cho phép phỏng vấn một đối một để tránh cảm giác chỗ này được ưu ái hơn đằng kia".
Nhưng dù Bielsa có dành cho Pep sự ngưỡng mộ đến mức nào đi nữa thì nó cũng không sánh được với sự ngưỡng mộ ở chiều ngược lại mà Pep dành cho ông. Nó phải được gọi là ngưỡng vọng một cách cung kính thì đúng hơn. Khi chuẩn bị lên nắm Barca kế tục Frank Rijkaard năm 2008, Pep đã "thuộc bài" Bielsa đến mức ông đến gặp Gabriel Milito, đang dưỡng thương ba tháng. Ông nói với Milito về sự tôn kính dành cho Menotti, Bielsa và bóng đá Argentina. Và ông sau đó tuyên bố với báo chí "Tôi thà được thấy Milito chơi bóng trở lại còn hơn là chiến thắng một danh hiệu". Lối hành xử "rất-Bielsa" đó đã chiếm được cảm tình Milito hoàn toàn.
Và sự tôn kính mà Pep dành cho Bielsa thể hiện rõ nhất ở lần thứ ba hai đội bóng của họ gặp nhau tại Tây Ban Nha. 25/5/2012, trên sân Vicente Calderon, Pep có trận cuối cùng trên cương vị thuyền trưởng Barca. Đó là chung kết cúp nhà Vua, và đối diện Pep là Bilbao của Bielsa. Barca đã không nhường cho Bilbao một centimetre nào trên sân cả. Họ lấn át Bilbao hoàn toàn.
Pedro mở tỷ số từ phút thứ 3. Nhưng Pep không ăn mừng quá mức. Thay vào đó, ông ăn mừng một cách bẽn lẽn khác thường. Rồi khi trận cầu kết thúc, việc đầu tiên là ông tới với Bielsa, không phải là cái bắt tay thủ tục bởi sau đó, ông cũng thể hiện cả sự tôn trọng cho chính các cầu thủ BIlbao. Ông ôm lấy các đồng sự của mình và lặng lẽ lui lại, nhường trung tâm sân khấu cho các cầu thủ Barcelona.
Đêm ấy, lại một lần nữa Bielsa thất bại.
Trước khi Leeds tiếp đón Man City cuối tuần này, đã bắt đầu có những thông tin tiêu cực hướng về phía Pep. Thất bại 2-5 nặng nề trước Leicester dường như là một dấu hiệu chẳng lành. Và thậm chí, còn có cả những tờ báo còn chú thích ảnh của Guardiola bằng một câu đầy ngờ vực "Pep trông giống như một kẻ thất bại ở mùa giải này".
Trong khi đó, những lời khen cho Bielsa bắt đầu xuất hiện nhiều hơn. Hoàn cảnh ấy có lẽ cũng khá tương đồng với mùa giải 2011-2012 đã xa rồi. Chỉ có điều, họ đổi vai cho nhau trong cuộc chơi khen-chê của truyền thông mà thôi.
Trong phòng làm việc của Pep ở Man City thực chất có rất ít vật dụng. Thứ mang tính cá nhân duy nhất mà Pep để trên bàn làm việc là bức tượng của Johan Cruyff, một món quà ông nhận được từ Cruyff Foundation. Còn lại, chỉ là hai chiếc máy tính, những cây bút chì, chồng giấy và phía bên trái ghế ngồi của ông là bảng kế hoạch làm việc tuần. Nhưng bên cạnh cái bảng ấy là gì? Một thứ vô cùng ý nghĩa: Một câu nói của Bielsa mà Pep tự tay viết thẳng lên tường bằng bút dạ đen.
"Những khoảnh khắc trong đời mình mà tôi tiến bộ lên gắn liền mật thiết với những thất bại; những khoảnh khắc trong đời mình mà tôi tụt lùi gắn liền mật thiết với những thành công. Thành công khiến con người chúng ta biến dạng đi. Nó khiến ta chùng lại. Nó chơi chiêu với chúng ta. Nó biến chúng ta thành những cá nhân kém cỏi đi. Nó nuôi dưỡng cái tôi của chúng ta.
Thất bại thì ngược lại hoàn toàn. Nó giúp ta định hình. Nó khiến ta phải vững chãi hơn. Nó đưa chúng ta tới với niềm tin của mình gần hơn nữa. Nó làm chúng ta phải mạch lạc hơn, chặt chẽ hơn.
Tôi đã rất hạnh phúc khi mình gắn với bóng đá nghiệp dư. Tôi rất hạnh phúc khi mình trưởng thành trong nghề nghiệp mình yêu thích. Tôi có một tình yêu vĩ đại cho bóng đá, cho các trận đấu, cho từng pha phạt góc, cho từng khoảng không gian hẹp, cho từng đường biên trên sân...
Niềm vui chiến thắng chỉ kéo dài năm phút thôi. Và những gì còn lại chỉ là một khoảng trống cùng nỗi cô đơn không thể miêu tả nổi. Đừng bao giờ để thất bại xâm hại vào lòng tự trọng của bạn.
Khi chiến thắng, những ngợi khen hay tụng ca chỉ là dối lừa để chăm bẵm cái tôi của bạn thôi và từ đó làm bạn méo mó. Khi bạn thất bại, những gì ngược lại sẽ xảy ra. Những gì đáng kể nhất phải là sự cao qúy trong tất cả các nguồn lực mà bạn đã sắp xếp".
Câu nói của Bielsa như một "chân kinh" cho Pep lúc này. Pep đã và đang đối diện quá nhiều khó khăn và đội bóng của ông cũng phải trải qua khoảng thời gian đáng quên sau thất bại trước Lyon ở Champions League và vừa rồi là thảm bại ngay trên sân nhà trước Leicester City. Chưa bao giờ Pep thua thảm như thế kể từ ngày ông cầm quân. Chưa bao giờ ông bị ngờ vực đến thế. Và những giễu nhại kiểu "kẻ ăn may vĩ đại" đã bắt đầu quay trở lại, hiểm ác hơn, cay độc hơn. Chẳng có ai hiểu rằng, không một kẻ chịu khó học hỏi tìm tòi bao nhiêu năm trời đáng bị coi là kẻ ăn may cả.
Song, để có thể đối diện thất bại theo đúng "chân kinh" mà Bielsa đưa ra phải đòi hỏi một ý chí sắt đá, và cả tinh thần không thỏa hiệp mà Bielsa đã thể hiện. Đó là thứ ý chí của một ubermensch (con người thượng đẳng) mà Nietzsche đã đề cập tới. Không phải ai cũng đủ bản lĩnh đối diện thất bại một cách vững chãi như vậy dù chúng ta vẫn có thể ra rả nói "learn from mistake" (học từ chính những sai lầm). Không ít người, sau thất bại là trầm cảm, và không bao giờ có thể trở lại.
Bielsa đã thất bại rất nhiều lần. Nhưng điều lạ kỳ là mỗi khi ông nhận việc ở một nơi nào đó, cầu thủ luôn cảm thấy phấn khích vô cùng khi đón nhận tin ấy. Chẳng hạn như ở Marseille ngày nào. Với các cầu thủ thành phố cảng nước Pháp, tin Bielsa đến Velodrome chẳng khác gì một phúc âm. Họ hiểu, thứ họ muốn trong sự nghiệp là danh hiệu nhưng thứ họ cần lại là sự xây dựng mình trở thành một con người mạnh mẽ. Bielsa có thể không mang lại cho họ danh hiệu, nhưng ông lại có thể thay đổi họ trở thành những con người tiến bộ hơn nhiều.
Pep thành công rất nhiều, nhận ngợi khen rất nhiều nhưng phải thừa nhận, ông chưa thành công trong việc cải thiện những con người. Không phải ông không nỗ lực làm điều đó. Có lẽ là ông chưa tìm ra phương cách, hoặc đơn giản Chúa trời không ban cho ông bản năng này. Hãy nhìn vào Leroy Sane, vào Raahem Sterling... ở Man City sẽ hiểu. Ông muốn họ giỏi hơn, tốt hơn nhưng ông không thể. Họ chỉ có chút phát triển nhưng chưa thể thoát ra khỏi cái vỏ kén của mình. Và bây giờ, Sane đã ra đi, còn Sterling thì vẫn "tiếng cắc tiếng bụp".
Bielsa thì khác. Ông tạo ra một Kalvin Phillips mới mẻ hoàn toàn. Việc một cầu thủ từ đội hạng dưới, vừa lên Premier League mà đã được gọi vào đội tuyển Anh chắc chắn khiến nhiều người phải ngạc nhiên. Nhưng chỉ có Bielsa mới làm được điều đó, khi ông đưa Phillips từ chỗ đá số 10 lui về đá tiền vệ trụ. Có lẽ, thứ mà Bielsa dồi dào hơn Pep chính là điều ông đã nhắc Pep 14 năm trước ở căn biệt thự Argentina: "cảm hứng và nỗ lực".
Bielsa biết cách khơi dậy cảm hứng của cầu thủ, tạo ra họ là những con người nỗ lực đầy mình. Còn ở các đội bóng mà Pep đã đi qua, nguồn cảm hứng có thể tồn tại nhưng những nỗ lực để mình phải khác đi thì chưa rõ rệt. Cái nỗ lực ấy không thể hiện bằng lối chơi bóng trên sân, mà là ở khao khát cải thiện chính bản thân mình, từ hành vi cho tới thái độ. Còn trên sân, nỗ lực đó nó phải là thứ bùng nổ ngay khi đội bóng gặp khó khăn nhất. Và mỗi khi đội bóng của Pep khó khăn về lực lượng, như thiếu vắng nhân sự chẳng hạn, họ đã không cho thấy nỗ lực cũng như cảm hứng cần có để vực dậy tinh thần chung.
Lorenzo Buenaventure, người HLV thể lực của Pep ở Man City chắc chắn hiểu rõ điều đó hơn cả. Chính Lorenzo là người đã theo Bielsa cũng trong cương vị này ở tuyển Argentina tại World Cup 2002. Buenaventure từng nói với Pep rằng "Chúng ta phân tích dữ liệu nhưng đừng nên bị hoá điên bởi những chi tiết. Dữ liệu là để hỗ trợ chứ không phải là kim chỉ nam.". Và Buenaventura vẫn luôn khẳng định, theo cách ‘rất-Bielsa’ rằng điều quan trọng là phân tích để biết điểm nào khơi gợi cảm hứng cùng nỗ lực cho cầu thủ của mình.
Chắc chắn, tối 3/10, ở Elland Road, Leeds sẽ chơi một trận cho Man City phải học hỏi, theo đúng tinh thần của Bielsa. Leeds có thể chơi hay, có thể chơi rất dở, nhưng họ sẽ không khoan nhượng, không từ bỏ, không buông xuôi, không chán nản và không quy hàng. Còn Man City, cái gông của thất bại và nỗi ám ảnh về khủng hoảng lực lượng sẽ vẫn cứ ở trên vai họ mà thôi. Để rồi nếu họ có chiến thắng đi nữa, nó rất có thể sẽ là một chiến thắng nhọc nhằn, một chiến thắng cực hình.
Đó là điều mà Bielsa chưa thể dạy cho Pep: đối diện thành công - đối diện thất bại. Cơ bản, đời Pep thành công quá nhiều và thất bại của ông luôn quá mờ, quá nhỏ. Có lẽ, ông đã để cho cái tôi của mình được nuôi dưỡng quá lâu rồi. Bởi thế, chúng ta ngày càng thấy một Pep bớt hấp dẫn hơn so với thời Barca. Không phải là vì Pep không có một đội hình tài năng như thế mà cơ bản hơn, ông chỉ thay đổi mình bằng những ám ảnh chiến thuật trong khi ít dần đi cơ hội khiến mình vững chãi hơn, khiến mình tin tưởng hơn, khiến mình chặt chẽ hơn.
Giữa Bielsa và Pep, chẳng có câu chuyện nào hấp dẫn hơn câu chuyện thành - bại cả. Vì nó không đơn thuần là bóng đá. Nó chính là cuộc đời mà mỗi chúng ta đều là huấn luyện viên của chính mình. Và có lẽ, chúng ta còn may mắn hơn Pep, bởi từ câu chuyện của ông với Bielsa, chúng ta có một minh chứng sinh động, trực diện nhất, đa sắc thái nhất để nhìn nhận trong khi Pep thì vẫn ở đó, trong câu chuyện của mình, chỉ có thể nhìn bằng đôi mắt chính mình chứ không phải một đôi mắt khách quan bên ngoài đúng nghĩa.
Hà Quang Minh