From: Bi ngo
Sent: Thursday, August 14, 2008 5:35 PM
Subject: Gui Nhung(32 tuoi van vò võ mot mình)
Nhung thân mến!
Trưa nay sau khi ăn trưa cùng chồng mình, mình lướt web một chút đọc tin tức và tiện thể ghé thăm mục Tâm sự, một thói quen không thể thiếu khi vào trang VnExpress.net. Nhiều mảnh đời với muôn vàn hoàn cảnh mà các bạn đã tâm sự, mình rất thông cảm và muốn chia sẻ, nhưng có lẽ mình chưa có nhiều kinh nghiệm sống trong hôn nhân lắm nên khó có thể đưa ra một lời khuyên nào cho thật đúng đắn và đúng nghĩa với từng hoàn cảnh sao cho phù hợp với cả hai người: người đưa tâm sự của mình lên cũng như người đứng đằng sau mỗi hoàn cảnh đó.
Nhưng hôm nay khi đọc những dòng tâm sự của Nhung mình rất hiểu và quyết định chia sẻ với Nhung từ cuộc sống của mình. Nhung biết vì sao không? Vì mình mới lập gia đình ở tuổi 36, mới năm ngoái đây thôi mà thời gian lại là tận cùng của năm cơ (ngày 29 tháng 12 Dương lịch). Sau khi biết tuổi của mình rồi Nhung có thể gọi mình bằng chị được rồi chứ?
Nhung à? Em biết sao không? Khi chị bằng tuổi em bây giờ nghĩa là năm chị 32 tuổi. Chị mới thực sự bắt đầu gây dựng cuộc sống riêng cho chính mình, vì trước đó từng đi làm như một công nhân viên chức nhà nước ba cọc ba đồng ngay sau khi ra trường. Năm 32 tuổi là năm đánh dấu bước ngoặt cuộc đời chị trong công việc từ đó cho đến nay.
Chị đã rất gian truân và vất vả bên cạnh đó lại nặng gánh gia đình nữa. Bố chị thì mất sớm khi chị mới 2 tuổi. Một gia đình viên chức, đủ ăn là may lắm rồi chứ đừng nói đến dư giả. Mẹ chị rất vất vả khi nuôi anh em chị khôn lớn trưởng thành, nhưng anh chị thì không được trời phú cho cái lanh lẹn, thông minh... như chị nên chị luôn ý thức, xác định rằng nếu sau này mình làm ra tiền mình sẽ gánh vác đỡ đần cho mẹ vì mẹ ngày càng tuổi cao sức yếu.
Trọng trách mình tự đề ra cũng khá cao riêng cho bản thân và cho gia đình mình nữa. Thử hỏi Nhung xem chị làm gì có thời gian mà nghĩ mình đã, đang và sẽ yêu ai. Mình sẽ lập gia đình với ai nhỉ? Hồi ấy có người nói rằng chị đang đã và đang hy sinh tuổi xuân của mình vì gia đình để rồi sau này khi quay lại sẽ hối hận không kịp. Người thì nói "kén cá chọn canh", "lắm mối tối nằm không", "đứng núi này trông núi nọ"... Người ta nói nhiều lắm.
Mẹ chị cũng sốt ruột và sợ nhất là mỗi khi về quê Nhung biết rồi đấy. Ở quê người ta bắt đầu dựng vợ gả chồng từ khi 18 tuổi, thậm chí sớm hơn tùy theo phong tục tập quán mỗi miền. Mẹ đi đâu người ta cũng hỏi, cũng nói, họ hỏi: "Con gái đã đi lấy chồng chưa? Năm nay bao nhiêu tuổi?". Mẹ chị trả lời: "Cháu nó 32 tuổi rồi" và ai cũng lắc đầu lè lưỡi. Người thông cảm thì không sao nói đỡ câu: "Số cháu nó cao số vất vả...". Người không ưa thì nói: "Già rồi lấy ai bây giờ, đến thành bà cô không chồng mất"".
Cứ thế nhằng nhẵng bao năm trời, người ta nói gì cứ nói, thú thật với Nhung chị không quan tâm lắm. Chị vẫn cứ làm việc và chị luôn tâm niệm rằng "Thà không chồng còn hơn một cuộc hôn nhân bất hạnh". Cái buồn của người độc thân đến vu vơ rất nhanh và đi cũng rất nhanh. Buồn vì đi trên đường nhất là những dịp Lễ Tết, trên xe máy ai cũng đèo bồng con trước con sau, vợ ngồi sau cùng. Nghĩa là ai cũng có cặp có đôi. Nhìn lại mình sao thấy lẻ loi.
Buồn nhất là đêm giao thừa, ai cũng tay trong tay, gia đình con cái họ bằng tuổi mình quây quần cùng đi đón giao thừa, cùng lên chùa hái lộc và sau đó họ về nhà tíu tít mừng tuổi nhau. Nhiều, nhiều cảnh lắm khiến chị động lòng vì chị vốn là người nhạy cảm và thiếu thốn tình cảm từ bé nữa. Có những năm giao thừa chị nói mẹ chị là đi ngủ sớm như mọi ngày, mai con dậy bình thường cũng như mọi ngày. Mẹ và cả nhà cứ xem tivi bắn pháo hoa đi.
Chị không nói lý do chắc Nhung cũng hiểu vì sao. Nói tóm lại, bao nhiêu năm, từ năm tuổi nhà nước cho phép lập gia đình đến tận năm chị 36 tuổi, thôi thì bao nhiêu lời ra tiếng vào. Nghe 1 tuần, 2 tuần, 1 tháng, 2 tháng, 1 năm, 2 năm và 3 năm... nghe mãi chị cũng quen. Thậm chí đến mấy năm gần đây chị xác định "ế" hẳn, ai nói chị lại "nhe răng cười" nói lại: "Số không chồng biết làm sao?".
Lạ thay khi chị hồn nhiên vô tư sống thì bắt đầu đại đa số những người đã lập gia đình lại nói: Như nó lại khỏe, chẳng phải hằng đêm trông ngóng chồng đi tiếp khách về khuya, chẳng phải tất bật hai bữa cơm lau chùi dọn dẹp nhà cửa, chẳng phải nội ngoại hai bên, chẳng phải tính toán ky ky cóp cóp, chẳng phải chịu đựng những lúc vợ chồng cơm chẳng lành canh chẳng ngọt, chẳng phải lo sáng đưa con đi học khuya trông ngóng chồng về.
Chị nghĩ "có khi không chồng như này lại hóa hay". Mỗi lần nghĩ thế chị lại tủm tỉm cười, ôm gối ôm ngủ ngon lành cho đến sáng. Không biết Nhung thế nào chứ tuổi càng cao lập một hội độc thân cũng không phải là khó, bằng tuổi Nhung trở đi chị đã có một nhóm "độc thân vui vẻ" lắm. Mà đúng là vui vẻ thật, vì độc thân nên không ai ràng buộc, í ới alô một cái là tất cả tập trung, nào là ăn uống, nào là xem phim, nào là đi biển, nào là ca hát... Úi chao phải nói là độc thân lắm việc để làm lắm, các chị có gia đình nhìn vào cứ gọi là "mê mẩn".
Ừ, mà sao Nhung không thay đổi cuộc sống của mình một chút đi, hãy hòa đồng với tất cả mọi người, hãy sống thật vui vẻ, hãy tham gia nhiều hoạt động của xã hội hay của một nhóm bạn mình đang chơi... thay vì Nhung ngồi đó lo lắng, suy nghĩ người này người nọ đang nói về mình, đang nhìn mình vì mình chưa lập gia đình.
Chị thì quan niệm: Mọi chuyện có thể mình sắp xếp được, nhưng hôn nhân thì hoàn toàn khác. Mỗi con người đến với nhau đều là duyên phận cho dù họ đến với nhau chỉ là bạn, nhưng họ lại là bạn tốt của nhau suốt đời. Chuyện vợ chồng cũng vậy "âu cũng là duyên số". Chị rất tin vào chuyện duyên số vợ chồng em à, những gì mình luôn nghĩ tới nó để mà lo lắng suy tính thì không bao giờ nó đến với mình. Hạnh phúc cũng vậy, nó thường đến bất ngờ, mình không bao giờ đoán và ngờ được thì nó lại đến một cách thăng hoa.
Nhung biết sao không? Khi chị thực sự không nghĩ đến hôn nhân nữa, thậm chí ngay cả đến mẹ chị. Đến khi người ta hỏi những câu hỏi "thường ngày ở huyện" thì mẹ chị trả lời là "Nó không lấy chồng nữa ở vậy nuôi mẹ" thì cũng là lúc chị gặp người đàn ông chị yêu, là người chồng của chị bây giờ đấy Nhung à. Anh ấy chỉ hơn chị một tuổi, nghĩa là tụi chị cưới nhau khi chị 36 còn anh thì 37.
Không phải mình chị khen đâu nghe, chồng chị là một người đàn ông tuyệt vời lắm Nhung ạ, rất trẻ trung, đẹp trai, khỏe mạnh và rất tâm lý chiều vợ nữa (nói nhỏ nghe anh ấy rất sành điệu trong cách ăn mặc và luôn chọn mua quần áo mỗi khi hai vợ chồng cùng đi shopping). Không phải riêng chị mà gia đình chị, tất cả bạn bè ai ai cũng rất thỏa mãn, thậm chí pha chút "ganh tị" khi chị lấy chồng đấy.
Đã có lần chị hỏi anh: "Con gái trẻ đẹp rất nhiều, rất yêu anh sao anh lại lựa chọn em?". Anh ấy đã trả lời chị: "Đơn giản vì suốt cuộc đời anh, anh chỉ mong vợ anh là một người bạn thực sự, một người phải từng trải trong cuộc sống, thậm chí từng va vấp... thì mới hiểu hết được ý nghĩa của cuộc sống, biết trân trọng cuộc sống, nhất là cuộc sống hôn nhân".
Ở đây chị muốn nói với Nhung, tuổi tác không quan trọng, bề ngoài không quan trọng bằng cái giá trị thực của con người. Chị thường nói đùa với bạn bè và gọi đó là nội dung trong mỗi con người quan trọng hơn hình thức là vì thế. Chồng chị vừa nói đùa hãy viết thư cho Nhung và nói: "Chị đây này, 36 tuổi vẫn còn tươi và mới lấy chồng đây. Đang rất hạnh phúc!".
Em à! Đôi dòng với em, hy vọng chia sẻ cùng em những gì chị từng trải qua. Em có biết bài hát "Cuộc đời vẫn đẹp sao, tình yêu vẫn đẹp sao không?". Hãy hát nó dù chỉ là trong tâm trí.
Thế nhé em. Chúc em luôn vui tươi và hãy sống là chính mình và cho mình.