Chỉ trong 70 năm, ngành công nghiệp chip bán dẫn đã phát triển một cách thần kỳ, trở thành yếu tố hàng đầu trong chiến lược của nhiều quốc gia, nhất là các cường quốc. Cuối năm 2024, thỏa thuận hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và tập đoàn công nghệ Nvidia trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và chip bán dẫn đem lại hy vọng về một nhà máy sản xuất chip tại Việt Nam. Để làm được điều này, Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức nhằm bắt kịp nền công nghệ thế giới.
Những cơ hội và thách thức đó phần nào được PGS.TS Nguyễn Trung Dân đề cập trong quyển Khi con chip lên ngôi: Cơ hội và thách thức nào cho Việt Nam, do NXB Nhã Nam ấn hành. Với kinh nghiệm nghiên cứu trong lĩnh vực bán dẫn tại nhiều quốc gia trên thế giới, tác giả khái quát lịch sử chip bán dẫn, đồng thời dự đoán về hướng phát triển, sự phân cực của chuỗi cung ứng linh kiện này trên thế giới trong tương lai.
![Sách Khi con chip lên ngôi: Cơ hội và thách thức nào cho Việt Nam? do NXB Nhã Nam phát hành vào tháng 1. Ảnh: NXB Nhã Nam](https://vcdn1-giaitri.vnecdn.net/2025/01/28/472731859-1012245924276475-579-3354-7429-1738063383.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=skkFaXxB8eEhJ3vN-U6zSA)
Sách "Khi con chip lên ngôi: Cơ hội và thách thức nào cho Việt Nam?" do NXB Nhã Nam phát hành vào tháng 1. Ảnh: NXB Nhã Nam
Trong tác phẩm, tác giả đưa độc giả bước vào hành trình tìm về sự ra đời của transistor, chip bán dẫn cũng như vai trò của chúng - từ khi được hình thành tại Thung lũng Silicon cho đến khi thâm nhập vào đời sống dân sự, quốc phòng.
Lúc bấy giờ, phát minh này được xem như bộ não của mọi thiết bị điện tử, từ điện thoại, máy tính cho đến tàu vũ trụ, những con chip bán dẫn đã thu hút sự chú ý của các cường quốc. Trong khi nước Mỹ chứng kiến thành công của Thung lũng Silicon, Liên Xô và một số quốc gia châu Âu liên tiếp gặp khó khăn và thất bại. Bên cạnh đó, một số nơi ở Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) lại cho thấy sự nhạy bén trong việc chớp thời cơ phát triển chip.
Trong buổi ra mắt cuốn sách vào ngày 11/1, tác giả Nguyễn Trung Dân cho biết điều thôi thúc ông viết cuốn sách bắt nguồn từ một số hiểu lầm về chip bán dẫn tại Việt Nam. Ông cho rằng chỉ khi hiểu những khó khăn, giới hạn về công nghệ, nhân lực và tài nguyên, chúng ta mới có thể đưa ra chính sách và hành động hợp lý. "Việt Nam đang đứng trước một cơ hội rất lớn, nhưng tôi cho rằng chúng ta vẫn đang ở vị trí rất khiêm tốn mà nếu không cẩn thận có thể để tuột mất cơ hội đó", ông cho biết.
![Chân dung PGS.TS Nguyễn Trung Dân. Ảnh:](https://vcdn1-giaitri.vnecdn.net/2025/01/28/IMG-6906-png-1738062454-7973-1738063383.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=zB-IHbl43FvuhweycEqwxw)
Chân dung PGS.TS Nguyễn Trung Dân. Ảnh: Nhã Nam cung cấp
Theo tác giả, Việt Nam hiện là một trong bảy quốc gia được Mỹ xem xét để sản xuất chip bán dẫn. Trên thực tế, đây là cuộc cạnh tranh vừa quyết liệt vừa hấp dẫn bởi trong ngành công nghiệp bán dẫn trị giá hơn 600 tỷ USD (năm 2024), việc chiếm một tỷ trọng nhỏ cũng có thể đem lại thay đổi lớn cho cả quốc gia.
Bên cạnh việc đầu tư về khoa học, tác giả cũng đưa ra cảnh báo về những vấn đề cần xem xét một khi Việt Nam tham gia vào thị trường này. Chẳng hạn, một nhà máy sản xuất chip cần tiêu tốn một lượng lớn điện và nước sạch, kéo theo đó là những vấn đề môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Với góc nhìn đa chiều, tác giả không chỉ xem những con chip như một loại vũ khí thần kỳ, mà còn nắm rõ những khía cạnh thực tế đang diễn ra trong ngành công nghiệp bán dẫn.
Trong phần sau của cuốn sách, tác giả trình bày những viễn tưởng của cuộc chạy đua giữa Trung Quốc và Mỹ, sự phát triển máy tính quang tử và máy tính lượng tử, vốn là công cụ đầy triển vọng, có khả năng mở ra cuộc cách mạng mới. Việt Nam sẽ ở đâu trên bản đồ chip bán dẫn? Điều này phụ thuộc vào việc chúng ta chuẩn bị và nắm bắt những cơ hội sắp đến như thế nào.
"Khi con chip lên ngôi đã phác họa được bản đồ phát triển công nghệ cao của thế giới, giúp cho những nhà hoạch định chính sách Việt Nam một tọa độ cụ thể, những công cụ cần thiết để phát triển và định hình chính sách trong cuộc chơi mới mà ta phải làm chủ nhiều hơn", TS Nguyễn Xuân Xanh nhận xét trong phần giới thiệu.
Tác giả Nguyễn Trung Dân có hơn 30 năm kinh nghiệm nghiên cứu lý thuyết và ứng dụng của chất bán dẫn. Ông tốt nghiệp ngành Vật lý lý thuyết ở Đại học Tổng hợp Huế, nhận bằng tiến sĩ về lý thuyết bất ổn định quang phi tuyến của chất bán dẫn tại Trung tâm Vật lý Lý thuyết, Viện Vật lý, Hà Nội. Ông hiện là nghiên cứu viên cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Corning, New York. Trước đây, ông từng giữ vị trí Phó Giáo sư Nghiên cứu tại Đại học Arizona, Mỹ.
Ngạn Bình