Vừa làm công việc cơ quan, nhiều chị em vừa tranh thủ kiếm thêm bằng nghề "tay trái". Ảnh minh họa: 123rf.com. |
Làm trưởng ban ở một trang tin điện tử tại Hà Nội, chị Ngô Bảo Vy còn có thêm nghề tay trái là buôn gạo. Nhân duyên dẫn tới chuyện này khá đơn giản. Quê ở vựa gạo Nam Định, trước đây, mỗi lần về quê, vợ chồng chị thường xách gạo từ nhà ra ăn. Một lần hết gạo, chị chạy ra chợ mua tạm mấy cân về ăn. Thế nhưng, dù đã mua loại gạo tám khá đắt, gần 20.000 một kg nhưng vợ chồng chị vẫn không nuốt nổi vì cơm rất dở do gạo bị trộn với nhiều loại kém chất lượng khác.
Lần về quê sau đó, chị Vy gặp vài mối chuyên bán gạo cho các đại lý và được biết, để được lãi nhiều hầu như các chủ bán đều trộn kiểu đó. Thế là sau lần đó, hai vợ chồng bàn nhau sẽ buôn gạo từ quê ra Hà Nội bán. Sau một thời gian, thấy nhu cầu rất lớn, chị lại nhập thêm các loại gạo ngoại từ các công ty xuất nhập khẩu.
Anh chị bắt tay vào in card, tờ giới thiệu, mua shop bán hàng trên một website... Từ hôm đó, ngày nào trên status Yahoo Mesenger của hai vợ chồng cũng có dòng "Gạo tám ngon, không trộn, giá 19,5k, giao tận nhà", hay "Đã có gạo Thái, Nhật, Hàn"... Những khách hàng đầu tiên của họ chính là bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm, rồi cứ người nọ giới thiệu với người kia.
"Vì lấy tận gốc, bán tận ngọn, lại không mất tiền thuê mặt bằng, thuê người bán nên giá gạo nhà mình rất cạnh tranh. Tuy nhiên, vì mới làm nên chủ yếu lấy công làm lãi, chứ chưa ăn thua gì", chị Vy thổ lộ.
Chồng là dân xây dựng, vợ làm báo, lại có con nhỏ, cả hai vốn đã bận bù đầu, giờ lại thêm buôn bán, nên hầu như vợ chồng chị chẳng có khoảng nhàn rỗi nào. "Nhiều hôm mệt phờ vì vừa túi bụi với công việc ở cơ quan xong, lại đi giao hàng, rồi tính toán cho đơn hàng hôm sau, thấy cũng oải lắm, nhưng thấy nhiều người tín nhiệm, lại có chút lời lãi, nên cũng vui và hăng say làm tiếp", chị Vy thổ lộ.
Vợ chồng chị đang dự tính làm ăn lớn, xây dựng thương hiệu gạo Ngô Gia hẳn hoi và có ước mơ viển vông một chút là khôi phục lại đam mê trồng lúa đang dần mai một ở chính quê hương mình.
Là dân chuyên văn, tính tình cũng mơ mộng, dịu dàng, tốt nghiệp đại học, chị Thục về làm hành chính tại một cơ quan thuộc Bộ Y tế. Chính chị cũng không ngờ có lúc mình lại trở thành một "cò" nhà đất.
Chị Thục (đường Phúc Diễn, Cầu Diễn, Hà Nội) kể, chị từng muốn chuyển chỗ làm nhiều lần vì công việc hiện tại khá nhàn hạ nhưng lương thấp, lại không phát huy được hết khả năng. Thế nhưng, vì sợ làm ở môi trường khác không có nhiều thời gian cho gia đình nên chị nấn ná mãi. Cuối cùng, chị chọn cách vẫn tiếp tục bám trụ cơ quan nhà nước, nhưng sẽ làm thêm để tăng thu nhập.
"Hai vợ chồng đều dân tỉnh lẻ, cố lắm mới vay mượn họ hàng, bạn bè mua được mảnh đất, giờ mà chỉ trông vào đồng lương thì chết đói", chị Thục nói.
Một lần, nói chuyện với người quen, được giới thiệu việc môi giới bất động sản, vừa không tốn thời gian, mà nếu gặp có thể "gặt" lớn, chị đã theo người này "học nghề". "Việc của mình là giới thiệu với những người đang có nhu cầu mua nhà hay đất để bán, khi được sẽ ăn hoa hồng. Vì những chỗ mình môi giới chủ yếu là các khu đất kẹt nên phần trăm hưởng cũng không nhiều, nhưng chỉ cần thành công được một vụ cũng gấp nhiều lần thu nhập chính hiện nay", chị Thục kể.
Chị cho biết, công việc làm thêm này khá linh động, chủ yếu là "buôn nước bọt", đối tượng chị tiếp cận đa số là bạn bè, người quen rồi nhờ những người này giới thiệu tới những người có nhu cầu khác. "Mình mới làm được gần năm, cũng chỉ là 'cò con' thôi. Mình cũng không mong làm giàu bằng nghề này, chỉ muốn tận dụng thời gian, sức lực dư để sớm trả hết nợ, chăm lo cho con", chị nói thêm.
Không chỉ vì muốn tăng thu nhập, nhiều chị em công sở buôn bán chỉ vì sở thích, để thỏa nỗi đam mê.
Mới bán hàng trên mạng được vài năm nay nhưng "gian hàng" chuyên bán đồ Việt Nam xuất khẩu của chị Thanh Hà trên trang web lamchame và muare đã được rất đông chị em tín nhiệm. Tuy nhiên, ít ai biết, đây chỉ là nghề tay trái của bà mẹ hai con ở Đội Cấn, Hà Nội này.
Là trưởng phòng một công ty kinh doanh thiết bị vệ sinh cao cấp, chị Thanh Hà có mức thu nhập khá cao và công việc thì hầu như lúc nào cũng ngập đầu ngập cổ. Thế nhưng, vốn là tín đồ của thời trang, chị luôn ấp ủ có thể mở một shop chuyên bán hàng làm đẹp cho chị em. Cuối cùng, sau quá trình tìm hiểu, chị quyết định kinh doanh mặt hàng thời trang xuất khẩu.
Chị đặt mối hàng trong Sài Gòn. Đồ sẽ được chuyển theo đường hàng không mỗi tuần 3 lần. Chị tạo nick và các topic bán hàng trên một số trang diễn đàn. Người mua sẽ đặt hàng qua mạng, sau đó được chuyển đồ tới nhà bằng chuyển phát nhanh hoặc xe ôm. Những người thích thử có thể tới tận nhà chị. Một em sinh viên được chị thuê sẽ giúp sắp xếp các đơn hàng khách đã đặt rồi gọi người giao hoặc chuyển phát nhanh đưa đi, và bán tại nhà. Việc của chị Hà là chụp ảnh sản phẩm, đưa ảnh lên trang, tranh thủ giờ hành chính vừa làm việc vừa chat chit bán hàng.
"Lãi nhiều nhưng vốn đọng cũng lớn nên thực tế thu nhập cũng chưa tính toán được bao nhiêu, nhưng càng làm mình càng ham, không dứt nổi. Để sếp khỏi soi và phát hiện việc 'tay trái' này, mình càng phải cố gắng hoàn thành thật tốt những việc ở cơ quan. Mình chỉ mong mỗi ngày có thêm 12 giờ nữa", chị Thanh Hà kể.
Bé Chích Bông, con gái chị Thùy Ảnh, điệu đà với chiếc băng đô do chính tay mẹ làm. Ảnh: MB. |
Hết 8 giờ làm việc tại một công ty xuất nhập khẩu, tối nào, chị Thùy Anh (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cũng cố gắng hoàn thành thật nhanh việc nhà để bắt tay vào làm băng đô, kẹp tóc. Vốn mê mẩn trước những phụ kiện làm điệu cho các bé khi còn là thiếu nữ, sau khi có con gái, chị Thùy Anh thường tự tay làm những chiếc băng đô xinh xắn đeo cho con, rồi tặng các cháu họ hàng, bạn bè.
Thấy nhiều người thích, chị nghĩ tới việc làm đem bán. Ban đầu, chị làm một vài mẫu đăng trên một trang diễn dàn, các mẹ muốn mua sẽ tới tận nhà hoặc cơ quan chị lấy. Sau, ngoài làm theo các mẫu có sẵn, chị còn làm theo đơn đặt hàng. "Hôm nào có nhiều người đặt, tối đến là cuống lên, ăn cũng nhanh nhanh chóng chóng để bắt tay vào làm. Ông xã nhiều khi cũng cáu, nhưng biết vợ thích nên dần thông cảm", chị Thùy Anh kể.
Cô con gái thấy mẹ ngồi tỉ mẩn cắt, dán từng cái nơ, bông hoa... cũng thích. Khi đeo thử các sản phẩm mẹ vừa làm xong, "người mẫu nhí" thường thỏ thẻ: "Cái này đẹp mẹ ạ".
"Công việc làm thêm này tuy chỉ đem lại cho mình một khoản thu nhập nho nhỏ nhưng lại mang đến rất nhiều niềm vui, nhất là khi đi đường thấy hay nhìn các bức ảnh những bé gái xinh xắn đeo chiếc băng đô, kẹp tóc do chính mình làm ra. Cũng nhờ 'nghề phụ' này mà mình có thêm biết bao bạn bè", chị Thùy Anh chia sẻ.
Minh Thùy