Thế rồi, khi sự xúc động dịu xuống, ông nói với tôi, giọng lạc đi: "Không, chúng tôi không thể sợ hãi chúng. Chúng tôi không thể dựng lên các bức tường, núp phía sau chúng, tự vệ trước những nỗi lo lắng về một cái chết không biết lúc nào sẽ đổ xuống đầu".
"Chúng tôi" ở đây không chỉ là những người Italy, như Alessandro, mà là châu Âu và một nền văn minh, một phong cách và giá trị sống, một bề dày lịch sử và văn hóa lâu đời có hàng nghìn năm. Đối với Alessandro, ông già trí thức đã 70 tuổi đang ngồi với tôi trong cái quán cà phê đông đúc ở ngoại ô Rome này, những gì đã xảy ra ở Brussels và ở Paris là cú sốc lớn.
Tôi biết, Alessandro và nhiều người châu Âu khác đã khóc trong những ngày này, cũng như đã khóc sau khi Paris bị tấn công hai lần trong năm ngoái, không phải vì sợ hãi. Họ khóc cho những giá trị mà châu Âu từng được cho là cái nôi sinh thành và khai sáng và là chuẩn mực của thế giới văn minh trong nhiều thế kỷ qua. Rất nhiều, từ những tuyên ngôn về bác ái, những thành tựu khai sáng, từ tự do ngôn luận; tự do tôn giáo, với sự bao dung về tôn giáo ở một số nước, cho đến tự do đi lại giữa một khối các quốc gia hàng xóm của nhau - Hiệp ước Schengen, ý tưởng mới nhất của châu Âu. Tất cả đều đã bị tấn công. Rất nhiều máu đã đổ.
Khi những cuộc chiến tranh và xung đột hoặc bùng lên hoặc lan rộng ở khắp nơi, từ Trung Đông cho đến châu Phi, bỗng nhiên châu Âu bị bao vây bởi sự bất ổn, trong khi bản thân châu lục ấy đã hứng chịu biết bao vấn đề, từ khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng nợ công, khủng hoảng nợ của Hy Lạp cho đến cuộc khủng hoảng bây giờ mang tên "di cư", với hơn một triệu người đã rồng rắn từ châu Phi và Trung Đông tới châu Âu. Hàng triệu người khác cũng sẵn sàng xô đổ các biên giới về tự nhiên và các hàng rào dây thép gai, các trạm kiểm soát mà các quốc gia dựng lên để ngăn cản họ. Tất cả hướng về châu Âu để ít ra có thêm một chút hy vọng sống. Nhưng liệu châu Âu có sẵn sàng mở cửa cho họ nữa không? "Không hề thiếu chỗ trong nhà và trong tim chúng tôi", Alessandro nói. "Nhưng châu Âu phải chọn lọc, để không cho những kẻ khủng bố bước vào".
Nhưng Alessandro và nhiều người ở châu Âu này hiểu rằng, điều đó không đơn giản. Và nữa, những cuộc khủng bố ở Pháp và Bỉ được thực hiện bởi một hệ thống những kẻ đã được sinh ra, lớn lên, trưởng thành trong xã hội và cuộc sống ở châu Âu, hiểu một cách rành rẽ những vấn đề, những góc phố, nền văn hóa, ngôn ngữ ở nơi chúng sống và mang quốc tịch. Chúng không đến từ bên ngoài. Chúng đến từ bên trong. Châu Âu như bị phản bội bởi một thế hệ những người nhập cư mà họ đã tiếp nhận rất nhiều năm về trước. Họ hoang mang vì không hiểu điều gì đã đẩy các thanh niên ấy chối bỏ nền văn minh ở đất nước đã cưu mang cha mẹ và bản thân họ, đẩy mình vào con đường chết cho một lý tưởng cực đoan, kéo theo biết bao cái chết khác của người vô tội, và gieo rắc những nỗi nghi kị cho bao người đang sống.
Chỉ cần liếc mắt một chút, qua quán cà phê mà tôi và Alessandro đang ngồi là những quán kebab, những tiệm bánh ngọt và rau quả mà người Maroc và Tunisia làm chủ. Xa chút nữa là những tiệm rửa xe và chăm sóc ôtô cũng với những người làm công Bắc Phi. Alessandro bảo, ông biết nhiều trong số họ đến từ đâu, có quá khứ như thế nào và trong bao năm qua, họ đã sống ra sao với người dân khu này, nhưng khi những cuộc tấn công khủng bố nổ ra ở châu Âu, có một bầu không khí ảm đạm đã làm lạnh các mối quan hệ giữa những người Italy chính gốc và những người nhập cư. Sự chia rẽ và ngờ vực giữa những người Công giáo và Hồi giáo đã tăng lên do nỗi sợ hãi rằng, liệu có ai trong số những người Bắc Phi có giấy tờ nhập cư hợp pháp ở Italy kia một ngày nào đó sẽ cho nổ tung giữa trung tâm Rome. Cộng đồng Hồi giáo ở đây đã nhiều lần tuyên bố họ chống lại mọi hành động khủng bố và họ khẳng định mục tiêu quan trọng của cộng đồng là hòa nhập vào cuộc sống ở mảnh đất này. Nhưng khoảng cách giữa họ với người bản địa dường như đang rộng thêm ra, bởi dù những người Hồi giáo đó sống tốt mấy đi chăng nữa, vẫn luôn tồn tại một sự nghi kị theo nhiều dạng thức với họ.
Cách nơi chúng tôi ngồi chỉ hai cây số, tại khu Tor Sapienza nằm ở rìa thành phố, vài tháng trước, những cuộc va chạm giữa cảnh sát và người dân khu phố, vốn bị lực lượng cực hữu và phát xít mới kích động, đã nổ ra sau khi người dân không chấp nhận một tòa nhà bỏ hoang ở nơi này được thành phố biến thành trung tâm tiếp nhận người tị nạn. Căng thẳng bùng nổ sau khi một cô gái đi dạo tại đây bị một kẻ lạ mặt tấn công. Không ai biết hắn là ai, nhưng người ta nhanh chóng đổ tội cho người nhập cư. Những cuộc tấn công chống người nhập cư cũng diễn ra ở một vài nơi khác của Rome như những đốm lửa nhỏ đang loang ra, trong hoàn cảnh những cuộc thăm dò dư luận cho thấy, người dân không chỉ càng tăng mối lo về việc bị khủng bố, mà còn sợ rằng, văn hóa và tôn giáo của họ bị tổn hại một khi khủng hoảng di cư không được giải quyết.
Như Alessandro, họ sợ các giá trị phương Tây bị giày xéo bởi những người khác tôn giáo và văn hóa. Họ cũng không hiểu tại sao các giá trị lớn lao ấy bị từ chối một cách phũ phàng và bị tấn công. Và như thế, các cánh cửa châu Âu dần dần khép lại với dòng người tị nạn, và những khối thuốc nổ khác trong lòng Lục địa già sẽ chỉ chực chờ một lúc nào đấy sẽ bùng lên, sau khi bọn khủng bố làm xong phận sự của chúng: gieo rắc nỗi ngờ vực, dựng lên các bức tường vô hình giữa các cộng đồng tôn giáo và giữa người bản địa với người nhập cư.
Ông già Alessandro nói với tôi rằng: "Chúng tôi phải chống lại những kẻ khủng bố và cả nỗi sợ hãi. Chúng tôi có những giá trị cần phải bảo vệ và tìm cách nhân rộng lên".
Trương Anh Ngọc