Trong câu chuyện của hai người mẹ tham gia buổi nói chuyện "Nói với con về tình dục" của Dự án SexEdu thuộc Trung tâm trẻ em và phát triển, Vinh, 13 tuổi – con chị Lan luôn là một cậu bé hồn nhiên.
Một ngày vào năm lớp 7, Vinh nhận ra sự thay đổi khi bị bạn bè đẩy vào người một bạn gái trong giờ ra chơi. Lúc đó "cậu nhỏ" của cậu tự dưng dựng đứng dậy. Bạn gái xấu hổ bỏ đi, còn mấy bạn trai thì cười đùa không ngớt.
Chị Lan cho hay, ngay từ nhỏ mỗi khi thức dậy vào buổi sáng, "cậu nhỏ" của con trai cứ dựng đứng lên. Ban đầu Vinh không chia sẻ, nghĩ do nhịn tiểu cả đêm nên vậy nhưng sau đó thấy "nó" lớn hơn rất nhiều và thường "ngỏng dậy" bất thình lình.
Nhiều khi vô tình thấy cảnh người lớn hôn nhau trên phim hoặc nhìn tấm ảnh hở hang, có người mẫu mặc bikini, Vinh lại thấy nóng mặt. Để tránh người khác nhìn thấy, cậu thường lấy sách che phía trước quần vì sợ bị đánh giá là người xấu.
Rồi Vinh nghĩ ra một cách, mặc hai quần đùi phía trong quần dài khi đến trường. Mỗi lần đi qua các bạn gái, "cậu nhỏ" không dựng đứng lên như trước, mà nằm im, an toàn như ý chí của cậu chủ. Tuy nhiên mỗi lần đi vệ sinh, 3 lớp quần khiến Vinh cảm thấy khó chịu về sự bất tiện.
"Một lần các bạn nhìn thấy, hỏi con trời nóng sao lại mặc nhiều quần như vậy, bị bệnh gì à khiến con chẳng biết giải thích thế nào", sau này Vinh chia sẻ với mẹ.
Sau khi được mẹ chia sẻ, động viên, cậu mới mặc quần lót thay cho 3 lớp quần như trước.
Giống như Vinh, "cậu nhỏ" dựng đứng mỗi sáng khiến Tuấn cảm thấy xấu hổ nếu chẳng may mẹ vào kéo chăn, gọi dậy đi học.
"Mẹ đi ra ngoài đi, con tự dậy được", Tuấn hét lên mỗi khi mẹ chạy xộc vào phòng, kéo phắt cái chăn ra khỏi người cậu.
Bố mẹ Tuấn làm công nhân, tăng ca nhiều nên không có thời gian để ý kỹ mọi thay đổi của con. Thấy con trai sáng dậy cứ đi lại khúm núm, mẹ gặng hỏi thì Tuấn lấy lý do bị đau lưng, đau chân nên cũng tặc lưỡi bỏ qua.
Thời điểm thay đổi tâm sinh lý, Tuấn xa lánh bạn bè vì sợ lộ bí mật của mình. Hết giờ chiều, cậu lại lang thang ở công viên gần nhà hóng mát. Từng cặp trai gái ôm ấp nhau trên ghế đá cũng khiến cậu học sinh lớp 6 cảm thấy bứt rứt, thỉnh thoảng liếc trộm với ánh mắt háo hức. Mỗi lần như vậy, "cậu nhỏ" của Tuấn lại không điều khiển được, nó thức dậy khiến cậu phải lấy cặp sách che đi, tránh người khác nhìn thấy.
"Tuấn trước đây là một cậu bé trầm tính, nhưng có một thời gian tôi để ý khi đứng cạnh các bạn gái, cậu tìm mọi cách để xô vào người các bạn", cô chủ nhiệm kể lại với mẹ Tuấn. Sau này Tuấn kể lại, mỗi lần được va chạm với bạn khác giới, cậu có cảm giác sung sướng mà không hiểu vì sao.
Ở lớp, cậu bé lớp 6 sợ nhất giờ thể dục, đặc biệt khi nhìn thấy các bạn gái chạy, ngực hiện rõ qua lớp áo. Nhiều lúc do không kiềm chế được cảm xúc, "cậu bé" dựng đứng lên. Sợ bạn bè phát hiện, Tuấn đứng khom lưng hoặc quay người sang hướng ít người qua lại. Có thời điểm thầy gọi lên chạy, do không chỉ huy nổi bản thân, Tuấn thoái thác, lấy cớ đau bụng hoặc đau chân. Nhiều lần như vậy, thầy cho điểm kém rồi phản ánh lên cô chủ nhiệm.
Nhận thấy những biểu hiện khác lạ của học sinh, lân la hỏi chuyện, cô chủ nhiệm được Tuấn kể những gì đang trải qua.
"Đó là tâm sinh lý bình thường mà em", cô giáo dẫn dắt câu chuyện. Cô giải thích với cậu về những biểu hiện của tuổi dậy thì và cách để đón nhận chúng.
Rồi Tuấn tiếp tục kể những giấc mơ ẩm ướt do mộng tinh, những lần xem phim đen theo lời thách đố của anh chị lớn. "Em có cảm giác mọi người biết việc làm này của em và luôn mang trong mình cảm giác tội lỗi", Tuấn nói.
Nghe câu chuyện của học sinh, hôm sau cô chủ nhiệm gọi điện cho mẹ Tuấn thông báo những thay đổi tâm sinh lý của con. Cô muốn cùng cha mẹ kết hợp để cùng có những lời khuyên, lời động viên giúp Tuấn vượt qua giai đoạn nhạy cảm này.
>> Tư vấn của chuyên gia về cách ứng xử khi con trai bước vào tuổi dậy thì.
Hải Hiền