Thông tin mẹ chồng Hà Tăng phát ngôn "Xài hàng nhái là tự làm nghèo đi nhân cách" khiến cộng đồng tranh luận gay gắt, trong đó phần đông là chỉ trích câu nói của người phụ nữ này.
Lướt qua một số bình luận về bài viết lẫn trên mạng xã hội Facebook, hầu hết người ta đều chỉ trích diễn viên Thủy Tiên làm tổn thương đến người nghèo – một bộ phận không nhỏ người dân ở Việt Nam.
Chuyện chỉ có vậy nhưng nó nói lên một thực trạng đáng buồn về mặt bằng chung trong nhận thức của người Việt, không chỉ vậy đây là nhận thức của những cá nhân được tiếp cận và sử dụng internet, có nghĩa là được tiếp nhận nhiều cái mới, hiện đại hơn.
Tôi nhớ đến câu chuyện của cô giáo dạy môn Giáo dục công dân ở trường cấp ba của tôi, câu chuyện nói về vấn đề vứt rác bừa bãi, cô mở đầu bằng chuyện của một người thân từ nước ngoài về.
Trong lần đi dạo quanh thành phố, anh ta có mua một số đồ ăn vặt. Tất cả những gì gọi là rác anh ta đều bỏ vào một túi nylon mang theo bên mình để đến chỗ có sọt rác và cho nó vào đó. Nhưng đi mãi đi mãi chẳng có cái sọt rác nào, anh ta quyết định mang nó về nhà rồi xử lý.
Không chỉ vậy, trên đường về và trên chuyến xe buýt, anh ta thấy rác là lại nhặt và bỏ vào túi và mang về. Ánh mắt mọi người cứ đổ dồn về anh ấy suốt hành trình ngắn ngủi ấy – một người nhặt rác và ôm cái bịch nylon ngày một lớn hơn.
Về đến nhà, anh ta hỏi cô giáo của tôi, anh ta làm vậy có sai không? Và cô trả lời rằng: “Trong xã hội, khi những điều sai trái trở nên phổ biến, thì những điều đúng đắn trở nên thật quái dị và khó cho mọi người có thể chấp nhận nó dù biết nó là đúng”.
Chuyện vứt rác hiển nhiên là còn phổ biến từ trước cho đến nay. Vậy còn trường hợp này thì sao? Nó liên quan đến vấn đề bản quyền và sở hữu trí tuệ. Nghèo chẳng phải là cái tội và bà Thủy Tiên cũng chẳng nói đến việc đó.
Bà ta chỉ nói đến việc dùng hàng giả - một việc cũng phổ biến tương tự trong xã hội Việt Nam, chuyện mà ai cũng biết là sai. Nhưng mọi người lại lấy cái nghèo khó để giải thích cho cái việc xâm hại đến sở hữu trí tuệ của người khác.
Nhiều người thì cho rằng thấy đẹp, thấy hợp thì mua chứ chẳng quan tâm là hãng nào. Thậm chí còn có người bảo dùng iPhone 6 giả vì đã đáp ứng đủ nhu cầu nên không cần mua iPhone 6 thật.

Rất nhiều nghệ sĩ Việt Nam mặc hàng nhái của các ngôi sao nổi tiếng thế giới.
Đừng bao giờ đổ lỗi vì nghèo nên xài hàng giả cho đỡ tốn và phù hợp với thu nhập cá nhân. Chẳng ai cấm chúng ta ước mơ cả nhưng hãy biến nó thành động lực để cố gắng kiếm tiền mà thỏa mãn ước mơ đó của mình chứ đừng đổ lỗi cho cái nghèo để đi đường tắt như vậy.
Nếu không đủ tiền mua hàng hiệu xa xỉ thì hãy chuyển sang dùng đồ hiệu giá rẻ đi chứ sao lại tiếp tay cho những kẻ làm đồ nhái được? Tôi không đủ tiền mua giày Nike, giày Vans… thì tôi dùng giày Bitis, giày Thượng Đình. Tôi không có khả năng mua iPhone 6 thì tôi mua dòng phổ thông của Samsung, LG.
Mọi người dường như đang cố giải thích cho một điều sai trái mà ai cũng biết, chỉ đáng buồn khi cái sự sai trái ấy quá phổ biến đến nỗi người ta cùng nhau chung sức bảo vệ cho nó. Thậm chí việc đạo nhái trở thành một cái gì đó hiển nhiên trong toàn xã hội.
Chuyện đạo, sao chép luận văn từ bậc đại học cho đến thạc sĩ rồi tiến sĩ cứ như là một vấn đề âm thầm được chấp nhận. Vấn đề còn nguy hiểm hơn khi những thế hệ tương lai của đất nước ngày ngày xem chuyện chép văn mẫu trong sách hay do giáo viên cung cấp sẵn là điều hiển nhiên.
Cứ như vậy, trong một xã hội mà công sức, giá trị của mỗi cá nhân, mỗi tổ chức đều không được tôn trọng, không được bảo vệ cho cái quyền được tôn trọng ấy thì có còn ai muốn sáng tạo, có còn ai muốn tạo nên sự khác biệt hay không?
Việc dùng hàng giả, hàng nhái không chỉ “giết chết” hàng thật mà nó còn làm ảnh hưởng đến cuộc sống của những người lao động chân chính, khi sản phẩm của họ trở nên yếu thế hơn trước hàng giả với sự “miễn phí” tác quyền.
>> Xem thêm: Cách xác định nguồn gốc, tránh mua phải hàng nhái
![]() |
Chia sẻ bài viết của bạn về đời sống, xã hội tại đây.