Không khí ngột ngạt bao trùm Barca trước đợt nghỉ nhường chỗ cho các ĐTQG. Không chỉ vì thất bại 0-2 dưới tay Atletico mà còn bởi những kết quả không tốt trước đó - hoà Cadiz 0-0 hay Granada 1-1. Khoản nợ hơn 1,5 tỷ USD không chỉ là câu chuyện của thượng tầng, mà còn làm thay đổi bộ mặt đội bóng từ những chi tiết nhỏ nhất về chuyên môn. Về cơ bản, khi có ít tiền hơn và không còn Lionel Messi, Barca phải hài lòng với những gương mặt lạ lẫm, ở đẳng cấp thấp hơn.
Lối đá của họ thể hiện rõ điều đó. Trong trận hòa Granada, đội bóng dưới trướng Koeman tạt tới 54 quả vào vòng 16m50 đối phương - nhiều nhất của họ trong một trận đấu kể từ tháng 11/2016. Phong cách bóng dài triệt để đến nỗi Gerard Pique phải chơi tiền đạo cắm từ phút 75, khi đang bị Granada dẫn bàn, với hy vọng chiều cao của trung vệ này sẽ xử lý các đường bóng bổng. Có thể là một quả đánh đầu ngay, hoặc bóng... văng đâu đó cho cầu thủ khác.
Koeman giải thích về lựa chọn chiến thuật thoạt nghe kỳ quặc ấy: "Chúng tôi phải hy sinh phong cách thi đấu một chút để kiếm điểm bằng cách thực hiện nhiều quả tạt hơn là dùng bóng sệt. Nếu nhìn danh sách đội hình của chúng tôi hôm đó, bạn sẽ hiểu đấy là cách duy nhất. Barca không thể đá tiki-taka nếu không có khoảng trống. Vì thế, chúng tôi phải tìm cách chơi bóng khác".
Santiago Segurola, ký giả tờ AS, nói trên Onda Cero: "Đây là phong cách thi đấu tệ hại, là Barca tồi nhất mà tôi biết trong hàng chục năm qua. Chất lượng cầu thủ có thể đi xuống nhưng bạn không thể đá như Stoke City, một đội thi đấu kiểu nguyên thuỷ, vứt đi di sản của bạn. Coutinho vẫn còn đó, Busquets, Sergio Roberto vẫn còn ở đó kia mà".
Stoke City mà Segurola đề cập là Stoke City của một thập kỷ trước, khi Tony Pulis còn là HLV của họ, với thành tích đưa đội bóng nhỏ bé này dự Ngoại hạng Anh nhiều năm liên tục và từng vào chung kết Cup FA với những cầu thủ có kỹ năng khiêm tốn và vô danh.
Điều trùng hợp là cùng lúc ấy, Pep Guardiola đang dẫn dắt một Barca vĩ đại nhất lịch sử. Họ khép lại mùa bóng với chức vô địch La Liga và thắng Man Utd 3-1 ở chung kết Champions League tại Wembley chỉ hai tuần sau khi Stoke của Pulis thua Man City 0-1 ngay trên sân bóng này ở chung kết Cup FA.
Lý do mà Segurola liên tưởng Barca với Stoke là bởi chính đội bóng nhỏ bé này đã khác rất nhiều so với chính họ trước đây. Họ đang xếp thứ tư giải hạng Nhất Anh, chỉ kém suất thăng hạng trực tiếp một điểm dưới thời ông thầy Michael O’Neill và chơi thứ bóng đá kiểu... Barca.
Bàn thắng trên đây vào lưới Nottingham Forest có thể được bầu là đẹp nhất Championship mùa này. Pha bóng lý giải cho bình luận của của Segurola, và nảy sinh một so sánh lúc này: phải chăng Barca và Stoke đã đổi phong cách cho nhau? Đội vô địch La Liga 26 lần đang phải dùng lối chơi của đội từng hai lần vô địch giải hạng Nhì Anh? Có thể hơi mạo phạm khi nói vậy, nhưng là liên tưởng không tránh khỏi.
Hãy xem pha bóng này. Eric Garcia mở bóng ra biên cho Oscar Mingueza để cầu thủ này tạt bóng vào vòng cấm cho Pique đang đợi sẵn.
Một pha bóng bình thường cho đến khi ta nhận ra rằng Pique không ở tư thế thuận lợi để nhận quả tạt. Granada có bốn cầu thủ, Barca chỉ có hai. Đồng đội phía trong không sẵn sàng cho một pha bóng bổng, nhưng Mingueza vẫn tạt.
Khi bóng được phá ra, tình cờ nó đến chân Frenkie De Jong. Lại là Mingueza tạt bóng vào trong. Lần này vẫn có hai cầu thủ Barca nhưng Granada đã có tới năm cầu thủ. Tình huống cho thấy những quả tạt của Barca thiếu tính toán, lối chơi thiếu đồng bộ và có thể gọi là những quả tạt cầu may.
Họ gỡ hòa phút cuối không nhờ sự xuất sắc về thế trận mà chính nhờ một pha cầu may kiểu đó: De Jong tạt sớm vào vòng cấm. Sau rất nhiều tình huống lộn xộn khi bóng đến chân Pique rồi tìm đến Gavi, bóng nảy lên vị trí của Araujo, tạo điều kiện cho trung vệ này bật cao giữa hai người theo kèm của đối phương để ghi bàn gỡ hoà.
Một bàn thắng kiểu này nếu diễn ra ở Burnley của những James Tarkowski, Ben Mee hay Chris Wood thì chẳng có gì để nói. Nhưng ở Barca thì lại đáng nói. Và ai đó cần giải thích cho Segurola biết rằng, Stoke hôm nay không còn những tình huống kiểu Rory Delap cố hết sức ném biên vào cho Ryan Shawcross đánh đầu, hay sử dụng những cầu thủ cao to nhưng vụng về kiểu Robert Huth, Peter Crouch nữa. Họ xây dựng lối chơi từ hàng thủ.
Bàn thắng trước Forest chỉ là một ví dụ. Chúng ta hãy xem thêm một tình huống khác trong trận đấu trước Barnsley. Joe Allen lùi xuống nhận bóng từ trung vệ Harry Souttar trước khi bật ban với Romaine Sawyers để mở ra không gian trước mặt. Hãy để ý người thứ ba trong pha bóng này đang di chuyển là hậu vệ phải Tom Smith, với mục tiêu chiếm lĩnh khoảng trống bên trên...
... trước khi thực hiện quả tạt như thế này cho Sam Surridge ở cột xa. Đó là quả tạt có tính toán chứ không vu vơ câu từ giữa sân như Barca.
Hãy đi sâu hơn về các số liệu thống kê mùa này giữa hai đội, với chỉ số "tốc độ chơi trực diện" - vốn để diễn tả tốc độ triển khai bóng đến khung thành đối phương của một đội bóng. Đội có chỉ số này cao hơn sẽ chơi trực diện hơn và ở tốc độ cao hơn. Ngược lại, đội có chỉ số này thấp thường sẽ giữ bóng lâu, chuyền nhiều hơn.
Đến giờ, Stoke có chỉ số "tốc độ chơi trực diện" là khoảng 1,3 m/s, xếp thứ 7 từ dưới lên ở giải hạng Nhất Anh mùa này, cho thấy họ triển khai bóng không nhanh. Số đường chuyền trung bình của họ vào loại cao nhất trong số 24 đội tham gia giải. Điều đó cho thấy Stoke hiện nay đá chậm hơn và chuyền bóng nhiều hơn.
Còn Barca thì sao? Chỉ số đầu tiên của họ là khoảng 1,3 m/s - tức bằng Stoke, với số đường chuyền trung bình mỗi trận hơn Stoke khoảng 1,3 lần. Về mặt thống kê đơn thuần, Barca không kém đội bóng hạng Nhất Anh ở khoản cầm bóng, khi số đường chuyền trung bình của họ còn vào loại cao nhất La Liga. Tuy nhiên, số đường chuyền hướng lên trên với chủ đích rõ ràng kiểu Stoke thì lại thấp. Trước Granada, 46% số đường chuyền của Barca là chuyền về - quá nhiều với một đội lấy tấn công làm trọng. Nó cho thấy sự bế tắc trong ý tưởng chơi bóng.
Do vậy, nói rằng Barca đã bị "Stoke hoá" là hơi quá vào lúc này, nhưng xu hướng này rõ ràng đang xảy ra. Ngược lại, xu hướng "Barca hoá" của Stoke là rất rõ, đặc biệt khi đội bóng này thu nạp nhiều cầu thủ cũ của Barca trong 5 năm qua: Ibrahim Afellay, Bojan Krkic, Marc Muniesa và Moha El Ouriachi...
Có thể, đội ngũ này đã góp phần gây dựng Stoke ngày nay...
Đỗ Hiếu (theo The Athletic)