Một thập kỷ trước, Barca còn là đội bóng vĩ đại nhất lịch sử bóng đá hiện đại. Nhưng sau khi thua Bayern và chỉ xếp thứ ba ở bảng E Champions League giữa tuần này, đầu tuần tới, Barca sẽ phải nghe ngóng kết quả bốc thăm vòng knock-out Europa League, với hai lượt trận vào tháng Hai để kiếm một suất vào vòng 1/8.
Đây là sự đi xuống thê thảm về mặt thể thao. Trận thua Bayern 0-3 không nặng nề bằng thảm bại 2-8 vào năm ngoái, nhưng ở một khía cạnh nào đó, nó đau đớn không kém. Bayern có thể dễ dàng ghi thêm ít nhất hai bàn nữa, nếu hai cơ hội tốt của Leroy Sane được chắt chiu hơn. Xét tới số cơ hội, họ thậm chí có thể ghi 8 bàn nếu muốn. Trong mọi pha đua tốc độ, Bayern đều vượt trội cầu thủ Barca.
Barca đêm qua là một đội bóng trống rỗng, hiện thân hoàn hảo của một CLB rỗng tuếch. "Decay" - thối rữa, là từ mà truyền thông Anh đã dùng để mô tả đội bóng lúc này. Nó có thể hơi nặng nề. Nhưng "mục ruỗng" là một từ phù hợp, không hề quá quắt để nói về tình cảnh của Barca hiện tại, khi họ nợ đầm đìa, rối loạn thượng tầng trong nhiều năm qua, và chảy máu nhân tài ở mọi vị trí.
Sự xuống cấp của chất lượng cầu thủ có thể dễ dàng nhận ra, khi so sánh những gì mà thế hệ Xavi, Andres Iniesta, Lionel Messi làm được với cú sút lên trời của Ousmane Dembele, sự bất lực của Memphis Depay, hay những lần bị đối phương vượt qua của hậu vệ Ronald Araujo.
Lên làm HLV, Xavi cố gắng mô phỏng triết lý Pep Guardiola, nhưng trong tay ông không có con người ở đẳng cấp như khi ông còn làm cầu thủ. Do đó, triết lý của Xavi mới đang dừng ở mức ý tưởng, khả năng áp dụng thực tế vẫn là một dấu hỏi.
Thế hệ Xavi thành công thực chất là kết quả của một thế hệ vàng khác nấp sau ống kính. Pep Guardiola là một trong số đó, nhưng có những người "vô danh" hơn ông. Ferran Soriano đã từ chức phó Chủ tịch Barca vào năm 2008, rồi chỉ hai năm sau, Txiki Begiristain rời bỏ cương vị Giám đốc Bóng đá. Bộ đôi quản lý cùng sang xây dựng Man City, khi đội bóng Anh đặt mục tiêu ban đầu là mô phỏng mô hình thành công của Barca trên xứ sở sương mù.
Gần bốn năm kể từ ngày Abu Dhabi tiếp quản, Man City mới chỉ đoạt một Cup FA và một chức vô địch Ngoại hạng Anh dưới quyền Roberto Mancini, trước khi Soriano và Begiristain nâng cấp họ lên thành một phiên bản mới. Trong nhiều năm, đội bóng Anh đưa về nhiều con người từng góp phần giúp đội bóng xứ Catalan lên đỉnh cao, mà mấu chốt là cái gật đầu của Pep Guardiola vào đầu năm 2016, sau khi ông hết hợp đồng với Bayern.
Guardiola đã mang theo đến sân Etihad bộ sậu từng đồng hành với ông ở Barca: Manel Estiarte, Domenec Torrent, Carles Planchart và Lorenzo Buenaventura. Sau mùa giải đầu khó khăn, Man City chơi thứ bóng đá cuốn hút và thành công như những gì Barca làm được.
Mùa 2017-2018, Man City của Guardiola thiết lập tiêu chuẩn mới cho bóng đá Anh: vô địch Ngoại hạng Anh với kỷ lục 100 điểm và 106 bàn. Mùa tiếp theo, City bảo vệ thành công danh hiệu trước sự công phá dữ dội của Jurgen Klopp và Liverpool. Họ thậm chí thâu tóm cả bốn danh hiệu quốc nội. Sau mùa 2019-2020 gián đoạn với chỉ một chiếc Cup Liên đoàn, đội bóng của Guardiola giành lại ngôi vương Ngoại hạng Anh. Họ chưa vô địch Champions League, nhưng cũng dần khẳng định vị thế với một lần thua chung kết, và ba mùa trước đó đều vào tứ kết.
Nhìn chung, với Guardiola, Man City chơi thứ bóng đá tân tiến với những người giỏi nhất, trong năm năm rưỡi đã qua.
Barca có thể ngồi lại nhẩm tính. Đầu tiên, những nhà điều hành và HLV rời bỏ họ. Tiếp đến, thứ bóng đá họ xây dựng cũng bật gốc khỏi Camp Nou, và đang được vun trồng tại Manchester. Cách Barca chơi - pressing tầm cao, phòng ngự dâng cao, kiểm soát bóng vượt trội - không còn của riêng họ. Nó đã thuộc về Man City, và nhiều đội bóng khác có thể thi triển nó tốt hơn Barca lúc này.
PSG không đạt được mức độ thành công như vậy, nhưng vụ thâu tóm của Qatar năm 2011 cũng thay đổi đội bóng này theo chiều hướng "Barca hoá". Họ vuột mất Soriano và Begiristain, nhưng đổi hướng sang những cầu thủ hàng đầu. Lần lượt Zlatan Ibrahimovic, David Beckham, Edinson Cavani và Angel Di Maria đến Paris. Nó mở đường cho vụ Neymar năm 2017, trị giá 263 triệu USD, theo điều khoản giải phóng hợp đồng.
Vụ nẫng Neymar khỏi Camp Nou xảy ra chỉ bốn tháng sau khi Barca làm nên màn ngược dòng lịch sử - thắng 6-1 ở lượt về và 6-5 chung cuộc - trước chính PSG ở vòng 16 đội Champions League. Việc PSG tuyển mộ Neymar như một cú tát với niềm tự hào MSN của Barca lúc đó, phô diễn sức mạnh tài chính của đại gia đất Pháp, và chính thức hạ Barca xuống một bậc trên nấc thang quyền lực bóng đá.
Vụ chuyển nhượng đó là lớn nhất lịch sử, nhưng nó chỉ mở đầu cho quá trình tự huỷ hoại của Barca. Họ đã tiêu núi tiền thu về từ Neymar một cách vô bổ. Thượng tầng của họ cấu xé nhau. Họ đánh mất Lionel Messi vào tay PSG đầu mùa này. Là một vụ chuyển nhượng miễn phí, nhưng đó là hệ quả của nhiều năm hoạt động thiếu hiệu quả.
Sự ra đi của Messi gần như đã là dấu chấm hết cho một kỷ nguyên thành công tại Barca, điều mà họ cố gắng níu kéo. Cách Paris chào đón Messi cứ như thể đón nhận đoàn quân chiến thắng trở về, với Messi là chiến lợi phẩm đắt giá mà họ thu giữ được, sau một trận đánh.
Có lẽ, Xavi là người phù hợp để tái thiết Barca, và có lẽ không ai hợp hơn ông lúc này. Nhưng Xavi đang ở thế yếu và đối mặt với một khởi đầu khó khăn hơn bất cứ đời HLV nào khác trong lịch sử đội bóng này, kể cả Guardiola khi lên thay Frank Rijkaard.
Xavi không chỉ phải đối mặt với sự rã đám của một thế hệ - điều mà Guardiola cũng phải giải quyết khi tiếp quản những Ronaldinho, Samuel Eto’o, mà còn là sự xuống cấp trầm trọng của một thể chế bóng đá. Niềm tin đã mất. Những cầu thủ giỏi không còn. Những nhà quản lý xuất sắc mà họ sản sinh ra đang phục vụ "kẻ thù". Tài chính của họ kiệt quệ. Rất ít ngôi sao trẻ của La Masia được xếp vào hàng nổi trội đặc biệt như các thế hệ trước kia.
Chỉ cần vài năm để Barca đánh mất thành quả mà họ nỗ lực có được trong hơn 10 năm. Và họ có thể mất gấp nhiều lần con số ấy, để bồi đắp cho cơ thể đang mục ruỗng lúc này.
Đỗ Hiếu (theo The Athletic)