Vợ chồng Mai Phương lấy nhau đã 5 năm, có một con gái ba tuổi. Cô biết chồng mình trước kia có mối tình đầu sâu đậm từ thuở sinh viên nhưng không thành vì mẹ anh chê nhà cô gái không môn đăng hộ đối.
Ngoài 30 tuổi anh được mai mối cho Phương và đám cưới của họ được tổ chức chỉ sau vài tháng.
Từ khi lấy nhau về, người phụ nữ 28 tuổi quê Nam Định hiểu tình cảm chồng dành cho mình không nhiều, nhưng nghĩ "lửa gần rơm lâu ngày cũng bén". Trong cuộc sống hàng ngày, anh đối xử với cô đúng mực, có trách nhiệm nhưng ít có cử chỉ tình cảm, thân mật. Anh cũng hiếm khi nói lời ngọt ngào với vợ. Dù vậy Phương chưa khi nào trách móc chồng.
Gần đây, tình cờ cô đọc được tin nhắn chúc mừng sinh nhật chồng gửi tới người yêu cũ. Rồi họ hỏi thăm nhau với lời lẽ trìu mến, điều Phương chưa bao giờ nhận được. Sau đó cô còn phát hiện trong góc tủ làm việc của anh vẫn lưu giữ một tập thư từ, ảnh của cô gái đó được sắp xếp cẩn thận qua từng mốc thời gian.
"Tập thư và ảnh được lưu giữ rất cẩn thận và sạch sẽ. Có lẽ anh thường xuyên mở ra để đọc lại", Phương nói.
Vợ chồng Thanh Loan, sống tại Hà Nội lấy nhau vì tình yêu. Nhưng từ khi chồng cô lên chức và mải mê theo đuổi sự nghiệp, người phụ nữ 32 tuổi luôn cảm thấy cô đơn trong chính ngôi nhà mình. Nhiều lần Loan thầm tiếc người yêu cũ và nghĩ nếu lấy anh chắc cô không đơn độc thế này.
Trống trải, lại không có người chia sẻ, gần đây Loan thường xuyên nhắn tin với người yêu cũ, chia sẻ mọi buồn vui như những người bạn. Họ ôn lại kỷ niệm xưa với những chuyến đi chơi chỉ có hai người, về những giận hờn thuở mới yêu, rồi tham khảo ý kiến nhau trước khi làm những việc quan trọng. Không biết từ lúc nào, Loan lại trông đợi tin nhắn của người yêu cũ, dù trong thâm tâm cô vẫn yêu chồng thương con.
Mọi việc diễn ra trong bí mật cho đến ngày chồng Loan phát hiện những tin nhắn của vợ với người cũ. Cho rằng cô ngoại tình, anh đề nghị phải chấm dứt nếu không sẽ viết đơn ly hôn, dù Loan luôn khẳng định mối quan hệ giữa họ chỉ là bạn bè.
Trong khảo sát mới nhất của VnExpress với hơn 300 độc giả, một nửa cho biết từng phát hiện bạn đời vẫn quan tâm, hỏi han và dõi theo người yêu cũ. Theo chuyên gia Lã Linh Nga, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học Tâm lý- Giáo dục (Hà Nội), có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này nhưng chủ yếu liên quan đến những sự chưa hài lòng trong hôn nhân. "Khi vợ chồng có khúc mắc, người ta rất dễ nghĩ đến hay tìm về người cũ để có điểm tựa tinh thần", bà Nga nói.
Theo nữ chuyên gia trong một số trường hợp, câu "tình cũ không rủ cũng tới" là đúng hoàn cảnh khi mà với nhiều người, vị trí của tình cũ vẫn rất quan trọng trong khi bạn đời không thể thay thế được. Ngoài ra, sự thiếu cảm thông, thiếu trách nhiệm của bạn đời hay sự không hòa hợp tình dục cũng có thể làm người ta hướng đến tình cũ.
Chuyên gia tâm lý Trương Hương Thảo (ĐH Quốc gia TP HCM) cho rằng không phải cuộc hôn nhân nào cũng xuất phát từ tình yêu của cả hai phía. Trong trường hợp này, vì từ đầu đã không có nền tảng tình yêu nên việc một trong hai người thương nhớ mối tình xưa cũ là cách giải tỏa khát khao những thứ không đạt được trong quá khứ.
"Hiện tượng này giới trẻ gọi là 'bạch nguyệt quang' - chỉ người mình từng thích, từng yêu hết lòng, khát khao có được nhưng không thể sánh đôi cùng họ. Cũng giống như trăng sáng dù hiện hữu ngay trước mắt nhưng không thể chạm tay, không thể chiếm lấy mà chỉ có thể ngắm nhìn vẻ đẹp ấy từ xa", bà Thảo nói.
Trong trường hợp vợ chồng kết hôn vì tình yêu mà bạn đời vẫn tơ tưởng hoặc thường xuyên dõi theo mọi động thái của tình cũ, nữ chuyên gia cho rằng nguyên nhân chính xuất phát từ cảm giác cay đắng do bị bỏ rơi nên tò mò về cuộc sống mới của người cũ, hoặc do tiếc nuối mối tình từng "khắc cốt ghi tâm" nhưng không thể cùng nhau viết nên một kết thúc viên mãn.
"Nhưng dù với lý do nào thì việc tơ tưởng đến người cũ khi đã có gia đình chắc chắn đe dọa đến hôn nhân", bà Thảo chia sẻ.
Như với Mai Phương, cô gần như rơi vào trầm cảm khi phát hiện những lá thư, bức ảnh và tin nhắn chồng mình gửi người yêu cũ. Khác với sự chịu đựng thường thấy, lần này người vợ tung hết thông tin cho gia đình chồng biết. Cô chì chiết anh hàng ngày để giải tỏa sự uất ức.
Nhưng Phương càng gay gắt, chồng cô càng lặng im. Anh giải thích mối quan hệ đó chỉ là tình bạn, chưa từng làm gì không đúng với vợ con, nhưng đáp lại chỉ là sự khinh bỉ của người vợ. Phương không cho chồng giải thích thêm và nghĩ rằng, trong chuyện này cô là người bị hại.
Theo chuyên gia Linh Nga, thực tế ai cũng có những phút yếu lòng nhưng không phải ai khi nhớ về tình cũ cũng có ý định từ bỏ gia đình để quay lại với người xưa. Trong tâm trí họ lúc này sẽ có sự đấu tranh giữa tình yêu của bản thân và trách nhiệm với gia đình, con cái.
Nữ chuyên gia cho rằng, mọi cuộc hôn nhân sứt mẻ đều xuất phát từ những nhu cầu chưa được thỏa mãn của cả vợ và chồng. Việc xác định rõ mong đợi của nhau và nỗ lực đáp ứng là giải pháp lâu dài để xây dựng hôn nhân hạnh phúc.
Bởi vậy, khi phát hiện bạn đời vẫn tơ tưởng hay liên lạc với tình cũ, theo bà Nga cần thẳng thắn bày tỏ quan điểm, nêu rõ cảm xúc, cố gắng chia sẻ chân thành về những mong đợi của bản thân với đối phương. Ngoài việc kiên quyết yêu cầu bạn đời chấm dứt mọi mối quan hệ với người cũ, cần tích cực trao đổi để cho họ hiểu sự chung thủy và toàn tâm toàn ý với gia đình là ưu tiên lớn nhất. Ngoài ra cần cố gắng lắng nghe những yêu cầu của bạn đời về chuyện gia đình, tình cảm vợ chồng, con cái. Chỉ khi nhận ra những thiếu sót, cả hai mới đủ tự tin và nỗ lực để thay đổi, vun đắp hạnh phúc.
Trong trường hợp dù làm mọi cách mà bạn đời vẫn "say nắng" tình cũ - điều mà người còn lại không thể chấp nhận - nên suy nghĩ lại về cuộc hôn nhân này nhằm tránh những tổn thương có thể xảy ra.
Bà Nga cho rằng, cảm xúc nhất thời thường sẽ nhanh qua, chỉ có gia đình mới cần được trân trọng và giữ gìn. Bởi vậy nếu lỡ một lần say đắm người cũ, người trong cuộc nên cân nhắc "được, mất" để biết điểm dừng.
"Hôn nhân nào cũng có lúc gặp sóng gió, nhưng nếu cố gắng thấu hiểu và vun đắp, cảm xúc yếu lòng với tình cũ sẽ được vùi sâu trong ký ức và chỉ lưu lại như một kỷ niệm đẹp trong đời", chuyên gia nói.
Hải Hiền