Bệnh nhân vào viện ngoài nỗi đau về bệnh tật còn có nhiều nỗi sợ hãi khác. Ảnh: Hoàng Hà. |
Mọi việc hoàn toàn bí mật. Chỉ có giám đốc bệnh viện và điều dưỡng trưởng tham gia trong nhóm nghiên cứu mới được biết trước, còn toàn bộ nhân viên không hay biết gì.
Một ca giả tình huống té cầu thang, có giai đoạn ngất thoáng qua; một ca giả đau bụng, ói mửa, mất nước, kiệt sức (cho uống Ipeca) và ca thứ ba giả bị tai nạn xe máy, đau thắt lưng, chân bị yếu.
Chọn buổi chiều thứ bảy, cuối tuần, là lúc mọi người dễ lơ đễnh nhất để vào bệnh viện, các "bệnh nhân" được thử máu, truyền dịch, chụp CT, MRI...
Sau thí nghiệm, tất cả các sinh viên đều nói rằng họ sợ hãi, và bệnh giả mà thành thật.
Một sinh viên kể: "Lúc nằm viện tôi cảm thấy bất lực, hoàn toàn mất tự chủ, không kiểm soát được, chẳng biết chuyện gì sẽ xảy ra. Chẳng ai giải thích phải làm xét nghiệm gì, lúc nào, tại sao... nên đành 'nhắm mắt' đưa chân!".
Người thứ hai là cô sinh viên y khoa năm thứ ba, Lisa Shapiro, cho biết cô hoàn toàn kinh ngạc khi thấy bác sĩ rất kiệm lời, lạnh lùng, luôn có vẻ mệt mỏi, như chỉ làm cho xong bổn phận, còn điều dưỡng thì khá hơn, tử tế hơn một chút. Cô cảm thấy rất hoang mang, sợ hãi, cô đơn cùng cực.
Lisa Shapiro nói thêm: "Tôi có cảm giác như mình bị sụp bẫy, tim đập loạn xạ, huyết áp tăng vọt và có vẻ sốt cao thật sự". Người nằm giường kế bên cô là một bà già bệnh nặng, kêu bác sĩ suốt đêm, đèn cứ tắt rồi sáng liên tục làm cô không sao nhắm mắt nổi. Căng thẳng, bơ phờ, mệt mỏi!
Được hỏi qua trải nghiệm này, liệu khi ra trường thành bác sĩ, cô có quên sạch không? Cô khẳng định không thể nào quên. Cô chỉ nằm viện có 19 giờ đồng hồ mà thấy thời gian dài đằng đẵng. Khi bác sẽ đến thăm bệnh nói cô khá nhiều rồi, cho xuất viện, cô mừng đến phát khóc!
(Theo Phụ Nữ)