Giống như Tosiedee, tất cả nam giới Thái Lan trên 21 tuổi đều phải đăng ký tham gia vào một cuộc bốc thăm thường niên vào tháng 4, lựa chọn những người phải thực hiện nghĩa vụ quân sự trong tối đa hai năm. Những người rút thăm màu đỏ sẽ nhập ngũ, ai rút thăm màu đen sẽ được miễn thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Quy trình tuyển quân kiểu may rủi này đã gây tranh cãi ở Thái Lan nhiều năm qua và trở thành chủ đề nóng trước mỗi cuộc bầu cử. Đây cũng là vấn đề được giới trẻ nước này quan tâm trước thềm tổng tuyển cử ngày 14/5.
Tonsiedee thở phào khi rút thăm màu đen, nhưng anh hy vọng hệ thống bốc thăm sẽ chấm dứt khi một chính phủ mới được bầu ra.
![Cử tri Thái Lan đi bỏ phiếu tại Phuket, ngày 7/5. Ảnh: Guardian](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2023/05/12/Thiet-ke-chua-co-ten-2023-05-1-1970-6398-1683866696.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=cNV9AR1HWtx7kaWoA5oLLw)
Cử tri Thái Lan đi bỏ phiếu sớm tại Phuket, ngày 7/5. Ảnh: Guardian
Trong cuộc tổng tuyển cử, 52,4 triệu cử tri Thái Lan sẽ bầu tổng cộng 500 ghế tại Hạ viện. 500 nghị sĩ được bầu tại Hạ viện sau đó sẽ cùng 250 thành viên Thượng viện do chính quyền quân sự bổ nhiệm sau đó sẽ bỏ phiếu bầu thủ tướng. Ứng viên phải giành được tối thiểu 376 phiếu để trở thành thủ tướng và lập chính phủ mới.
Đảng Pheu Thai được dự báo giành nhiều ghế nhất tại Hạ viện. Paetongtarn Shinawatra, con gái cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra, là một trong ba ứng viên đại diện Pheu Thai. Nếu đắc cử, Paetongtarn sẽ trở thành thủ tướng trẻ nhất lịch sử Thái Lan.
Pheu Thai tuyên bố sẽ không lập liên minh cầm quyền với các nhóm được quân đội hậu thuẫn, đồng thời cam kết thúc đẩy chấm dứt hệ thống tuyển nghĩa vụ kiểu bốc thăm gây tranh cãi và nhiều vấn đề khác. Kết quả thăm dò cho thấy Paetongtarn đang có tỷ lệ ủng hộ cao nhất, với mức 38,2%.
Trong khi đó, đảng Move Forward cũng đang thu hút lượng lớn cử tri trẻ. Đây là đảng đầu tiên cam kết chấm dứt chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc, đồng thời phi quân sự hóa chính trị, nhắm mục tiêu vào các tập đoàn đang thống trị nền kinh tế.
![Một cử tri trẻ trả lời truyền thông sau khi bỏ phiếu ở Phuket, Thái Lan. Ảnh: Guardian](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2023/05/12/Thiet-ke-chua-co-ten-2023-05-1-7457-8977-1683866696.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=OpUXqPNGSBnR3MleXzcUhg)
Một cử tri trẻ trả lời truyền thông sau khi bỏ phiếu sớm ở Phuket, Thái Lan. Ảnh: Guardian
Nhiều thanh niên Thái Lan mong muốn có những cải cách để hạn chế ảnh hưởng của quân đội. Mok, 30 tuổi, cho biết đất nước đã trì trệ sau hai cuộc đảo chính quân sự kể từ năm 2006.
"Thái Lan giậm chân tại chỗ sau mỗi lần đảo chính xảy ra. Quân đội nên ở trong doanh trại", Mok nói.
Sinh viên Thái Lan trong những năm qua đã tổ chức các phong trào kêu gọi hạn chế quyền lực của quân đội và hoàng gia, đồng thời bãi bỏ luật khi quân của nước này.
Move Forward hứa hẹn sẽ cải cách luật và ứng viên Paetongtarn của Pheu Thai nói vấn đề này nên được tranh luận tại quốc hội. Trong khi đó, các đảng bảo hoàng và phe thân quân đội kiên quyết phản đối cải cách.
Giới bình luận cho rằng đây là lần đầu tiên luật khi quân được thảo luận một cách công khai như vậy. "Nhưng những thay đổi thực sự phía trước phụ thuộc rất nhiều vào thành phần của liên minh cầm quyền mới", Ken Mathis Lohatepanint, chuyên gia chính trị ở Thái Lan, nhận định.
Natchaya, 18 tuổi, cũng hy vọng về sự thay đổi khi lần đầu đi bỏ phiếu sớm ở Chiang Mai, miền bắc Thái Lan. Cô đã tích cực tham gia các phong trào cải cách giáo dục, bảo vệ môi trường.
"Giáo dục Thái Lan nên áp dụng các chương trình đa dạng, từ nhiều nguồn. Ô nhiễm ở Chiang Mai cũng là vấn đề lớn, ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng tôi mỗi ngày", Natchaya nói.
Ở miền nam, Ekapong Noojaroen, 24 tuổi, đến từ Songkhla, cũng bày tỏ hy vọng chính phủ mới sẽ đầu tư nhiều hơn vào chất lượng giáo dục công lập và tạo thêm việc làm tại các khu vực bên ngoài thủ đô. "Tôi không muốn đến Bangkok để làm việc", anh nói, cho biết 80-90% bạn bè đã rời Songkhla tìm việc ở nơi khác.
Đức Trung (Theo Guardian)