Thứ năm, 29/10/2020, 12:30 (GMT+7)

"Đã là doanh nhân thì phải luôn có tư tưởng làm giàu. Song, không phải làm giàu bằng mọi giá, mà bằng cái tâm, sự cống hiến và phải có lòng tự tôn dân tộc". Đó là chia sẻ của ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Tập đoàn T&T chia sẻ tại một buổi giao lưu ấm cúng tại Cao Bằng tối 25/10.

Đây là buổi giao lưu vừa kết hợp team building công ty và cũng là để chúc mừng ông vừa nhận Huân chương Lao động hạng Nhất ngày trước đó. Với một chủ doanh nghiệp tư nhân, đây là phần thưởng cao quý không phải cứ doanh nghiệp lớn nào cũng nhận được.

"Tổ quốc, linh thiêng, hùng cường". Ông Đỗ Quang Hiển lấy nhịp cho toàn bộ những người tham dự cùng đứng lên hô vang nhiều lần. Vị Chủ tịch Tập đoàn T&T vốn là người ưa các khẩu hiệu. Nhưng đây là khẩu hiệu ông đặc biệt yêu thích. Như chia sẻ nói trên, với ông, là doanh nhân, tinh thần dân tộc được đặt lên hàng đầu. Tinh thần đó không phải nay khi T&T Group đã lớn mạnh mới có, mà đã nung nấu từ khi Tập đoàn hình thành cách đây 27 năm.

Nhìn vào tập đoàn có tới 80.000 người như ngày nay, ít ai biết T&T Group tiền thân là một công ty TNHH nhỏ có trụ sở trên phố Hai Bà Trưng, chuyên cung cấp hàng điện tử, còn bản thân ông vốn là nhà khoa học. Tốt nghiệp khoa Vật lý trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, ông chọn con đường nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Công nghệ Quốc gia sau khi ra trường.

Trong quá trình nghiên cứu, ông có cơ hội được tiếp cận những nhà kinh tế, các doanh nghiệp lớn trên thế giới. "Từ đây, tôi nhận thức được rằng đất nước mình sẽ phải hình thành và phát triển tầng lớp doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp tư nhân. Xu thế quốc tế đang diễn ra thì chắc chắn Việt Nam mình sẽ như vậy".

Nghĩ là làm, đến năm 1993, ông thành lập công ty TNHH T&T, viết tắt của Trade & Technology với niềm tin từ những nghiên cứu của mình. Thất bại cũng có, nhưng chủ yếu thành công nối tiếp thành công. Tập đoàn liên tục phát triển theo cấp số nhân những năm sau, mở rộng liên tục ra đa dạng lĩnh vực. Đến nay, T&T Group đã trở thành một trong những tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu Việt Nam với tổng tài sản hàng chục nghìn tỷ đồng, hoạt động đa dạng với 7 lĩnh vực chính gồm Tài chính & Đầu tư; Bất động sản; Công thương; Nông nghiệp, lâm nghiệp & Thủy sản; Hạ tầng giao thông, cảng biển & Logistic; Năng lượng và Môi trường; Y tế, Giáo dục và Thể thao.

Với mục tiêu làm giàu không chỉ cho bản thân, từ rất sớm ông đã nghĩ đến việc phải hình thành một cộng đồng doanh nghiệp cùng tương trợ phát triển. Năm 1996, chỉ 3 năm sau khi thành lập Tập đoàn T&T, ông đã kêu gọi thành lập Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội và giữ chức Chủ tịch Hiệp hội từ đó đến nay.

Ông Đỗ Quang Hiển (giữa) nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.

Để biết các thành viên nghĩ gì về Chủ tịch Hiệp hội, cách tốt nhất là tham dự một sự kiện khi có đầy đủ các thành viên như tối 24/10, khi ông được trao Huân chương Lao động hạng Nhất. Sự kiện kết thúc từ 21h, nhưng phải đến hơn 22h ông Đỗ Quang Hiển mới được "thở một chút" vì hàng dài các doanh nghiệp Hội viên xếp hàng trước tấm backdrop ngoài sảnh, chờ lên chụp hình với "Chủ tịch Hiệp hội" và chúc mừng ông. Điều đặc biệt, nhiều người gọi ông là "Đại ca" như một người anh lớn trong nhà.

"Cũng vì cái tâm mình muốn cống hiến, đóng góp, muốn mọi điều tốt đẹp cho xã hội, cho anh em, cho mọi người. Tôi đến với họ bằng trái tim của một người anh. Tôi hướng dẫn, chia sẻ tất cả những gì về kiến thức và tình cảm mà mình có", ông lý giải.

Vị Chủ tịch T&T Group chia vui với những người bạn và các hội viên trong Hiệp hội.

Khi nói chuyện với các thành viên Hiệp hội, ông vẫn hay lấy hình ảnh doanh nhân dân tộc Bạch Thái Bưởi là tấm gương, kêu gọi doanh nghiệp của Việt Nam phải tự chủ, phát triển.

Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên đánh giá cao khía cạnh "doanh nhân dân tộc" của vị Chủ tịch T&T Group. Không chỉ đóng góp cho nền bóng đá, ông Đỗ Quang Hiển - theo PGS, Tiến sĩ Thiên - có cách tiếp cận rộng mở về tầm nhìn kinh doanh, mục tiêu rất rõ đóng góp cho đất nước, cho dân tộc.

Bên cạnh đóng góp trên khía cạnh kinh doanh, làm từ thiện cũng là yếu tố được ông chú trọng. Trong năm 2020, khi Việt Nam trải qua nhiều sự cố thiên tai, bão lũ, dịch bệnh, tổng số tiền làm từ thiện, công tác xã hội của Tập đoàn đã vượt con số 100 tỷ tính đến tháng 10, cao nhất từ trước đến nay. "Có những lúc đọc được trường hợp cần được giúp đỡ trên báo chí, Chủ tịch lại nhắc chúng tôi phải lập tức có giải pháp hỗ trợ", một cấp dưới phụ trách các chương trình sự kiện chia sẻ.

"Xin đừng gọi tôi là bầu Hiển, hãy gọi tôi là doanh nhân Đỗ Quang Hiển", vị Chủ tịch cười lớn trước câu hỏi muốn được gọi bằng danh xưng nào.

Dăm năm trở lại đây, "bầu Hiển" dần trở thành cái tên nổi tiếng với mọi người dân Việt Nam yêu bóng đá, kể từ khi đội tuyển U23 lên ngôi Á quân tại AFC Cup. Những đóng góp âm thầm cho nền bóng đá Việt trong suốt hàng chục năm qua của vị doanh nhân được đào xới lại và tôn vinh. Nhiều người nói không có ông Hiển, không có Quang Hải hay Văn Hậu.

Nói về đam mê bóng đá, ông tự nhận "Nồng độ" bóng đá trong máu của mình còn cao hơn các cầu thủ. Nhiều người so sánh ông với bầu Đức về công lao, nhưng với ông, đam mê công việc hay bóng đá có điểm chung là khát vọng hướng tới đỉnh cao cho Việt Nam.

Mê bóng đá là vậy, nhưng ông cho rằng ở vai trò doanh nhân, bản thân sẽ đóng góp được nhiều hơn. "Doanh nghiệp cũng như bóng đá, chúng ta phải luôn đưa ra mục tiêu để chinh phục, hướng đến những đỉnh cao là khát vọng của cá nhân, doanh nghiệp và của cả một dân tộc", ông nói tiếp.

Đam mê cũng là thứ giữ ông miệt mài trên trên hành trình gây dựng và phát triển Tập đoàn T&T Group trong suốt 27 năm qua. Nay 58 tuổi, ông đã nghĩ đến chuyển chuyển giao từ lâu, lúc đó đặt mục tiêu trong 2 năm phải quản trị, cấu trúc lại và chuyển giao cho các cấp quản lý, từ Hội đồng Quản trị, đến Tổng giám đốc, các Phó tổng...

"Thế mà 10 năm nay rồi vẫn chưa thực hiện được", ông tâm sự. Trong xu thế phát triển của đất nước, doanh nghiệp phải hòa đồng vào dòng chảy. Tập đoàn T&T Group ngày càng thêm nhiều lĩnh vực, thêm nhiều đối tác, ông vẫn phải cùng anh em chinh phục, thích nghi và nâng cao năng lực quản trị.

Nếu hỏi những thuộc cấp gần gũi nhất của ông Hiển ấn tượng nhất về điều gì ở người sếp, câu trả lời chung nhất là "ham mê công việc", "tham việc nhất Việt Nam". Là người đứng đầu Tập đoàn với nhiều công ty thành viên, ông tham gia quản trị sâu vào từng lĩnh vực, nên bận rộn là không thể tránh khỏi. Ông thường xuyên ăn trưa lúc 3, 4h chiều, và ăn tối khi đã một, hai giờ sáng. Tài xế riêng hiểu rõ lịch trình của vị Chủ tịch, cho biết ông thường xuyên là người về muộn nhất công ty khi đồng hồ ngày mới đã điểm 2, 3h.

Thời gian hiếm hoi dành cho gia đình là vào buổi sáng Chủ nhật không phải đi công tác. Khi đó, ông ăn sáng cùng gia đình, cafe cùng bạn thân. Nhưng cũng có những buổi ăn sáng hay cafe kéo dài đến 4, 5h chiều bởi trên cương vị Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội, ông luôn được các doanh nhân trẻ tìm đến học hỏi kinh nghiệm quản trị cũng như cơ hội kinh doanh. "Nhưng tôi không hề thấy phiền bởi vởi tôi, đây chính là cách thư giãn cho bản thân, vừa gặp gỡ, vừa trao đổi kiến thức với họ", ông cho biết.

Tuy vậy, ông vẫn biết rằng sẽ đến một lúc mình sẽ phải lùi lại cho thế hệ thứ hai tiếp bước. Dần dần, ông dự định sẽ đến ít công ty ít hơn. Mỗi tuần một lần, rồi hai tuần một lần, tiến tới là mỗi tháng một lần, để cho anh em quản trị điều hành. Ông cho biết mình yên tâm khi định hướng cống hiến và những "khát vọng dân tộc" ngày càng được đội ngũ lãnh đạo cấp dưới thấm nhuần.

"Có khi hai năm tới tôi sẽ làm được mong muốn từ cách đây 10 năm", ông cười cho biết.

Khát vọng “doanh nhân dân tộc” của ông Đỗ Quang Hiển
 
 

Nội dung: Quang Anh - Thiết kế: Thái Hưng
Ảnh: Giang Huy - Video: Lộc Chung - Văn Quỳnh