Hàng đống sách giảm giá tới 70%, vô số từ điển phổ thông và chuyên ngành, truyện tranh, sách dạy tiếng Anh, sách luật, sách dạy nghề nông, tiểu thuyết kinh điển nước ngoài và tác phẩm văn học trong nước, sách giáo khoa, luyện thi đại học, truyện thiếu nhi, sách dạy các nghề cơ bản. Giá thì rẻ còn hơn giấy gói xôi.
Tôi mải mê giữa trùng trùng kiến thức quý giá mà ao ước vô cùng các hội sách như vậy sẽ được mở ra ở các thành phố khác chứ không phải chỉ Sài Gòn nữa.
Mấy năm nay do công việc nên tôi thường xuyên có mặt trong những hội thảo và hội chợ nông nghiệp khắp các tỉnh miền Tây. Hội chợ nông nghiệp nào cũng đắt khách: dân quanh vùng rủ hàng xóm họ hàng đi hội chợ rộn ràng như Tết. Cả đoàn người già con nít mấy chục người, tận trong sâu đi mấy chục cây cầu khỉ mới tới hoặc ở tỉnh khác cũng bao xe hoặc chạy xe máy qua từ sáng sớm. Hàng hóa mua khỏi hỏi, nhất là cây giống mới thì khuân ùn ùn.
Các kỹ sư nông nghiệp trực gian hàng mướt mồ hôi, khản giọng vì nông dân xúm lại hỏi bệnh cây, bệnh con vật nuôi, cách dùng thuốc trừ sâu, phân bón hay giống mới. Họ đã hỏi là hỏi cho tới, hỏi cho khi nào hai bên gật gù mới thôi. Nhưng đừng ngó bộ quần áo lè phè mà lầm nghen, họ là triệu phú, tỷ phú không đó. Có những người sở hữu hàng chục mẫu vườn, có người năm bảy vuông tôm, có người chục đìa cá, buôn bán làm hàng xuất khẩu khắp các nước... gật gù xong quay lưng đi cái một, qua ngày sau quay lại thảy cục tiền mua cả tạ cả tấn. Nhiều lần tôi chứng kiến các gian hàng phải khất khách ngày mai quay lại, vì hàng hết lẹ quá chở qua không kịp.
Những hội thảo nông nghiệp do các cục, vụ viện nghiên cứu nông học chủ trì thường diễn ra tháng một lần, luân phiên đi khắp các tỉnh miền Tây. Có chị chủ trại chanh không hạt thuộc hạng nhất ở Tiền Giang mà giờ hàng hóa đã vào các siêu thị bán sỉ như Big C, Metro, xuất sang rất nhiều nước kể với tôi thời điểm chị bắt đầu trồng chanh. Chăm sóc tốt mà cây chanh vẫn héo, nghe có hội thảo nông nghiệp, chị bó theo cây chanh bệnh chạy xe từ 5h sáng vượt 120 km tới nơi tổ chức, gặp cho được các tiến sĩ, kỹ sư của Viện nghiên cứu cây ăn quả miền Nam xin tư vấn.
Cho nên những tên nổi tiếng của nông nghiệp Việt Nam như Phó giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu - Viện trưởng Viện cây ăn quả miền Nam, tiến sĩ Lê Văn Bảnh - Viện trưởng Viện lúa ĐSCL, kỹ sư Hồ Quang Cua, nguyên phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Sóc Trăng (tác giả giống lúa ST đỏ dùng cho ăn chay chữa bệnh), GS.TS Bùi Chí Bửu, Phó giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, Viện trưởng Viện Khoa học - kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, giáo sư Võ Tòng Xuân... đều quen mặt với nông dân. Quen nhưng họ không cách nào trực chiến tư vấn suốt được. Các doanh nghiệp lớn như Giống lúa Bình Minh, phân bón Bình Điền, đạm Phú Mỹ... đều có đội ngũ kỹ sư bám ruộng tận xã, vừa bán hàng, vừa tư vấn cho dân, nhưng cũng không thể xuể.
Mô hình thư viện cấp xã cũng không phù hợp với miền Tây. Địa bàn rộng, địa hình sông nước chia cắt, mà sách làm nông thuộc dạng sách gối đầu giường, phải sở hữu để đọc tới đọc lui, ghi chú tùm lum bên lề cũng được. Chứ đi mượn của thư viện sao làm được như vậy. Tới những nhà sách ở Cần Thơ mua cũng khó, vì nông dân quanh năm bám đất, muốn đi đâu phải tính kỹ, phải gom làm nhiều việc mới ra khỏi ruộng. Cho nên nhà sách ở tỉnh cũng ít và hầu hết là tạp chí. Sách tham khảo vô cùng hiếm hoi vì bán không chạy.
Ở Sài Gòn ít người nghe đài phát thanh. Tivi cũng hầu như xem thời sự xong là chuyển qua phim, ca nhạc, thể thao trên các kênh nước ngoài. Ở miền Tây ngược lại, phát thanh truyền hình rất có uy tín, khán giả canh giờ nghe không sót tin tức thời vụ nông nghiệp, cảnh báo sâu rầy, giá cả thị trường... Những đài giàu có nhất trong khu vực là những đài dành nhiều thời lượng cho nông dân và sát nông dân nhất. Điều đó rất đúng đắn vì nông dân miền Tây sản xuất nông sản thương phẩm, chỉ một thông tin bất lợi cũng đủ chao vao.
Nhớ cảnh những nông dân miền Tây kéo ống quần ngồi chật những hội trường lớn ở Long An, Tiền Giang, Cần Thơ, An Giang, Vĩnh Long, Sóc Trăng nghe kỹ sư tư vấn, nhớ cảnh nông dân miền Tây ngồi bệt dưới đất đông nghẹt trong những tọa đàm theo lịch tại các hội chợ nông nghiệp, nhớ ánh mắt khát khao và ngón tay khều khào lật các tài liệu photo phổ biến kiến thức nhà nông.. tôi thèm đứt ruột hội sách no nê này của TP HCM mau mau đến được những thành phố trung tâm của miền Tây.
Quy mô hội chợ nhỏ hơn nhiều lần cũng được, hoặc ké theo các hội chợ nông nghiệp, hội chợ hàng tiêu dùng liên tiếp từ giữa năm trở đi cũng được. Nông dân không đòi ca sĩ múa hát giúp vui, không cần tác giả ngồi ký tặng. Chỉ cần sách, các cuốn sách dạy nghề bị ghẻ lạnh ở thành phố này sẽ thành kho báu khi nó đến được tay nông dân. Các cuốn truyện tranh tiếng Anh đẹp đẽ, những tác phẩm văn học thiếu nhi bị quăng đi ơ hờ ở đây... sẽ hạnh phúc làm bạn với những đứa trẻ tóc khét nắng, nuôi dưỡng tâm hồn và ao ước cho chúng.
Nông dân quanh vùng sẽ rộn ràng dắt con tới, con thì mua những cuốn sách tiếng Anh đẹp đẽ, cha thì mua sách dạy làm nông, mẹ thì mua sách dạy nấu ăn... Tất cả, những cuốn sách đẹp đẽ quý giá, giá tiền giảm 70% nhưng giá trị tăng gấp 70 lần.
Tôi ao ước, ao ước quá sức. Bao giờ thì hội sách về với nông thôn?
Hoàng Xuân