Đến hôm nay, xóm Tời bị chia cắt hoàn toàn với bên ngoài, chỗ ngập sâu nhất cũng đến 3 mét. Tuy khu nhà dân may mắn ở chỗ cao, nước chỉ ngập đến sân, đến vườn, thế nhưng những cánh đồng xung quanh rộng 90 ha giờ trở thành sông, khiến người ra cũng không được mà người vào cũng khó.
Suốt nửa tháng vừa qua, bữa cơm của dân xóm chỉ có mỳ tôm hòa với nước ăn cùng với cơm mà không hề có rau. Trong khi trước kia xóm này chuyên trồng rau cung cấp cho nội thành Hà Nội.
"Rau nhà ngập hỏng hết, lại không có thuyền để đi ra mà mua. Vả lại dù có mất 10.000 đồng thuê được thuyền thì cũng làm gì còn tiền mua rau. Chúng tôi trồng rau để bán, bây giờ ngập hết có buôn bán được gì đâu nên đành chịu ăn mỳ tôm cứu trợ cho qua ngày", chị Đào nói.
Cả xóm có 80% người dân dùng nước giếng khoan, mưa ngập hết cả giếng. Tuy chỉ sau 2 ngày ngập, chính quyền đã phát thuốc khử nguồn nước nhưng người dân cũng chỉ dám dùng rất hạn chế. Hai ngày nay, khi chính quyền bắt đầu phát bình nước uống miễn phí, với giá đặt cọc 40.000 đồng, cả xóm tấp nập cảnh đi lấy nước ngọt để uống, nhà xa thì chèo thuyền thúng, nhà gần thì cõng bình nước lên vai mang về.
Người dân xóm Tời phải bơi thuyền, hoặc lội đi lấy bình nước miễn phí về uống. Ảnh: Nam Phương. |
Phương tiện đi lại duy nhất với bên ngoài giờ của người dân là thuyền, nhưng không phải nhà nào cũng có. Chị Hương cho biết mất tiền thuê thuyền, thế mà đi từ sáng đến 12 giờ trưa chị cũng chỉ chở được 100 viên than để về nấu rượu, rồi lại mất công gánh từ đầu xóm vào nhà.
Học sinh cấp 1-2 trong xóm đến nay vẫn còn nghỉ học, chỉ có mấy cô cậu học sinh cấp 3 hai hôm nay bắt thuyền đi học. Con đường ngắn chỉ 3-4 km giờ đi thuyền cũng mất nửa tiếng.
Không chỉ thiệt hại về rau màu, lợn gà trong xóm cũng thi nhau chết. Bà Năng, 55 tuổi, chỉ vào chuồng lợn giờ đã trống không mà xót xa: "Nhà có con lợn nái nuôi để lấy giống, đẻ được 14 con thì chết cả. Đàn gà 20 con giờ cũng chỉ 4 con sống sót".
Không riêng nhà bà Năng, nhiều nhà dân trong xóm cũng có lợn gà chết. Con lợn nhà chị Bằng đẻ được 9 con, rồi cũng lăn quay ra ốm chết cả mẹ lẫn con. "Nước ngập sâu quá gọi thú y thì họ không vào, mà thuê thuyền ra đón họ thì mình không có tiền. Thế là cứ nhìn đàn lợn chết từng con mà xót tiền xót của quá", chị nói.
Sau trận mưa cuối tháng trước, ước tính thiệt hại về hoa màu, thủy sản của cả huyện Mê Linh lên đến 15 tỷ. Một số xã đã xuất hiện bệnh sau ngập như: rối loạn tiêu hóa 197 ca, bệnh về mắt 82 ca, đặc biệt cả huyện có 586 người mắc bệnh về da.
Trước tình hình đó, ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, sở đã cấp cho huyện Mê Linh 800 cơ số thuốc để phát cho dân. Đồng thời ngay ngày mai Sở sẽ tăng cường cho Bệnh viện Đa khoa huyện một bác sĩ chuyên về mắt, một bác sĩ chuyên về truyền nhiễm và một bác sĩ chuyên da liễu để khám chữa bệnh cho người dân.
Nam Phương