![]() |
Biểu tình phản chiến ở New York. |
Tại New York, ước tính khoảng 500.000 người đã tham gia các hoạt động chống chính sách cứng rắn đối với Iraq của chính phủ. Tổng giám mục người Nam Phi Desmond Tutu hô lớn: “Hòa bình! Hoà bình! Hoà bình!” khi ông cùng nhiều nhà hoạt động xã hội nổi tiếng như diễn viên Susan Sarandon, Danny Glover, Angela Davis... tuần hành qua trụ sở Liên Hợp Quốc. Khoảng 100.000 người đã tập trung tại khu vực này để biểu thị thái độ phản đối chiến tranh.
![]() |
Đoàn người biểu tình bên ngoài trụ sở Liên Hợp Quốc. |
Hàng nghìn người ở thành phố Los Angeles cũng hô vang các khẩu hiệu đòi hoà bình trên đại lộ Hollywood danh tiếng. Các nhà tổ chức ước tính có 100.000 người tham gia vào hoạt động này, trong khi cảnh sát cho rằng con số đó chỉ là 30.000.
Ở bên kia bờ đại dương, thủ đô London của nước Anh (đồng minh quan trọng nhất của Mỹ trong vấn đề Iraq) hôm qua như vỡ òa với cuộc biểu tình của ít nhất 750.000 người. Theo các nhà chức trách, đây là cuộc biểu tình lớn nhất từ trước tới nay ở xứ sở sương mù. Những người yêu chuộng hòa bình London hy vọng sẽ làm Thủ tướng Tony Blair thay đổi quan điểm trong vấn đề Iraq. Elisie Hinks, một cụ ông đã 77 tuổi tham gia đoàn tuần hành, phát biểu: "Điều tôi muốn nói với Thủ tướng Blair là đừng có bợ đỡ người Mỹ nữa mà hãy nghe người dân của ông ấy một lần".
![]() |
Biểu tình ở Rome. |
Cũng giống như ở London, tại Rome, cảnh sát Italy ước tính có tới gần một triệu người đi biểu tình để bày tỏ thái độ không đồng ý với chính sách ủng hộ Mỹ của Thủ tướng Silvio Berlusconi. Một người giận dữ: "Tham gia chiến tranh là quan điểm của ông Berlusconi chứ không phải ý nguyện của người dân Italy".
Ở Tây Ban Nha, khoảng 2 triệu người xuống đường tại 55 thành phố trên toàn quốc, trong đó lớn nhất là ở Madrid và Barcelona. Theo cảnh sát nước này, khoảng 660.000 người tại thủ đô Madrid đã tham gia phong trào phản đối chiến tranh. Đây là hoạt động biểu tình lớn nhất ở Tây Ban Nha kể từ khi chế độ độc tài của tướng Francisco Franco sụp đổ năm 1975.
Australia là một trong số ít quốc gia đã gửi quân đội tới vùng Vịnh, để hậu thuẫn cho một hành động quân sự của Washington chống Baghdad. Khoảng 250.000 người ở thành phố lớn nhất nước này là Sydney đã đổ ra đường trong ngày hôm qua với các biểu ngữ đả đảo chiến tranh và chính sách hiếu chiến của Thủ tướng John Howard. Đây được coi là cuộc biểu tình phản chiến lớn nhất ở Australia kể từ cuộc chiến tranh Việt Nam hơn 3 thập kỷ trước. Ông Howard còn bị la ó tại các thành phố lớn khác như Brisbane, Darwin và Adelaide.
Ở thủ đô Seoul của Hàn Quốc (một nước đồng minh thân cận của Mỹ tại châu Á), hàng trăm nguời đã xuống đường hô vang khẩu hiệu như "Bush là tên khủng bố!", "Hãy thả Bush chứ đừng thả bom"... Tại quốc gia đồng minh khác của Mỹ gần đó là Nhật Bản, khoảng 5.000 người cũng tham gia biểu tình phản chiến ở thủ đô Tokyo.
![]() |
Amsterdam, Hà Lan: Trẻ em cũng tham gia tuần hành vì hoà bình. |
Đức và Pháp là hai nước NATO có quan điểm chống chiến tranh gay gắt. Người dân hai quốc gia này đã tuần hành vừa để chống chiến tranh vừa để biểu thị thái độ ủng hộ chính sách của chính phủ. Tại Berlin, khoảng nửa triệu người đã tham gia biểu tình với sự góp mặt của một số quan chức lãnh đạo trong chính phủ Thủ tướng Gerhard Schroeder. Cờ và biểu ngữ phản chiến cùng bóng bay tượng trưng cho hòa bình ken đặc đại lộ dẫn tới cổng Brandenburg lịch sử. Trong khi đó ở thủ đô Paris, số người tham gia biểu tình chống chiến tranh là khoảng hơn 100.000.
Tại quốc gia Hồi giáo Malaysia, nhiều người tập trung biểu tình trước cửa đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Kuala Lumpur, mặc dù cảnh sát địa phương đã ra lệnh cấm các hoạt động như thế này. Tại một quốc gia thành viên ASEAN khác là Thái Lan, khoảng 2.000 người (chủ yếu là theo Hồi giáo) cũng tụ tập trước cửa đại sứ quán Anh và Mỹ để phản đối chiến tranh.
Khu vực Trung Đông vốn luôn là điểm nóng chính trị của quốc tế cũng xuất hiện các cuộc tuần hành vì hòa bình khổng lồ. Tại Damascus (Syria), ước tính 200.000 người đã biểu tình và hô vang các khẩu hiệu chống Mỹ và Israel. Một cựu thành viên nội các Syria là Najjah Attar cáo buộc Washington đang cố thay đổi bản đồ chính trị trong khu vực, theo cách mà chủ nghĩa phát xít đã từng làm trong quá khứ. Trong khi đó, tối thứ bảy vừa qua, khoảng 3.000 người Israel và Palestine đã cùng nhau đi tuần hành phản chiến tại Tel Aviv, một hình ảnh hiếm thấy tại đây.
Ngoài ra, cảnh sát tại nhiều thành phố nổi tiếng khác trên thế giới đã có thông báo về con số người tham gia tuần hành phản chiến: 70.000 ở Amsterdam (Hà Lan); 60.000 ở Oslo (Na Uy); 50.000 ở Brussels (Bỉ); 35.000 ở Stockholm (Thụy Điển); 80.000 ở Dublin (Ireland); 40.000 ở Bern (Thụy Sĩ); 30.000 ở Glasgow (Scotland); 25.000 ở Copenhagen (Đan Mạch); 2.000 ở Kiev (Ukraina);15.000 ở Vienna (Áo); 20.000 ở Montreal và 15.000 ở Toronto (Canada); 10.000 ở Mexico City (Mexico); 1.500 người ở Sao Paulo (Brazil); 5.000 ở Cape Town và 4.000 ở Johannesburg (Nam Phi); 2.000 ở Dhaka (Bangladesh)...
Đình Chính (theo AP, Reuters, BBC)