Chiều 28/4, trao đổi với VnExpress về nguyên nhân liên tiếp xảy ra sự cố vỡ đường ống nước Sông Đà, ông Hoàng Hải, Cục phó Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng cho biết, đoàn kiểm tra đang trong quá trình đánh giá và nghiên cứu, cố gắng 30/5 sẽ có kết luận cuối cùng.
Theo vị Cục phó, đoàn sẽ lập đề cương, trong đó có việc khảo sát nhiều địa điểm xung yếu để lấy mẫu đất và đánh giá chất lượng thi công có đảm bảo hay không, kết cấu ra sao. Tổ công tác sẽ lấy mẫu ống bị vỡ để kiểm định và có đánh giá cụ thể. Việc tiếp cận, kiểm tra hồ sơ thi công liên quan nhiều đơn vị nên ông Hải cho rằng cần có thời gian. Xác định được nguyên nhân, Cục sẽ phân định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và có hình thức xử lý cụ thể.
Từ tháng 4/2012 đến nay, đây là lần thứ 6 đường ống nước Sông Đà bị vỡ, gây ảnh hưởng sinh hoạt của 70.000 hộ dân thuộc các quận Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hoàng Mai... Sau sự cố hôm 1/4, Cục Giám định chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) đã lập đoàn kiểm tra toàn diện đường ống dẫn nước để có biện pháp khắc phục.
Cả 6 lần xảy ra sự cố, lãnh đạo công ty nước sạch Sông Đà cho rằng nguyên nhân có thể do nền đất yếu và do tác động của xe cộ qua lại đại lộ Thăng Long.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Sỹ Trung - Kỹ sư trưởng Dự án mở rộng và hoàn thiện đường Láng - Hòa Lạc (Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông Vận tải) đã phủ nhận lý giải mà Công ty nước sạch Sông Đà đưa ra. Ông Trung cho rằng: "Đường ống nước cách vai đường Láng - Hòa Lạc 12,5 m, độ sâu từ 4-6 m so với mặt đất tự nhiên, nên không thể nói nền đại lộ Thăng Long gây sụt lún dẫn đến vỡ ống. Độ rung từ mặt đường cao tốc do ôtô đi lại ảnh hưởng đến đường ống về mặt định lượng gần như bằng không", ông Trung phân tích.
Cũng theo vị kỹ sư này, khi hai dự án cùng thực hiện (đường Láng - Hòa Lạc và đường ống nước sạch Sông Đà), không dưới 5 lần ông đã cảnh báo gay gắt với chủ đầu tư, đơn vị thiết kế, thi công dự án nước sạch về địa chất yếu.
"Bản chất của vấn đề là phải xử lý nền móng đường ống khi chạy qua nền đất yếu, nhưng nhà thầu thi công không làm. Hơn nữa, ống bằng loại vật liệu composite không chịu được lực tác động trực tiếp là lực uốn và biến dạng", ông Trung nhấn mạnh.
Hơn 3 ngày sau sự cố vỡ đường ống nước sạch, chiều 28/4, nhiều hộ dân ở khu vực quận Thanh Xuân phản ánh tới VnExpress về việc chưa có nước trở lại, nhiều ngày qua phải đi xin và mua nước sinh hoạt. Người dân ở khu chung cư Đại Thanh (Hà Đông) phải xếp hàng xuống bể chứa lấy nước. Dù chưa đầy một ngày sau sự cố, lãnh đạo Công ty nước sạch Sông Đà đã khẳng định khắc phục xong và cấp nước trở lại cho toàn bộ 70.000 hộ dân.
Thủ tướng vừa phê duyệt danh mục dự án Đầu tư phát triển hệ thống cấp nước đường Láng - Hòa Lạc phạm vi Hà Nội, chia 2 giai đoạn: Từ 2014 sẽ đầu tư đường ống DN300 đến DN800 với tổng chiều dài 53 km; xây dựng trạm tăng công xuất lên 30.000 m3/ngày đêm; xây dựng hệ thống phần mềm quản lý lưu lượng, áp lực của hệ thống cấp nước; đào tạo cán bộ quản lý hệ thống cấp nước. Từ 2017 đến 2019 sẽ đầu tư xây dựng đường ống DN30 đến DN1200 với tổng chiều dài gần 49 km và hệ thống ống phân phối có chiều dài trên 87 km... Cả hai giai đoạn có tổng đầu tư hơn 254 triệu USD. Mục tiêu của dự án là đảm bảo nhu cầu sử dụng nước sạch cho nhân dân khu vực trên địa bàn 36 xã, 1 thị trấn thuộc 3 huyện Hoài Đức, Thạch Thất, Quốc Oai và bổ sung nguồn nước sạch cho thị xã Sơn Tây theo Quy hoạch cấp nước thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. |
Bá Đô