Lễ khánh thành được chính quyền TP Hội An tổ chức nhân sự kiện giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản lần thứ 20. Buổi lễ có lãnh đạo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, Tổng cục Văn hóa Nhật Bản, Đại sứ đặc biệt Việt Nam - Nhật Bản, đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam.
Ông Phạm Phú Ngọc, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa Hội An, cho biết sau hơn 19 tháng trùng tu, hình dáng kiến trúc, cấu trúc, kết cấu Chùa Cầu được bảo tồn gần như nguyên vẹn. Công trình cũng được khắc phục các khiếm khuyết, gia tăng sự chắc chắn và nâng cấp hạ tầng, cảnh quan xung quanh.
Phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam Phan Thái Bình cho rằng Chùa Cầu sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn, mang lại nhiều giá trị văn hóa và kinh tế cho Hội An. "Cảm ơn các bạn Nhật Bản và các cơ quan đã quan tâm, tư vấn hiệu quả cho dự án", ông nói.
Chùa Cầu (Lai Viễn Kiều) được thương nhân Nhật Bản xây dựng từ cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17. Công trình bắc qua con lạch trong phố cổ Hội An, đảm nhiệm ba chức năng chính là cầu kết nối hai khu phố người Nhật và Hoa; nơi thực hành tín ngưỡng (thờ thần hộ mệnh Bắc Đế Trấn Vũ, vị thần lớn của Đạo giáo bảo vệ người dân khỏi tai ương) và nơi nghỉ ngơi vãn cảnh.
Sau hơn 400 năm, Chùa Cầu đã trải qua 7 lần trùng tu, gần nhất là năm 1986. Đến năm 2010, móng cầu bị lún, nứt; chùa và cầu tách rời; kèo cột mối mọt, mục nát có nguy cơ đổ sập. Trong khi đó, mỗi ngày cầu phải gánh hàng nghìn người dân và du khách qua lại. Chính quyền TP Hội An phải dùng gỗ chống đỡ và dây cáp để níu giữ các bộ phận của công trình.
Để cứu di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia Chùa Cầu, chính quyền TP Hội An quyết định trùng tu toàn diện. Cuối tháng 12/2022, Chùa Cầu được hạ giải (tháo dỡ toàn bộ).