Ngày 25/7 Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam khánh thành Dự án "Đầu tư nâng cấp trung tâm giám định ADN hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin", năng lực phân tích lên tới 4.000 hài cốt liệt sĩ/năm.
Trung tâm đặt mục tiêu trở thành đơn vị hạt nhân về công nghệ tách chiết và phân tích ADN/di truyền từ các mẫu xương lâu năm, hướng tới trở thành Trung tâm đào tạo nhân lực quốc tế trong giám định di truyền hình sự, di truyền cá thể.
Đặt tại Khu nghiên cứu và triển khai công nghệ Cổ Nhuế - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Trung tâm được đầu tư tổ hợp 10 phòng sạch với các chức năng xử lý mẫu hài cốt và mẫu thân nhân, phòng thí nghiệm phục vụ nghiên cứu và phát triển, khu vực lưu trữ mẫu, kiểm định/kiểm chuẩn, hệ thống server và văn phòng trên diện tích 750 m2. Tại đây còn có các thiết bị phục vụ cho công việc tách chiết ADN tự động, khuếch đại và kiểm định ADN, hệ thống giải trình tự ADN thế hệ mới.
Đầu năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án 150 "Xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin". Theo đề án này Viện Công nghệ sinh học cùng với Viện Pháp Y Quân đội (Bộ Quốc Phòng) và Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) được giao nhiệm vụ phân tích ADN để định danh cho các mẫu hài cốt liệt sĩ.
Từ năm 2000, Viện Công nghệ sinh học đã bắt đầu sử dụng ADN trong phân tích giám định hài cốt liệt sĩ ở quy mô khoảng 30 mẫu/năm. Sau thời gian thử nghiệm, các nhà nghiên cứu xác định mẫu răng, xương ống cho phép giám định tốt nhất vì liệt sĩ thường hy sinh lúc trẻ tuổi, răng còn tốt, trong đó răng nanh hầu như còn nguyên vẹn sau vài chục năm chôn cất. Các phần còn lại có thể dùng được trong điều kiện hài cốt còn tương đối mới. Đến nay có những mẫu răng của liệt sĩ hy sinh từ những năm 40, tức là qua 70 năm chôn cất vẫn dùng để giám định được.
Các nhà nghiên cứu cũng xác định, tách chiết ADN ty thể đối với tế bào xương, răng là cách duy nhất cho phép giám định gene hài cốt lâu năm của người Việt Nam, vì ADN ty thể mạch vòng, có hàng trăm bản trong mỗi tế bào và khá bền vững với thời gian. Hiện kỹ thuật để đảm bảo sự ổn định của ADN ty thể được tách chiết phục vụ nhân dòng và phân tích trình tự cũng được cải tiến.
Hiện Việt Nam còn khoảng 500.000 hài cốt liệt sĩ chưa được định danh, trong đó gần 300.000 hài cốt nằm rải rác ở các tỉnh phía Nam, Lào và Campuchia; khoảng 300.000 hài cốt liệt sĩ đã được quy tập và an táng tại các nghĩa trang liệt sĩ nhưng còn thiếu thông tin.
Qui trình giám định ADN hài cốt liệt sĩ để định danh các bộ hài cốt chưa biết tên:
- Thu nhận mẫu của hài cốt cần xác định danh tính;
- Thu nhận thông tin về liệt sĩ có thể có về liệt sỹ;
- Xây dựng cây phả hệ giả định theo lý thuyết;
- Thu nhận mẫu máu của nhân thân giả định;
- Tách chiết ADN của các mẫu hài cốt và mẫu máu;
- Nhân dòng ADN ty thể;
- Đọc trình tự nucleotide các đoạn ADN nhân bản được;
- Lưu giữ thông tin về trình tự nucleotide và so sánh bằng phần mềm chuyên dụng để xác định cây phả hệ;
- Kết luận về mối liên quan phả hệ. Trong trường hợp kết quả chưa thỏa đáng thì tiến hành phân tích thêm ADN nhân để có kết luận chính xác.
Đoàn Trung