Đường ống Khí đốt Liên Kết Ba Lan - Litva (GIPL) dài 508 km nối các nước Đông Bắc Âu với phần còn lại của Liên minh châu Âu. EU đã tài trợ phần lớn trong số 528 triệu USD chi phí xây dựng. Đây được cho là bước đi quan trọng của EU nhằm giảm phụ thuộc nguồn cung khí đốt từ Nga.
GIPL đã bắt đầu chuyển khí đốt từ ngày 1/5. Trong 5 tháng tới, đường ống có thể vận chuyển với công suất 1,9 tỷ m3 khí đốt mỗi năm từ Litva đến Ba Lan và 2 tỷ m3 khí đốt mỗi năm theo chiều ngược lại. Nhờ liên kết hiện có trong khu vực, Latvia, Estonia và Phần Lan cũng có thể tiếp cận đường ống này.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen ngày 4/5 nêu đề xuất từng bước cấm toàn bộ hoạt động nhập dầu từ Nga. Động thái này được cho là vấn đề quan trọng nhất trong gói trừng phạt thứ sáu của EU nhằm phản ứng trước chiến dịch quân sự của Moskva tại Ukraine. Hiện EU chưa đạt thống nhất về cấm nhập dầu Nga do một số quốc gia thành viên, vốn phụ thuộc lớn vào nguồn dầu từ Nga, không muốn tham gia lệnh cấm vận này.
Trường hợp được các nước thành viên đồng thuận, kế hoạch này sẽ là một trong những biện pháp "cứng rắn nhất" của EU nhằm vào lĩnh vực năng lượng của Nga.
Ngày 27/4, tập đoàn năng lượng Nga Gazprom đã ngừng cung cấp khí đốt cho các đối tác từ Bulgaria và Ba Lan. Động thái này có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt khí đốt không chỉ ở hai quốc gia trên mà có thể xảy ra trên toàn châu Âu.
Cùng ngày, Ba Lan tuyên bố sẵn sàng đoạn tuyệt với khí đốt Nga nếu cần thiết. Các quốc gia Baltic gồm Litva, Latvia và Estonia cũng thông báo ngừng nhập khẩu khí đốt của Nga kể từ 1/4 và sẽ sử dụng nguồn dự trữ khí đốt quốc gia thay thế.
Đức Trung (Theo AFP/Reuters)