Đường vắng tiếc thương
60 năm trước, khi còn là đứa trẻ lên 10 tôi cũng mơ ước cái áo mới, đôi giày mới. Nhưng lúc đó, với tôi, có thứ còn quan trọng hơn cái áo mới, đôi giày là lời nói dịu dàng của mẹ, là vòng tay âu yếm của mẹ, là một cái hôn lên trán, lên má. 60 năm qua, tôi vẫn là một kẻ mồ côi, tóc đã phai màu mà vẫn còn ôm ấp giấc mơ trẻ thơ tội nghiệp. Tôi đã có cả trăm cái áo mới, cả trăm đôi giày mới nhưng cảm giác chỉ thế thôi. Đó chỉ là những thứ mua được bằng tiền và ai mua cũng được. Khi ước mơ ở xa ta còn hoài vọng, nhưng chúng đến, có khi ta lại thấy thật bình thường. Có lần tôi ước sao có lúc một mình ăn nguyên một quả xoài. Đến khi có cơ hội có thể ăn nguyên cả một vườn xoài thì tôi không muốn ăn nữa. Có lẽ vì tôi có những mùa xuân tuổi thơ dài rất buồn nên tôi tập được cho mình sự nhẫn nại trước được và mất.
Nỗi buồn đó, nếu không đo bằng năm tháng, có lẽ sẽ dài hơn cả đời người. Tôi ở Mỹ mấy chục năm rồi, thấy người ta bảo nơi này cũng có Tết quê nhà. Ừ thì có Tết. Năm nào cũng có một lần. Một cặp bánh chưng, một đĩa trái cây, một bình hoa, một bó nhang để cả nhà mời ông bà cha mẹ về cùng hưởng.
Tôi chẳng hề biết hướng nào là Đông Tây Nam Bắc. Chồng bảo đi đâu tôi đi đó. Mỗi đêm giao thừa, chúng tôi xuất hành hái lộc rồi tự mình xông nhà mình. Vợ chồng ôm nhau, cái ôm nhẹ nhàng mỗi năm một lần, ăn một miếng bánh, rồi ai về phòng nấy. Hết Tết.
Từng giây phút, từng tháng ngày, tôi không còn cảm thấy có gì khác lạ trong khoảng thời gian người ta gọi là Tết vì mấy chục năm qua, chồng tôi là mùa xuân của tôi. Ngày đầu năm, tôi thường mở cửa, đội nón bước ra con đường quen thuộc trước nhà. Thường chồng tôi đi trước, tôi nối bước theo sau. Chúng tôi cũng đi bộ với nhau mỗi chiều. Trên con đường này, tôi đã lượm một trái quýt rụng mang về trồng chơi. Cây lớn dần, ra hoa rồi ra trái mà không phải là quýt mà hóa ra là bưởi. Nó ra đươc ba trái, tôi hỏi chồng: "Sao quýt em trồng mà nó lại ra bưởi. Chua quá anh ạ, lạ nhỉ!". Anh cười đáp: "Làm sao anh biết được, nhưng mà quýt hay bưởi thì cũng giống nhau, em trồng cây gì cũng ngon, để năm tới coi sao, nhưng nếu không thích thì chặt đi trồng cây khác". Lạ thật, trồng cây quýt lại ra cây bưởi. Tôi hỏi chuyện này ai cũng cười.
Năm vừa rồi, cái cây này ra được 19 trái, vị ngon. Lần đầu tiên tôi thấy chồng tôi ăn trái cây từ chính cây bưởi do tôi trồng. Tôi cứ lột sẵn từng múi, để trong tủ lạnh dành cho anh. Những trái bưởi mùa Tết vừa qua cũng là những trái bưởi cuối cùng chồng tôi ăn. Mỗi năm Tết, tôi cũng hay bắt anh chở đi chợ. Tôi không đòi đi coi quần áo đẹp hay giày dép, ví hay nữ trang, tôi chỉ thích đi vào chợ ngắm nhìn và cái gì cũng muốn mua. Anh đi theo sau cằn nhằn, cái gì cũng muốn mua sao lâu quá, mỏi chân quá. Tôi phản ứng: "Đi với vợ cứ cằn nhằn hoài, đi với đào có dám không?".
Nhớ lại những kỷ niệm về chồng thấy thật tội nghiệp anh. Hôm nay ngày đầu xuân, tôi đi một mình, cũng cái chợ này, cũng những hàng hóa chất đầy kệ, cũng thịt cá rau cỏ, mắt tôi cay xè, tôi đứng ngẩn ngơ rồi đi ra, tiếng cằn nhằn của anh đâu mất rồi nhỉ? Trời rất xanh, nắng vàng rực rỡ, tôi cúi đầu thật thấp và bước đi, con đường quen, cành vật bỗng dưng mờ đi. Tôi cúi xuống thấp hơn, thấp hơn nữa, tôi muốn tìm trên con đường này mơ ước của 60 năm trước hay tôi đang cố tìm lại, đang bắt đầu tìm lại cái ước mơ yêu dấu vừa ra khỏi tay tôi. Cúi xuống đi, cúi xuống thấp hơn nữa cho không ai nhìn thấy, một nỗi tiếc thương sẽ rồi lắng xuống lặng lẽ trên con đường đầy nắng.
Chỉ mới một hai năm nay thôi, chúng tôi, tôi và các bạn tôi mỗi đứa một nơi. Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui. Chúng tôi chúc Tết nhau từ các tiểu bang, từ châu Âu và sợi dây điện thoại thay cho vòng tay quen ở một nơi rất xa, mùa xuân vẫn cảm thấy ấm áp. Tôi đi hát xa luôn mang theo hơi thở của chồng, hương thơm da thịt thân quen gần gũi sáng trưa chiều tối, ngày nắng đêm mưa. Dù cách một cánh cửa đóng lại, cách một đại dương trùng điệp, anh luôn tràn ngập phủ lấy tôi mỗi khi mở mắt khi nhắm mắt.
Chỉ còn ít giờ nữa thôi, mọi người, mọi nhà đầm ấm bên nhau chờ đợi một ngày mới, một năm mới. Ngày hôm qua tôi đã biết. Ngày mai chỉ có Chúa Mẹ biết. Hôm nay nắng thật đẹp, cây đào năm nay thật là hư nở sớm lại còn ít hoa, mới đó đã thấy muốn tàn rồi.
Từ lâu rồi, với tôi, chỉ có 5 phút trước giờ giao thừa là đón Tết, 5 phút sau giờ giao thừa là hết Tết. Vài phút phù du ngắn ngủi báo hiệu đời người đã mất chứ không thêm được một tuổi. Còn vạn vật trôi dạt, nắng mưa, sông núi, ngày đêm... thì vẫn cứ thế. Đó là tại tôi cảm thấy tất cả vẫn thế. Điều thay đổi, mất còn chỉ là một khoảnh khắc, một chớp mắt, một tiếng thở dài.
Khánh Ly