- Chị là một trong số những người ở hải ngoại biết được tin nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua đời sớm nhất. Cảm giác của chị khi được tin ấy ra sao?
- Tôi không biết là trong trường hợp những người khác, cảm giác của họ khi nhận được tin một người thân vừa đi xa như thế nào. Nhưng lúc đó thì tôi như một người bị đông đá. Đầu óc tôi hoàn toàn trống rỗng và ngồi sững trên ghế cho đến khi nghe tiếng chồng tôi khóc. Lúc đó tôi mới tỉnh lại, tôi nói với nhà tôi: "Anh Sơn đi rồi!".
Sau đó, tôi được nói chuyện với anh Thích, em rể của anh Sơn, cũng ở thành phố này, để xác nhận tin đó là đúng hay chỉ là tin đồn. Tôi được xác nhận là đúng và chính anh Thích lúc đó cũng gần như rơi vào tình trạng như tôi. Có lẽ tôi là người đầu tiên liên lạc với anh Thích.
- Chị đã phải vào bệnh viện cấp cứu sau khi nghe tin đó. Vì sao vậy?
- Tôi ngã từ trên ghế xuống. Tôi cảm thấy tôi không thở được nữa, đó là sau khi đã liên lạc về Sài Gòn. Nhà tôi đưa tôi đi cấp cứu, nhưng nằm đến chiều thì tôi đòi về vì muốn ở nhà chờ tin ở quê nhà báo sang.
Lâu lắm rồi tôi mới có thể tin rằng, sự ra đi của anh Sơn là chuyện có thật. Cái mất mát, đau buồn thường thâm nhập vào tôi rất chậm, nhưng càng ngày tôi càng nhận thức được nỗi đau, nỗi khổ của mình là sự thật. Nó không phải là giấc mơ nữa.
Ca sĩ Khánh Ly. Ảnh: khanhly. |
- Cảm giác sau đó của chị thế nào?
- Tôi nghĩ là Trịnh Công Sơn đi xa đâu đó một vài giờ đồng hồ, một vài ngày như anh thường đi ra quán nghệ sĩ mỗi buổi sáng để gặp bạn bè. Dẫu rằng anh chỉ ra đó ngồi uống một ly trà rồi đi bộ về nhà.
Bây giờ tôi vẫn còn cái cảm giác là một lát nữa đây có thể anh sẽ trở về. Tại thành phố này, năm 1992 tôi được gặp anh. Cũng trong căn phòng này, chúng tôi đã quây quần với các em, các cháu, các bạn của anh.
Chúng tôi đã ngồi đây rất hạnh phúc trong khoảng mấy tháng trời. Và cũng có lúc anh đi ra ngoài quán cà phê ngồi để nhìn những người khách lạ đi qua lại. Bây giờ tôi cũng nghĩ rằng không có mặt anh ở đây chắc là anh đang còn ở một quán cà phê nào đó và sẽ trở về kịp bữa cơm tối nay.
- Chị đã gặp anh Sơn lần nào sau năm 1975?
- Lần đầu tiên tôi gặp Trịnh Công Sơn sau năm 1975 là vào năm 1988 tại Paris. Đến năm 1992 thì tại đây - Canada. Đến năm 1997, tôi về nước và tháng 5/2000, tôi về với phái đoàn Nhật để hát trong cuốn phim nói về một ký giả Nhật đã chết ở Việt Nam. Đoàn Nhật nói, khi tìm được xác người ký giả, trong túi anh ta vẫn còn một cuốn cassette nhạc Trịnh Công Sơn do tôi hát.
Trong suốt thời gian đó, sau những giờ làm việc với phái đoàn Nhật, tôi dành hết thì giờ nói chuyện với anh Sơn, ngồi với anh và một số bạn bè như Lan Ngọc, Hồng Vân, anh Nguyễn Ánh 9, anh Nguyễn Ngọc Thạch, thoáng gặp Cẩm Vân một lần. Đồng thời tôi cũng được gặp Bảo Phúc, chính Bảo Phúc tập nhạc cho tôi tại nhà của anh Sơn. Khi ấy, anh Sơn đã chỉ cho tôi hát bài Đồng dao 2000 và Tiến thoái lưỡng nan.
Tôi mơ ước không thức dậy nữa sau giấc ngủ
- Vậy lần cuối cùng chị gặp Trịnh Công Sơn là khi nào?
- Lần gặp đó cũng là lần cuối. Thật ra sau Tết nghe tin anh nhập viện, tôi có dự định về thăm anh. Nhưng rồi chính tôi không được khỏe nên đành hoãn lại. Đến khi tôi nghe anh Thích và chị Tâm từ Việt Nam về cho biết tình hình sức khoẻ anh Sơn đã khá, tôi cũng mừng và nghĩ rằng mình có thể thu xếp từ giờ đến cuối năm về thăm anh. Nhưng không ngờ chỉ mấy ngày sau, tôi được tin anh nhập viện.
- Có lần chị nói giữa chị và anh Sơn có một sự liên hệ lạ lùng. Sự liên hệ ấy là gì?
- Mối quan hệ giữa Trịnh Công Sơn với tôi kéo dài thời gian quá lâu, một sự gắn bó như định mệnh. Trịnh Công Sơn có thể có những giây phút không nhớ đến tôi, nhưng riêng tôi lúc nào cũng nhớ đến anh. Bởi như tôi đã nói, anh là một nửa đời sống của tôi. Và ngay khi nói những lời này, thực sự tôi không biết mình còn hát nổi nữa hay không. Điều mà tôi mơ ước nhất bây giờ là có thể tan biến khỏi cuộc đời này, hoặc tôi sẽ không thức dậy nữa sau một giấc ngủ. Như thế có lẽ tốt cho tôi hơn. Còn kỷ niệm, tôi xin phép được giữ riêng.
- Như chị nói Trịnh Công Sơn là nửa đời sống của chị, vậy đó là sự liên hệ về mặt tình cảm hay văn nghệ thuần tuý hoặc một liên hệ nào khác?
- Trịnh Công Sơn và tôi có một mối liên hệ cao hơn, đẹp đẽ, thánh thiện hơn là những tình cảm đời thường. Và vì tôi được gần anh Sơn nhiều nên tôi được anh cắt nghĩa rõ ràng những nhạc phẩm của anh. Tôi thấy rõ, hiểu rõ được con người anh cũng giống như tác phẩm của anh vậy. Vì thế theo cảm nhận của tôi, mối liên hệ tình cảm đó phải vượt lên trên tất cả những tình cảm đời thường. Bởi ở Trịnh Công Sơn, điều vĩ đại nhất, hơn cả những tác phẩm của anh, là nhân cách, nhân phẩm.
Anh là nhạc sĩ duy nhất sống trong đời sống này có tấm lòng không thù hận. Và phải hiểu những tác phẩm của anh mới có thể nói và yêu thương anh. Nếu không hiểu tác phẩm, thì tất cả điều nói về anh có thể sai, không đúng sự thật. Tôi không dám nói nhiều, nhưng tôi hy vọng trong cuốn sách sắp in tới đây của tôi sẽ kể lại rất thật thà tất cả mọi chuyện từ khởi đầu cho tới kết thúc về quan hệ tình cảm giữa anh Sơn và tôi. Còn hiện tại, tôi muốn được giữ riêng một số kỷ niệm rất riêng tư giữa hai người.
- Là người hiểu rõ những tác phẩm Trịnh Công Sơn, cũng là người đã trình bày rất nhiều nhạc phẩm của Trịnh. Vậy chị yêu thích nhạc phẩm nào nhất?
- Có nhiều người yêu những bản tình ca Trịnh Công Sơn. Tình ca ai viết cũng được, mỗi người viết theo cái cảm xúc của trái tim mình, nhưng trong những bản tình ca của Trịnh, ai cũng nhìn thấy mình ở trong đó, nhất là tôi. Tôi luôn luôn nhìn thấy tôi trong tất cả các bản tình ca của anh.
Trịnh Công Sơn và Khánh Ly. Ảnh: Gia Đình Xã Hội. |
Nhiều khi chúng tôi chỉ nói với nhau bằng mắt
- Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã sáng tác những nhạc phẩm nào dành riêng cho chị?
- Anh Sơn nói với tôi cùng tất cả anh em, đó là bài Rơi lệ ru người. Còn những ca khúc khác thì bằng cách này hay cách khác, chúng tôi có cách nói với nhau không ai biết, đó là nói không thành tiếng mà chỉ bằng mắt thôi.
- Riêng về con người Trịnh Công Sơn, chị có nhận xét gì?
- Trịnh Công Sơn là nhạc sĩ duy nhất chỉ sống cho người mà không sống cho mình. Cái anh quan tâm đến là gia đình, bạn bè, anh em, và trên hết là dân tộc, quê hương. Có nghĩa anh là người Việt Nam và anh yêu quê hương, yêu Tổ quốc.
Tôi nói với anh ấy rằng anh ở lại Việt Nam là điều đúng. Và anh đã ở lại, đã sống những tháng ngày sau năm 1975 bằng cả tấm lòng. Chính những điều đó khiến hình ảnh của anh lại càng trở nên vĩ đại, lớn lao hơn trong trái tim, suy nghĩ của tôi.
- Sau khi gặp Trịnh Công Sơn, nhạc sĩ đã giúp chị những gì để có được thành công, tên tuổi hôm nay?
- Nhờ anh, mọi người mới biết đến tôi, tôi mới được sự thương yêu, mới thành nhân và thành danh. Do đó, chẳng bao giờ tôi quên được lời anh dặn tôi phải ráng sống bằng tấm lòng, sống với mọi người bằng sự tử tế và làm những điều gì tốt đẹp nhất cho Việt Nam, quê hương mình.
- Chị đã luôn thực hành lời dặn này như thế nào?
- Dĩ nhiên là tôi luôn cố gắng trong khả năng. Tôi chưa bao giờ làm cho ai phải đau lòng và cũng chưa bao giờ phụ lòng tin của anh Sơn, cũng như anh Sơn không phụ lòng những người đã thương yêu anh ấy trong suốt mấy chục năm qua.
- Mọi người hay nói nếu không có Trịnh Công Sơn sẽ không có Khánh Ly. Chị nghĩ sao về nhận xét này?
- Tôi luôn luôn nói nếu không có Trịnh Công Sơn thì sẽ không có tôi. Không có anh ấy, có thể bây giờ tôi vẫn chỉ là cái bóng mờ nào đó, hoặc tôi sẽ có một đường đi chật hẹp hơn. Tôi luôn nghĩ mình may mắn đã có được sự giúp đỡ, an ủi, dạy bảo nâng đỡ của anh Sơn. Và tôi không bao giờ quên ơn nghĩa này.
(Theo Gia Đình Xã Hội)