"Bức ảnh của anh ấy thật dễ thương. Anh ấy có nhiều sở thích giống tôi và có vẻ là người cởi mở và chân thành". Rachel, người phụ nữ 50 tuổi đến từ Brownhills, West Midlands, nhớ lại người đàn ông quen qua mạng từ hồi tháng 1.
Covid-19 làm tê liệt nhiều hoạt động thường ngày của người châu Âu, trong đó có cả phụ nữ độc thân như Rachel, một quản lý văn phòng xuất khẩu. Tìm đến mục hẹn hò trên Facebook, ban đầu để "giết thời gian", Rachel dần bị cuốn sâu.
Gã đàn ông 50 tuổi đẹp mã hằng ngày gửi cho bà nhiều tin nhắn ngọt ngào và hứa hẹn về tương lai. Tất cả những gì Rachel biết được về người này, là sống ở Cannock thị trấn gần đó, cùng con gái và bà quản gia. Nhưng trước lời đề nghị hẹn gặp, hắn nói đầy tiếc nuối: "Anh đang ở nước ngoài, thực hiện dự án kỹ thuật ở Ukraine".
Sau thời gian ngắt quãng, gã liên lạc với cho bà, nói rằng luật pháp ở vùng đất mới đã thay đổi do đại dịch và giờ phải trả một khoản thuế lớn, trước khi có thể bắt đầu dự án.
"Công việc của anh sẽ dừng lại cho đến khi anh trả đủ", người đàn ông kể lể với Rachel, không quên thêm thắt rằng đã sử dụng quỹ hưu trí của mình, bán xe hơi và cầm cố các tài sản với các dịch vụ vay lãi nặng. Ông ta thậm chí còn gửi cho bà một bản sao từ kho bạc Ukraine, yêu cầu phải trả thuế 160.000 USD để được tiếp tục làm dự án trong dịch Covid 19 ở đất nước này.
"Tất cả trông rất hợp pháp", Rachel nghĩ, và đồng ý gửi cho hắn ta 45.000 bảng (khoảng 62.000 USD).
Nhưng mọi việc trở nên căng thẳng. "Người tình" tiếp tục liên lạc với bà nói rằng hai tên "côn đồ" từ công ty cho vay tiền đã đến nhà đòi tiền. Rachel liên tiếp nhận được những bức ảnh, trong đó, hắn bị trói chân tay, nhốt dưới tầng hầm. "Chúng sẽ không thả anh ra nếu anh không trả tiền. Chúng ta không thể gặp nhau nữa rồi", gã khóc lóc van vỉ qua tin nhắn.
Lần thứ hai, Rachel quyết định gửi tiền để cứu người tình quen qua mạng. "Khi anh ấy nói với tôi rằng cuộc sống của anh ấy đang gặp nguy hiểm và tôi không nghe tin từ anh ấy, tôi nghĩ anh ấy đã bị sát hại. Bạn có thể tưởng tượng cảm giác có trách nhiệm với một người sống hay chết không?". Nữ nạn nhân nhẹ dạ giải thích khi được hỏi tại sao lại gửi nhiều tiền như vậy cho một người mà bà không biết.
Song vụ lừa đảo không kết thúc ở đó, người đàn ông nói với bà rằng sau khi nhận được tiền họ đã thả anh ta ra, nhưng sẽ không trả lại hộ chiếu cho đến khi nhận tiền lãi. Và đó là lần thứ ba, bà "sa lưới".
Cuối tháng 3, người đàn ông báo tin sẽ bay trở lại London. Rachel đến sân bay Heathrow để gặp, nhưng chỉ nhận được email từ các quan chức sân bay nói rằng ông ta đã bị bắt.
"Toàn bộ là một trò lừa đảo", nhân viên hải quan trả lời bà. Bà không tin, cho đến khi bà tìm đến địa chỉ ngôi nhà hắn nói là của mình, để gặp bà quản gia và cô con gái vẫn nghe kể. Nhưng không có người nào như vậy.
"Chính tại thời điểm đó, tôi biết tất cả chỉ là dối trá", Rachel khóc nghẹn, nhận ra một thực tế tàn khốc. Hơn 157.000 USD, toàn bộ số tiền tiết kiệm cả cuộc đời, đã bị "người tình online" cuỗm sạch. Tài khoản Facebook của người đàn ông, hiện không còn tồn tại.
Tuyệt vọng vì bị lừa tiền, lừa tình, Rachel quyết định công khai "bài học" của mình trên trang cá nhân Facebook. "Hồ sơ hẹn hò trên Facebook dưới đây, tên Stephen Bario Hugo, sinh ngày 18/2/1966, là giả mạo. Tôi đang chia sẻ nó với tất cả các bạn, để bạn có thể chia sẻ nó, như một lời cảnh báo cho những người khác", Rachel viết, kèm bức ảnh gã người tình. Song chính người đàn ông trong ảnh rất có thể đã bị kẻ lừa đảo ăn cắp danh tính. Không ai biết chính xác hắn là ai.
Bà cũng tìm đến các công ty truyền thông địa phương để kể lại. Ngay khi thông tin được công khai, nhiều người đã chia sẻ những câu chuyện giống hệt Rachel. Họ đều là nạn nhân của bẫy hẹn hò online.
Phát ngôn viên của cảnh sát West Midlands nhận định: "Trường hợp của Rachel là một ví dụ xuất sắc về hành vi lừa đảo lãng mạn và cho thấy những kẻ lừa đảo này ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân nhiều như thế nào". Vụ án chứa đựng tất cả đặc điểm điển hình của một trò gian lận ái tình. Những trò lừa bịp này chủ yếu xảy ra trên ứng dụng hẹn hò hoặc phương tiện truyền thông xã hội, nơi kẻ lừa đảo sử dụng danh tính giả.
Theo Action Fraud, Trung tâm báo cáo gian lận quốc gia của Vương quốc Anh, loại lừa đảo này thường bắt đầu bằng thủ đoạn tạo tài khoản hoặc hồ sơ giả, trên mạng xã hội hoặc trang web hẹn hò, với mục đích lừa đảo hoặc lạm dụng ai đó. Bọn lừa đảo thường làm mọi cách để thuyết phục nạn nhân rằng giữa họ đang có mối quan hệ thực sự gắn bó, sau đó dụ mọi người gửi tiền cho chúng.
Cơ quan này cũng chỉ ra, tình trạng phong toả, hạn chế hoạt động do Covid- 19 đóng vai trò thúc đẩy những trò lừa bịp này gia tăng. "Khi người ta không tìm được niềm vui đời thực, xã hội ảo là nơi duy nhất có thể bấu víu, tìm sự an ủi. Những kẻ lừa đảo lợi dụng rất tốt yếu tố này", chuyên gia của Action Fraud phân tích.
Nạn nhân,do đó thường là những phụ nữ có tài sản, hoặc trung tuổi, độc thân, Rachel là một điển hình. Song không loại trừ nam giới. Tháng 2/2020, cảnh sát nước này cũng ghi nhận nạn nhân là của Thomas, người đàn ông 34 tuổi đến từ miền Tây nước Anh.
"Tonia và tôi có nhiều điểm chung đến mức chúng tôi nói chuyện hàng ngày trong suốt 7 tháng. Cô ấy xinh xắn, dễ mến và tốt bụng", nạn nhân nói về người "bạn gái" quen qua ứng dụng hẹn hò. Họ gắn kết với nhau bởi niềm đam mê du lịch và thú cưng.
Tonia nói với anh rằng cha mẹ cô đã qua đời và cô sống với bà ngoại bị ung thư đang sống ở Mỹ. Cô ta nói phải trả tiền ăn uống và tiền thuốc men đắt tiền nên đã xin tiền Thomas. Đổi lại, cô cho Thomas xem bằng chứng rằng cô sẽ nhận được khoản thừa kế lớn. Nhưng tất cả chỉ là trò giả dối.
"Bây giờ tôi nhìn lại và tôi không thể tin được rằng cô ta có thể lợi dụng tôi dễ dàng như thế nào". "Tôi đã đóng tài khoản trên mạng xã hội vì không muốn vướng vào một mối quan hệ khác như vậy. Tôi sẽ mất nhiều thời gian để hồi phục và tin tưởng một ai đó trở lại", Thomas nói, từ chối tiết lộ số tiền đã gửi cho người bạn gái chưa từng gặp mặt.
Katy Worobec, Giám đốc điều hành tội phạm kinh tế tại UK Finance, cho biết: "Những cuộc tình gian lận có thể gây tổn hại về mặt tình cảm và tài chính cho những người mắc phải nó. Sự phổ biến của các ứng dụng hẹn hò đã khiến bọn tội phạm trở thành con mồi của nạn nhân dễ dàng hơn".
Tại Anh, một cuộc khảo sát cho thấy 27% những người được phỏng vấn sử dụng các trang web hẹn hò từng là mục tiêu của một âm mưu lừa đảo. Số tiền mỗi người bị mất trung bình hơn 400 USD.
Riêng ở Mỹ, năm 2020, Ủy ban Thương mại nước này cũng báo cáo, thiệt hại được thống kê từ loại hình lừa đảo tình ái đạt mức kỷ lục, hơn 304 triệu USD song con số thực tế có thể lớn hơn.
Văn phòng Tình báo Gian lận Quốc gia của Vương quốc Anh cảnh báo, những kẻ lừa đảo phân tích hồ sơ mục tiêu của chúng để thu thập thông tin về lối sống và tình hình tài chính của họ. Cơ quan này cũng khuyên người dùng mạng xã hội và các ứng dụng hẹn hò online, không bao giờ gửi tiền cho người lạ và suy nghĩ nhiều hơn một lần khi công bố thông tin cá nhân. Điều này có thể bị lợi dụng để thao túng người dùng.
Hải Thư (Theo BBC, Dailymail, Birminghammail)