Ngày 8/5, UBND Khánh Hòa có văn bản gửi các sở, ngành ngưng chuyển đổi mục đích sử dụng đất; tách thửa, chuyển quyền sử dụng đất ở huyện Vạn Ninh trong thời gian chờ Quốc hội thông qua Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Phong.
Động thái này nhằm siết chặt công tác quản lý đất đai và làm rõ một số thông tin về việc sốt giá tại địa phương trong thời gian qua.
Điểm giao dịch bất động sản tại trung tâm huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa. Ảnh: An Phước. |
Chủ tịch tỉnh Lê Đức Vinh yêu cầu Giám đốc Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên cho đoàn đến Vạn Ninh kiểm tra việc quản lý đất. Việc mua bán, giao dịch chuyển nhượng không đúng quy định, xây trái phép trên đất nền, đổ đất san nền, cần xử lý, thậm chí cưỡng chế.
"Cần làm rõ trách nhiệm, tổ chức liên quan đến việc buông lỏng quản lý đất đai ở một số địa bàn, nhất là Vân Phong", Chủ tịch tỉnh nhấn mạnh.
Thời gian qua, trước thông tin Vân Phong thành đặc khu kinh tế, hàng loạt biển hiệu quảng cáo, áp phích rao bán đất, dịch vụ tư vấn, môi giới bất động sản mọc lên tại trung tâm huyện Vạn Ninh. Những nơi này, luôn có vài người túc trực để sẵn sàng chào bán, giới thiệu cho khách về các lô đất cần bán.
Dọc đường biển gần cầu cảng thị trấn Vạn Giã, đường Trần Hưng Đạo, giá đất được rao bán gần 100 triệu một m2. Trong khi, trước đó đất ở đây chỉ vài chục triệu mỗi mét.
Nhiều hecta đất tại các xã Vạn Thạnh, Vạn Hưng, Vạn Thọ... bị đào bới, san lấp. Cây cối bị chặt hạ, hay đốt bỏ còn lại những đồi trọc để có mặt bằng phục vụ việc mua bán bất động sản. Ngoài ra, khoảng 14 hecta đất trồng cây tại tám khu vực quanh đảo thuộc xã Vạn Thạnh bị phá hủy, trong đó có 6 trường hợp vi phạm, bị xử phạt hành chính.
Theo huyện Vạn Ninh, giá đất được đẩy lên rất cao; việc sang nhượng nhộn nhịp. Trong ba tháng đầu năm, địa phương đã tiếp nhận và giải quyết hơn 2.260 hồ sơ về đất đai.
Mới đây, Bộ Xây dựng ký công văn gửi ba tỉnh Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang - ba địa phương có khu vực (Vân Đồn, Vân Phong, Phú Quốc) được kỳ vọng trở thành đặc khu kinh tế, kiểm soát tình hình giá đất nền tăng mạnh trong thời gian ngắn.
Bộ yêu cầu ba tỉnh kiểm tra, làm rõ nguyên nhân gây biến động thị trường đất; đồng thời thanh tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về đất, kinh doanh bất động sản...; có biện pháp ổn định thị trường bất động sản, ngăn chặn hiện tượng đầu cơ. Các địa phương báo kết quả thực hiện gửi về Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản trước ngày 7/5.
Khánh Hòa là tỉnh thứ ba, sau Quảng Ninh, Kiên Giang có văn bản chỉ đạo dừng giao dịch chuyển nhượng đất tại các địa phương kỳ vọng thành đặc khu kinh tế.
An Phước