Theo lãnh đạo Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam VPF, chiều 20/8 đại diện CLB Khánh Hòa đã gọi điện thông báo tham dự giải hạng Nhất mùa này. Đội bóng phố biển sẽ sớm gửi xác nhận bằng văn bản.
Mùa trước, nhà tài trợ rút lui khiến Khánh Hòa chìm vào nợ nần, dẫn đến việc cầu thủ nhiều lần đình công. Họ sau đó cố gắng thi đấu tại V-League, nhưng vẫn xuống hạng do chỉ có 11 điểm sau 26 vòng. Kết thúc mùa giải, Khánh Hoà còn dính án phạt cấm mua và mượn cầu thủ do nợ tiền đền bù khi thanh lý hợp đồng với ngoại binh Mamadou Guirassy.
Khánh Hòa chậm đăng ký dự giải, khiến người hâm mộ lo lắng họ có thể giải thể. Việc bốc thăm, chia lịch đấu của giải hạng Nhất cũng bị hoãn lại.
Trước Khánh Hòa, hai đội bóng khác là Long An và Phú Nhuận đã thông báo bỏ giải, trong khi Đồng Nai đến hôm nay cũng mới xác nhận tiếp tục tham dự.
Như vậy, giải hạng Nhất 2024-2025 còn 10 đội, sẽ tiếp tục giữ thể thức thi đấu vòng tròn hai lượt, sân nhà và sân khách, cũng như số suất thăng và xuống hạng. Trước đó VPF đã phải chuẩn bị phương án thay đổi thể thức nếu Khánh Hòa và Đồng Nai bỏ giải.
Đầu năm 2024, VPF từng trình bày trước Liên đoàn bóng đá Việt Nam về kế hoạch tăng số lượng ở giải hạng Nhất lên 14 đội từ mùa 2024-2025. Tuy nhiên, khi kế hoạch chưa đi vào hiện thực đã có hai CLB bỏ giải.
"VPF cũng muốn tăng số lượng CLB để tăng sức cạnh tranh, giúp giải hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, khó khăn kinh tế khiến các doanh nghiệp không thể tài trợ", một lãnh đạo VPF chia sẻ với VnExpress. "Khi đội bị trả lại Sở thì cũng khó tồn tại vì quy định không thể dùng ngân sách nhà nước để nuôi bóng đá chuyên nghiệp. Đây thực sự là bài toán khó".
Theo vị này, năm 2020, VFF từng quy định về số lượng đội bóng tham dự các giải bóng đá quốc gia giai đoạn 2021-2023. Theo đó, ba giải đấu cao nhất là V-League, hạng Nhất và hạng Nhì đều có 14 đội. VFF hy vọng việc này có thể xóa bỏ nghịch lý phát triển theo kiểu "kim tự tháp ngược", tức to ở trên và bé ở dưới.
Tuy nhiên, gần như chỉ có V-League duy trì được tính ổn định. Còn giải hạng Nhất lúc có 14 đội (2012) nhưng cũng có thời điểm chỉ còn tám (giai đoạn 2013-2015). Đến 2016, giải tăng lên 10 đội, nhưng một năm sau lại chỉ còn bảy. Tương tự là giải hạng Nhì.
Vấn đề chủ yếu là do tài chính. Hiện tại các tỉnh vẫn có ngân sách cho bóng đá, nhưng dùng để đào tạo trẻ. Các đội một, thi đấu chuyên nghiệp, được vận hành bởi công ty cổ phần.
Lâm Thỏa