Theo đó, lãnh đạo địa phương khoanh vùng dịch là phường Phước Hòa, TP Nha Trang, nơi bệnh nhân đang sinh sống. Giám đốc Sở Y tế, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố được chỉ đạo thực hiện ngay những biện pháp phòng chống dịch bệnh do virus Zika.
Chủ tịch UBND Khánh Hòa Lê Đức Vinh cho biết ngoài quyết định công bố dịch Zika cấp phường, tỉnh chỉ đạo phun thuốc diệt bọ gậy, muỗi ở những điểm nghi ngờ có ổ dịch và trên diện rộng. Hai máy phun bằng ôtô, 15 máy phun tay, mỗi đội 15 máy với 250 lít hóa chất của tỉnh được đưa vào hoạt động hết công suất.
Bệnh nhân 67 tuổi trú phường Phước Hòa, là một trong 2 ca nhiễm virus Zika đầu tiên tại Việt Nam được Bộ Y tế công bố sáng 5/4. Bà phát bệnh ngày 26/3 với triệu chứng chân đau nhức, chóng mặt, sốt 38,5 độ, tự uống thuốc hạ sốt tại nhà nhưng không bớt. Hai hôm sau bà nổi ban ở hai chân được con gái đưa tới Bệnh viện Nhiệt đới Khánh Hòa khám vì nghi bị sốt xuất huyết và nhập viện điều trị bệnh tình thuyên giảm, tới ngày 4/4 thì được xuất viện. Trước kết luận nhiễm virus Zika, bà không biết nguyên nhân vì sao mắc bệnh.
Người phụ nữ này có tiền sử bệnh tăng huyết áp nhưng được điều trị ổn định. Thường ngày bà ít rời địa phương, chỉ loanh quanh trong nhà rồi đến chùa Linh Khứu trong khu vực. Những thành viên trong gia đình sức khỏe hiện tốt, không có biểu hiện bất thường.
Làm việc với UBND tỉnh Khánh Hòa chiều 5/4, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết con đường lây truyền virus Zika trên nữ bệnh nhân là qua đường muỗi đốt, tuy nhiên lây tại đâu chưa rõ. Kiểm tra ngôi chùa nơi người phụ nữ thường đến tụng kinh, dọn dẹp, lực lượng y tế dự phòng phát hiện có nhiều muỗi ở trong các bình cắm hoa. Đoàn công tác đã lấy mẫu muỗi tại chùa và khu vực dân cư xung quanh nơi ở của bệnh nhân để kiểm tra, xét nghiệm, sau đó khử trùng, phun thuốc diệt bọ gậy.
Viện Pasteur Nha Trang cũng tiếp tục lấy mẫu máu của 6 người trong gia đình bệnh nhân để xét nghiệm virus Zika.
Thứ trưởng Long nhìn nhận, Khánh Hòa là điểm du lịch rất đông du khách trong và ngoài nước nên sắp tới có khả năng xuất hiện nhiều trường hợp nhiễm Zika. Do vậy, Bộ Y tế đề nghị tỉnh Khánh Hòa nâng mức độ cảnh báo dịch Zika và phải quy trách nhiệm cho người đứng đầu từng đơn vị hành chính cấp thôn, xã để cùng vào cuộc chống dịch. Bộ Y tế cũng sẽ tăng cường các cơ quan giám sát dịch Zika đối với nơi có dịch và có nguy cơ.
Trong một động thái khác, Viện Pasteur có công văn gửi các tỉnh miền Trung lấy mẫu bệnh nhân có triệu chứng nhẹ để xét nghiệm. Khu vực miền Trung được đánh giá là có nhiều điểm du lịch nổi tiếng nên cần thiết lấy thêm sinh phẩm, ưu tiên nơi có nguy cơ cao để phục vụ xét nghiệm.
"Tuyên truyền là cần thiết nhưng không để người dân hoang mang, không ảnh hưởng tới du lịch, không hạn chế đi lại. Người dân vẫn có thể đi du lịch, làm ăn bình thường; chỉ có phụ nữ mang thai 3 tháng đầu, phụ nữ dự định mang thai cần cân nhắc khi đi đến vùng có dịch", Thứ trưởng Long nói.
Virus Zika bị cho là nguyên nhân gây bệnh đầu nhỏ khiến trẻ sinh ra có phần đầu dị thường, não phát triển lệch lạc hoặc không phát triển dẫn khuyết tật về trí tuệ, vận động và ngôn ngữ. Virus Zika truyền qua muỗi, có thể lây qua đường máu giữa người với người song không phổ biến; truyền từ mẹ sang con khi sinh nhưng không lây qua sữa mẹ. Một số nghiên cứu cũng cho thấy bệnh còn lây qua quan hệ tình dục và đàn ông cũng có thể mắc bệnh.
Sáng 5/4, Bộ Y tế công bố 2 ca nhiễm virus Zika đầu tiên tại Việt Nam. Bệnh nhân là một phụ nữ 67 tuổi ở Khánh Hòa và một thai phụ 33 tuổi sống tại TP HCM. Người bệnh mang thai phát hiện nhiễm virus khi ở tuần thai thứ 8. Hiện sức khỏe hai bệnh nhân đều tốt, không phải cách ly. Thai phụ vẫn đi làm bình thường ở một cao ốc văn phòng có hơn 1.000 nhân viên. |
>> Xem thêm <<
Dấu hiệu nhận biết cơ thể mắc bệnh Zika
Những điều cần biết về virus Zika gây bệnh đầu nhỏ
Bệnh đầu nhỏ do virus Zika là gì
Xuân Ngọc - Nam Phương