Đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Medlatec trong tình trạng tiểu buốt dắt 20 ngày, không tiểu ra máu, không đau lưng hông, bà được chỉ định làm các xét nghiệm cận lâm sàng. Kết quả, bà bị viêm bàng quang do vi khuẩn E.coli đa kháng, lý do bà tự ý điều trị bằng kháng sinh dẫn đến hiện tượng kháng kháng sinh.
Bác sĩ Hồ Mạnh Linh, Chuyên khoa Thận tiết niệu, cho biết trường hợp của bệnh nhân này nếu để lâu có thể dẫn đến nhiễm trùng thận, suy thận nên được chỉ định nhập viện điều trị kháng sinh tĩnh mạch theo kháng sinh đồ. May mắn, sau hai ngày điều trị nội trú, bệnh nhân hết tiểu tiện buốt dắt và xuất viện sau 7 ngày điều trị.
Bà Dung là một trong nhiều trường hợp tự ý mua kháng sinh điều trị dẫn đến kháng kháng sinh phải nhập viện. Việc này tạo cơ hội cho vi khuẩn kháng thuốc dẫn đến hậu quả khôn lường là không có thuốc điều trị đặc hiệu, khiến bệnh lâu khỏi, thậm chí tử vong.
E.coli là một trong nhiều loại vi khuẩn gram âm đường ruột kháng kháng sinh tại Việt Nam. Đây cũng là một trong những nhóm siêu vi khuẩn kháng tất cả các loại kháng sinh ở mức báo động hiện nay trên thế giới.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa Việt Nam vào nhóm các nước có tỷ lệ kháng kháng sinh cao nhất thế giới. Trong khi nhiều quốc gia phát triển sử dụng kháng sinh thế hệ một vẫn hiệu quả thì Việt Nam đã phải dùng tới kháng sinh thế hệ 3 và 4. Tình trạng kháng kháng sinh bắt nguồn từ thói quen mua thuốc không cần đơn của người dân. Thậm chí các bác sĩ cũng sử dụng kháng sinh không hợp lý.
Theo bác sĩ Linh, viêm bàng quang cấp là bệnh rất dễ gặp ở mọi lứa tuổi, hay gặp cả nam giới và nữ giới, nhưng phổ biến ở phụ nữ, chiếm khoảng 95% và có thể mắc tái đi tái lại nhiều lần. Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do vi khuẩn E.coli, đặc biệt ở phụ nữ do cấu tạo của niệu đạo ngắn, lại gần hậu môn nếu vệ sinh không đúng cách, vi khuẩn xâm nhập niệu đạo, đi ngược lên bàng quang gây viêm cấp tính.
"Bệnh nhân Dung nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, đúng cách, bệnh sẽ chuyển thành viêm bàng quang mạn tính. Nếu bệnh không được điều trị dứt điểm có thể dẫn đến viêm ngược dòng lên thận, gây viêm thận (viêm bể thận), xấu nhất là gây suy thận", bác sĩ Linh nói.
Bệnh viêm bàng quang cấp cũng có thể gây nhiễm trùng huyết. Đây là một tình trạng rất nguy hiểm nếu không được phát hiện sớm sẽ dẫn đến biến chứng suy thận, làm giảm chất lượng cuộc sống và tuổi thọ của bệnh nhân.
Nhiễm khuẩn đường hô hấp trên và nhiễm khuẩn đường tiết niệu thấp (viêm bàng quang ở nữ giới) là hai tình trạng nhiễm khuẩn cộng đồng dễ bị lạm dụng kháng sinh nhất hiện nay. Để giảm gánh nặng về tình trạng kháng thuốc, người dân cần tự ý thức được việc sử dụng kháng sinh hợp lý, chỉ khi được bác sĩ kê đơn mới dùng kháng sinh theo đúng liều lượng đã hướng dẫn. Nhân viên y tế cũng cần chỉ định kháng sinh hợp lý.