Chị Thiện (phường 25, Bình Thạnh) cho biết, từ 9h sáng 26/7 l loay hoay tìm tài xế để giao thùng hàng thực phẩm gia đình gửi từ quê mà không được. Chị đoán thùng hàng ở một nhà xe thuộc quận Tân Phú, khác quận nên shipper ngại nhận giao. Sau gần hai tiếng tìm tài xế trên khắp các ứng dụng Grab, Gojek, be, AhaMove..., chị mới tìm được người nhận đơn.
"Tôi phải chủ động gọi cho tài xế khẳng định đó là thực phẩm, chú ấy mới dám chở về", chị kể.
Đa phần các đơn hàng không tìm được shipper là do địa chỉ giao - nhận khác quận, không phải hàng thiết yếu. Các tài xế đều ý thức đây là những trường hợp bị phạt tiền nếu gặp lực lượng chức năng kiểm dịch. Ngoài ra, nhiều tài xế chủ động tạm ngưng công việc cũng khiến tình trạng thiếu shipper diễn ra tại TP HCM sáng nay.
Trên nhiều nhóm cộng đồng tài xế giao hàng (shipper) tại TP HCM, nhiều thành viên là shipper cũng nói sẽ cân nhắc tạm nghỉ để vừa bảo đảm sức khỏe cho bản thân, vừa tránh bị phạt.
Anh Phú, shipper chuyên nhận chuyến khu vực TP Thủ Đức, đã ngưng việc để phòng dịch. Anh cho rằng, nếu ai không gặp khó khăn tài chính, có thể cân nhắc ở yên trong nhà. Bản thân Phú và một số đồng nghiệp rất e ngại khi số ca lây nhiễm tại TP HCM luôn đạt ngưỡng hàng nghìn suốt nhiều ngày qua.
Hoàng, nhân viên giao hàng khác ở Gò Vấp cũng vừa xin nghỉ công việc giao hàng vì tin rằng, nếu các hoạt động bị siết chặt vì dịch, lượng đơn hàng để giao cũng sẽ giảm.
"Tối qua, tôi và 5 người bạn đồng nghiệp cũng đã xin nghỉ. Nếu hết tháng này mọi việc suôn sẻ chúng tôi mới quay trở lại làm việc. Ngược lại, nếu dịch quá căng chúng tôi sẽ nghỉ để về quê", Hoàng nói.
Vì lượng shipper ngày càng giảm, nhiều siêu thị cho biết hoạt động giao hàng sáng nay vô cùng khó khăn.
Đại diện AEON kể, sáng 26/7, sau khi thành phố siết chặt Chỉ thị 16, các con đường đến siêu thị AEON Tân Phú đa phần đều bị chặn, chỉ còn 2 chốt tại khu vực Lê Trọng Tấn rẽ vào Bờ Bao Tân Thắng hoặc tại điểm giao đường Bình Long. Do đó, họ rất khó đặt shipper giao các đơn online. Trong khi đó, các shipper của siêu thị hôm qua và sáng nay không thể giao hàng ra khỏi quận Tân Phú. "Đơn vị giao hàng thì quá tải, nhiều đơn hàng online soạn xong nhưng không có shipper", vị này nói.
Đại diện Saigon Co.op cũng thông tin nhiều nhân viên giao hàng sợ bị phạt nên không dám giao hàng trong sáng nay cho họ.
Về phía Central Retail, các hệ thống GO!, Topsmarket, Big C vẫn nhận đơn hàng online. Tuy nhiên khi số lượng đơn đặt quá nhiều đã ngưng nhận đơn mới để giải quyết.
Đại diện đơn vị thực hiện giao hàng cho AEON Mall Tân Phú cũng thừa nhận hệ thống của họ đang bị quá tải. Mặt khác, các tài xế phải kiểm tra kỹ địa điểm giao hàng để tránh bị phạt và mất nhiều thời gian khi ra vào vùng dịch. Với những đơn có địa chỉ giao ở vùng đỏ và vàng, tài xế có xu hướng từ chối để đảm bảo phòng dịch. Đội ngũ shipper của đơn vị này đang ưu tiên các vùng ít nguy cơ hơn.
Từ ngày 7/7, sức mua trên các kênh online của AEON tại TP HCM tăng đột biến. Riêng AEON Tân Phú, số đơn đặt hàng mới qua kênh điện thoại và nhắn tin trung bình mỗi ngày tăng gấp năm lần giai đoạn trước ngày 7/7. Việc này lại vô tình tạo áp lực lớn cho các đối tác giao nhận.
Đại diện một doanh nghiệp vận tải công nghệ cho biết, trong thời kỳ các chỉ thị được tăng cường, việc vận hành hệ thống kho trung chuyển, bưu cục trải khắp địa bàn TP HCM và các tỉnh, thành khác gặp thách thức lớn. Nhiều địa phương, tuyến giao bị cắt vì nằm ở khu phong tỏa. Doanh nghiệp này phải "căng não" đảm bảo an toàn tại kho trung chuyển hàng hóa, vốn là trái tim trong hệ thống.
Để giảm áp lực, một vài hệ thống siêu thị cũng đang lên kế hoạch cho việc lưu thông hàng hóa mới. Trong đó, AEON Việt Nam từ ngày mai sẽ phối hợp với Sở Công Thương TP HCM và UBND các quận để triển khai ít nhất 8 nhiều điểm bán hàng lưu động tại một số quận.
Bên cạnh đó, các siêu thị có thể phối hợp với các địa phương để cho khách hàng đặt hàng trước, siêu thị giao tập trung cho đại diện chính quyền tại mỗi khu vực dân cư để phân bổ cho người dân.
Theo hướng dẫn mới của UBND TP HCM, shipper vận chuyển hàng hoá thiết yếu và đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch sẽ được hoạt động. Nhưng mỗi shipper chỉ được hoạt động trên 1 quận, huyện và thành phố Thủ Đức. Ngoài ra, các cđơn vị cung ứng dịch vụ phải rà soát đội ngũ để giảm 10% số lượng.
Ngoài các giải pháp hiện nay như thông qua đồng phục, thùng hàng, logo doanh nghiệp, giấy chứng nhận thông hành, ứng dụng quản lý đơn hàng..., các đơn vị phải làm ngay bảng tên bằng thẻ cứng có hình và xác nhận của công ty cho từng shipper, nhận diện shipper bằng QR Code. Đồng thời, nhân viên giao hàng phải đeo băng tay nền xanh đậm, in chữ "Shipper" màu trắng. Ngoài ra, các shipper sẽ cần được xét nghiệm nhanh định kỳ (khuyến khích 7 ngày một lần).
Các đơn vị không quản lý shipper bằng ứng dụng công nghệ (như nhân viên giao hàng của siêu thị...) cũng phải thực hiện các yêu cầu trên và tập hợp danh sách gửi Sở Công Thương xác nhận.
Thi Hà - Tất Đạt