![]() |
Hồ Gươm - Điểm du lịch hấp dẫn của Hà Nội. Ảnh: Anh Tuấn |
TP HCM là địa phương thu hút nhiều khách Nhật nhưng chỉ 21/413 hướng dẫn viên biết ngoại ngữ này. Công ty Điều hành hướng dẫn du lịch (Vinatour) chỉ có 6 hướng dẫn viên du lịch tiếng Nhật, còn đâu là cộng tác viên. Phó phòng Thị trường Nguyễn Thanh Bình cho VnExpress biết có tháng cao điểm, các công ty tranh nhau cộng tác viên.
Ngoài Hà Nội, tình hình không sáng sủa hơn. Phó giám đốc Công ty Đầu tư, du lịch và xuất nhập khẩu Hồ Gươm Hoàng Thị Bình cho biết: "Đội ngũ hướng dẫn viên tiếng Nhật của chúng tôi chủ yếu ở lứa U40, nhưng không thạo nghề. Công ty chưa biết tìm nguồn bổ sung ở đâu nếu lượng khách gia tăng". Theo Tổng cục Du lịch, Nhật Bản đang là thị trường tiềm năng, khách du lịch sang Việt Nam trong thời gian tới có thể tăng gần gấp đôi - đạt nửa triệu người.
Hiện nay, nguồn cung cấp hướng dẫn viên cho các công ty lữ hành chủ yếu từ các trường ngoại ngữ và du lịch. Tuy nhiên, các trường du lịch mới chỉ chú trọng đào tạo tiếng Anh, Pháp. Còn các trường ngoại ngữ thì tỷ lệ chỉ tiêu đào tạo tiếng Nhật cũng hạn chế. Như ĐH Ngoại ngữ, ĐH Ngoại thương Hà Nội, số sinh viên khoa tiếng Nhật chỉ bằng 1/3 số sinh viên các khoa khác, và chỉ số ít các em chấp nhận làm hướng dẫn viên du lịch. Cô Nguyễn Thị Vân, Phó chủ nhiệm Khoa Đông phương, ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội, cho VnExpress biết: "Hàng năm, khoa đào tạo 20-30 sinh viên tiếng Nhật. Phần lớn các em làm việc cho các công ty liên doanh, tổ chức nước ngoài".
Thời gian qua, trung tâm Tokyo-Asean đã phối hợp với ngành du lịch để đào tạo tiếng Nhật cho hướng dẫn viên. Tuy nhiên, số học viên qua các lớp đào tạo này vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu. Theo Giám đốc Sở Du lịch TP HCM Nguyễn Thị Lập Quốc, để giải quyết tình trạng khan hiếm này, các cơ sở đào tạo hướng dẫn viên du lịch nên định hướng cho sinh viên học thêm tiếng Nhật.
Việt Anh