50 Shades Darker (50 sắc thái đen) ra rạp Việt từ hôm 11/2, sau một ngày bị hoãn chiếu khi Hội đồng thẩm định phim truyện (Bộ Thể thao, Văn hóa và Du lịch) yêu cầu cắt bớt cảnh nhạy cảm.
Chuyên trang IMDb cho hay phim gốc dài 118 phút, dán nhãn R (hạn chế khán giả dưới 17 tuổi). Bản phim chiếu rạp Việt dài 111 phút, gồm cả thời lượng cho credit cuối tác phẩm (những dòng chữ vinh danh êkíp thực hiện), và được dán nhãn 18+.
Tác phẩm còn sáu phân đoạn tình tứ nhưng cả sáu đều đã được cắt bớt khoảng 1/4 thời lượng. Một trích đoạn tình tứ được chuyển cảnh ngay sau khi hai nhân vật vừa chạm vào người nhau. Ở phân đoạn khác, hai nhân vật chính đang ôm hôn nhau bỗng chuyển cảnh sang trời sáng và họ đã ngủ dậy. Cảnh mô phỏng việc chăn gối chiếu 10 giây rồi chuyển phân đoạn. Cảnh được mong chờ nhất - hai nhân vật "vui vẻ" trong Căn phòng màu đỏ - bị cắt nhiều nhất...
Anh Nguyễn Thành Nam (24 tuổi, đường Nguyễn Chí Thanh, phường 5, Quận 10, TP HCM) chia sẻ: "Khi xem phim, tôi không thấy thư giãn mà vừa xem vừa tức. Phim này gây chú ý ở cách nhân vật phô bày vẻ đẹp cơ thể và tham gia trò chơi tình ái. Tuy nhiên, những cảnh được kỳ vọng gây phấn khích đều bị kiểm duyệt. Phim chỉ còn các chi tiết nhân vật nữ chính hở ngực đi qua đi lại trong phòng, còn nam chính để lộ cơ thể phía sau".
Nhà biên kịch Trịnh Thu Thủy nhận định: "Về cơ bản, những cảnh cắt trong phim không gây ảnh hưởng tới nội dung cốt truyện nhưng làm tuột cảm xúc người thưởng thức. Nhiều trường đoạn bị vấp bởi các cảnh phim nóng bỏng đã bị cắt bỏ thô thiển, phá đi nhịp phim và không gian lãng mạn. Có cảnh tình tứ trở nên giả tạo bởi không đủ thời lượng cần thiết để mô tả các hành vi âu yếm giữa hai nhân vật".
50 sắc thái đen không phải phim 18+ đầu tiên bị cắt bớt thời lượng từ sau khi Việt Nam áp dụng thông tư mới về dán nhãn phim ra rạp Việt từ ngày 1/1. Tuy nhiên, đây là tác phẩm bị cắt nhiều nhất ở rạp Việt từ đầu năm 2017 tới nay. Hồi 2015, phần một của phim từng khiến người xem rạp Việt tranh luận bởi tác phẩm mang nhãn C16 "sạch" tới nỗi không còn cảnh tình tứ nào.
Đạo diễn Vũ Xuân Hưng, chủ tịch Hội đồng thẩm định phim truyện (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch), khẳng định: “Không phải khi đã phân loại phim theo lứa tuổi thì các cảnh bạo lực hay tình dục được phổ biến rộng rãi hơn trước. Thông tư mới chỉ là để phân loại tác phẩm và khán giả hợp lý hơn. Việc phân loại cho phim theo lứa tuổi vẫn phải chịu sự tác động của các điều luật cấm trong hoạt động điện ảnh".
Một chuyên viên phát hành phim chia sẻ quy trình xin giấy phép kiểm duyệt ở Việt Nam bắt đầu bằng việc hãng phát hành gửi bản phim đầu tiên đến Ban kiểm duyệt của Cục điện ảnh. Sau đó, các thành viên của ban kiểm duyệt xem, trao đổi, rồi tư vấn ngược lại cho hãng phát hành cảnh nào cần cắt, cảnh nào không trước khi dán nhãn cho tác phẩm ở mức P, C13, C16 hay C18. Điều này đồng nghĩa, phim 18+ ra rạp Việt vẫn bị cắt bớt nếu tác phẩm chứa những cảnh nhạy cảm liên quan tới tình dục hoặc bạo lực quá đà.
Điều 11 của luật Điện ảnh cấm các hình ảnh, âm thanh, lời thoại, chữ viết mang tính khiêu dâm, đồi trụy, loạn dâm, loạn luân trái với thuần phong mỹ tục. Đồng thời, điều chín của "Nghị định 54 quy định chi tiết thi hành một số điều của luật Điện ảnh và luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Điện ảnh" cấm tuyên truyền, kích động bạo lực, lối sống dâm ô, đồi trụy, hành vi tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục.