Tối 16/5, sân khấu Lệ Ngọc công diễn vở kịch Tấm Cám, do đạo diễn Singapore - Chua Soo Pong - dàn dựng. Để phục vụ đối tượng khán giả nhỏ tuổi, tác phẩm lược bỏ các chi tiết tàn khốc, đặc biệt là đoạn kết - Tấm chặt dì ghẻ làm mắm. NSND Lệ Ngọc cũng bàn bạc với đạo diễn, lược bỏ nhân vật Bụt.
"Trẻ con ngày nay rất thông minh, nhanh nhạy, chúng không còn tin vào ông Bụt, bà tiên. Tôi để cho linh hồn người mẹ xuất hiện những lúc Tấm đau khổ, nhằm tôn vinh tình mẫu tử". Thay vào đó, Tấm Cám tạo sức hấp dẫn bởi nhân vật dẫn truyện - ông Bụp (do nghệ sĩ Đức Hải thủ vai). Trong vai hai đứa trẻ yêu truyện cổ tích, cặp diễn viên nhí Tuệ Lâm, Như Khôi để lại ấn tượng nhờ thoại dí dỏm, tự nhiên.
Kim Oanh diễn tròn vai Tấm khi toát lên vẻ dịu dàng, nhu mì của cô gái mồ côi mẹ. Diễn viên thể hiện tài năng múa trong nhiều phân đoạn. Diễn xuất cường điệu của hai nhân vật dì ghẻ và Cám mang đến không khí hài hước. Điệu bộ ngúng nguẩy, lối ăn nói ngoa ngoắt, lố bịch của họ gây cười.
Cách tương tác của dàn diễn viên khiến khán giả nhỏ thích thú. Khi Cám lừa trút giỏ tép của Tấm, các em ồ lên, nhắc Tấm cẩn thận. Nghệ sĩ cũng đặt ra nhiều câu hỏi để tăng tính tương tác. Chẳng hạn, phân đoạn nhặt được chiếc giày, hoàng tử cất giọng: "Nhặt được của rơi có nên trả người đánh mất không các bạn? Chủ nhân của chiếc giày tên là gì nhỉ?". Khi mụ dì ghẻ đánh liều đòi thử giày, các em nhỏ xua tay, hò hét phản đối dữ dội.
Tấm Cám có ngôn ngữ âm nhạc, thoại hiện đại. Nhạc sĩ Tiến Minh phụ trách âm nhạc cho vở kịch. Anh sáng tác một khúc ca xúc động về mẹ. Đảm nhiệm vai trò thiết kế phục trang, Sỹ Hoàng dựa theo tính cách nhân vật để chọn lựa trang phục. Mẹ con Cám ăn mặc lòe loẹt, diêm dúa. Từ lúc là cô gái nghèo cho đến khi nhập cung, Tấm vẫn mặc các trang phục đơn sắc.
NSND Lệ Ngọc chia sẻ dù dựng kịch cho thiếu nhi, chị không tập trung chọc cười mà muốn truyền tải thông điệp về nhân sách sống. Ở phần cuối, mẹ con Cám bị trừng phạt "phải làm nhiều việc tốt". "Tiếng cười sẽ qua nhanh nhưng những điều giá trị còn đọng lại mãi. Tôi từng xem nhiều vở diễn dành cho trẻ em ở các liên hoan quốc tế. Dù đi theo hướng chính thống, nghiêm túc, kịch của họ vẫn khiến thiếu nhi thích thú", NSND Lệ Ngọc nói. PGS, TS. Nguyễn Thị Minh Thái đánh giá vở kịch thuyết phục cả người lớn và trẻ nhỏ. Tấm Cám sẽ được biểu diễn ở Hà Nội đến hết ngày 2/6.
Tấm Cám là truyện cổ tích dân gian Việt Nam, xoay quanh nhân vật cô Tấm. Tấm hiền lành, nhân hậu nhưng phải sống với dì ghẻ và em cùng cha khác mẹ độc ác. Sau đó, cô may mắn được làm vợ vua. Vì ghen ghét, dì ghẻ hãm hại Tấm, để Cám thay thế vị trí của cô. Nhờ Bụt, Cám tai qua nạn khỏi sau nhiều kiếp, trở về trả thù Cám và dì ghẻ. Truyện được chuyển thể dưới nhiều hình thức cải lương, chèo, kịch nói, nhạc kịch, phim ảnh... Năm 2016, phim điện ảnh Tấm Cám: Chuyện chưa kể do Ngô Thanh Vân sản xuất thu về 66 tỷ đồng sau năm tuần chiếu.
Sân khấu Lệ Ngọc là đơn vị kịch nói xã hội hóa đầu tiên ở Hà Nội. Từ năm 2013, sân khấu hoạt động tại Nhà hát kịch Quốc gia TP HCM, dàn dựng thành công các tác phẩm như Ngũ biến, Kim Tử, Thị Nở Chí Phèo... Nhiều vở kịch tại đây được mời diễn ở các liên hoan sân khấu quốc tế như Nhật Bản, Trung Quốc, Philippines, Hàn Quốc...
Hà Thu