Tác phẩm được tái dựng từ bản ghi âm do soạn giả Loan Thảo thực hiện vào năm 1974. Vở quy tụ nhiều gương mặt gạo cội của làng cải lương như Thanh Kim Huệ, Chí Tâm, Hồng Nga, Thanh Điền, Trọng Phúc... Hai diễn viên chính - Thanh Kim Huệ (vai Lan) và Chí Tâm (vai Điệp) - lần đầu tái hợp sau 45 năm từ khi bản thu đầu được ra mắt.
Trước ngày diễn, sự trở lại của Thanh Kim Huệ được nhiều khán giả quan tâm. Vai Lan không chỉ là điểm sáng nhất trong sự nghiệp của Thanh Kim Huệ, mà còn là vai khiến chị e dè. Hàng chục năm qua, chị từ chối nhiều đơn vị khi được mời diễn vì sợ không hát nổi như thuở 14 tuổi. Tối qua, sau nhiều năm không diễn tuồng dài, Thanh Kim Huệ vẫn làm thỏa mãn đông đảo khán giả.
Ở tuổi 64, mặc chiếc áo dài, đội mái tóc giả, nghệ sĩ trở thành Lan ngày nào khi diễn những cảnh hẹn hò thẹn thùng, tình tứ bên Điệp ở đoạn đầu. Đến đoạn Lan tiễn Điệp lên thành phố, trao cho anh "ba đồng hai", dặn anh "gõ dây thép về cho má vui", Thanh Kim Huệ diễn tả sự bối rối lẫn thiết tha của một thiếu nữ miền Tây trước mối tình đầu đời. Cử chỉ của chị vừa lấy được tiếng cười của khán giả, vừa tạo sự bùi ngùi, đồng cảm khi Lan sắp phải xa người tình.
Ở những hồi sau, Thanh Kim Huệ dốc sức hơn với diễn biến tâm lý của nhân vật. Cảnh Lan đau đớn vì nghĩ Điệp phụ lòng mình, hủy bỏ hôn ước để cưới người khác là một trong những phân đoạn nổi trội của tác phẩm. Thanh Kim Huệ dù quay lưng về phía khán giả, tiếng khóc rưng rức và đôi vai run bần bật của chị vẫn khiến người xem xúc động. "Khóc mừng cho người ta trăm năm hạnh phúc, khóc cho tôi sao duyên phận bẽ bàng"/ "Đâu có ai đem con sáo qua sông, mà sao sáo cũng xổ lồng bay xa"... là những câu ca cổ của nghệ sĩ được khán giả đồng cảm, sụt sùi theo. Giọng hát không còn trong nhưng cách giữ hơi, xuống xề ăn ý với dàn nhạc của Thanh Kim Huệ vẫn được người nghe vỗ tay tán thưởng.
Thanh Kim Huệ, Chí Tâm trong cảnh chia tay. Ảnh: Mai Nhật. |
Cũng như Thanh Kim Huệ, Chí Tâm chưa diễn lại tuồng này trong nhiều năm qua. Anh nhận được sự cổ vũ khi vào vai chàng học trò nghèo. Gia cảnh khốn khó lại thi trượt, Điệp cố quên nỗi tự ti để lên thành phố, quyết tâm thành tài, dù phải xa rời Lan. Chí Tâm lột tả thành công tính cách của Điệp từ vẻ ấp úng khi tạm biệt người yêu, nỗi bàng hoàng khi bị gia đình ông bà Phủ gài bẫy để ép cưới Thúy Liễu. Ít khi về nước diễn, Chí Tâm gây bất ngờ cho khán giả khi vẫn giữ được âm sắc trong trẻo ở tuổi 67. Cảnh Lan và Điệp chia ly là đoạn Chí Tâm thể hiện rõ nhất phong độ ca diễn, lấy nước mắt của người xem.
Dàn vai phụ như Hồng Nga, Trọng Phúc... diễn tròn vai. Hồng Nga hóa thân thành bà Cử - mẹ của Điệp. Bà diễn tả trọn vẹn nỗi đau người mẹ chứng kiến con mình phụ ơn láng giềng để đi lấy con gái gia đình giàu có. Tương tự, nghệ sĩ Trọng Phúc - vai ông Tú, cha Lan - khiến khán giả vỗ tay mỗi lần xuất hiện, nhất là trong cảnh thắp nhang xin rút lại lời hôn ước giữa Lan và Điệp.
So với bản gốc, tuyến hài trong vở mới được thêm thắt nhiều tình tiết hơn, với các vai vợ chồng ông bà Phủ, cô con gái Thúy Liễu và thầy Đội (đầu bếp). Hồng Đào - sau nhiều năm định cư ở Mỹ - tái ngộ sân khấu trong nước với vai Thúy Liễu. Vẻ điệu đà, ngả ngớn của nhân vật được Hồng Đào diễn ăn ý với Thanh Hằng và Thanh Điền - vai ông bà Phủ. Minh Nhí - vai một đầu bếp với ngoại hình xấu xí, chiều cao khiêm tốn - gây cười bằng lối diễn hình thể. Tuy nhiên, điểm trừ của vở cũng nằm ở tuyến truyện về gia đình ông Phủ. Những mẩu đối thoại hài được sử dụng nhiều nhưng không liên quan đến mạch chung, phần nào làm giảm không khí của tác phẩm.
Từ trái sang: Minh Nhí, Hồng Đào, Thanh Hằng. Ảnh: Mai Nhật. |
Xen lẫn các phân đoạn, Hoài Lâm, Mai Tiến Dũng, Hamlet Trương trình diễn các nhạc phẩm về chuyện tình Lan và Điệp. Tuy nhiên, âm lượng của giọng ca sĩ bị nhỏ so với phần nhạc nền. Những lần chuyển cảnh quá lâu giữa tác phẩm cũng làm gián đoạn mạch cảm xúc của khản giả. Tác phẩm tiếp tục được công diễn vào tối 18/8 tại TP HCM và tối 23/8 tại Đà Nẵng.
Vở Lan và Điệp kể về mối tình lãng mạn, trắc trở của cô gái tên Lan và chàng trai tên Điệp. Do mắc mưu của ông quan Phủ ở tỉnh lẻ, Điệp - nam sinh nghèo - phải phụ tình vị hôn thê là Lan để cưới Thúy Liễu, con gái ông Phủ. Lan ôm mối tình tuyệt vọng bỏ nhà đến chùa để cắt tóc đi tu. Cao trào của câu chuyện khi Điệp tìm được ngôi chùa mà Lan đang tá túc, cũng đúng lúc nàng trút hơi thở cuối cùng.
Chuyện tình Lan và Điệp trong tiểu thuyết Nguyễn Công Hoan được chuyển thể thành vở cải lương lần đầu năm 1936, do soạn giả Trần Hữu Trang thực hiện và nghệ sĩ Năm Phỉ, Thanh Nga... đóng. Năm 1974, soạn giả Loan Thảo dựng lại với các giọng ca: Chí Tâm (Điệp), Thanh Kim Huệ (Lan), Tú Trinh (Thúy Liễu), Hữu Phước (ông Tú - ba của Lan)... Đến nay, đây được xem là bản thu âm chuẩn mực nhất của tác phẩm.
Mai Nhật