Vở diễn ra tại rạp Đại Nam, thuộc hoạt động chào mừng lễ giỗ tổ nghề sân khấu (tối 26/9, tức 12/8 Âm lịch). Bất chấp mưa lớn, nhiều khán giả đã có mặt sớm, nhanh chóng lấp kín khán phòng. Trong hai tiếng rưỡi, người xem tại rạp Đại Nam tập trung theo dõi vở diễn, liên tục vỗ tay. Một số khán giả bàn luận, giải thích cho nhau về các phân đoạn.
Bản phục dựng do Nghệ sĩ Nhân dân Quốc Chiêm - nguyên Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội thực hiện. Ở phiên bản này, nghệ sĩ vẫn đảm bảo tinh thần và các lề lối của chèo, song lồng ghép chi tiết mang hơi thở hiện đại, thể hiện trong việc đổi mới diễn viên và chỉnh sửa lời thoại. Người xem trong khán phòng bật cười với màn đối đáp của mẹ Đốp (Trúc Mai) và thầy xã trưởng (Quốc Phong), hay cảnh thầy mù (Khắc Huy) mắng cụ đồ điếc (Xuân Dũng) cùng câu thoại: "Ăn nói hàm hồ, mắt mũi để đâu đấy".
Diễn biến vở chèo được giữ nguyên kịch bản gốc, tái hiện câu chuyện bi kịch của Thị Kính. Nàng định cắt sợi râu mọc ngược trên mặt chồng mình - Thiện Sỹ - nhưng lại bị vu oan tội giết chồng. Thị Kính đi tu, lấy tên Kính Tâm, nhưng một lần nữa bị Thị Màu đổ oan tội thông dâm vì khước từ tình cảm của ả. Kính Tâm sống trong sự ghẻ lạnh của dân làng, nhưng vẫn yêu thương, chăm sóc con của Thị Màu. Đến khi qua đời vì kiệt sức, Kính Tâm mới được minh oan, sau hóa thành Phật Quan Thế Âm.
Hồng Thắm lột tả được cảm xúc giằng xé của Thị Kính khi chịu nhiều nỗi oan. Vai Thị Màu - từng được Nghệ sĩ Ưu tú Thu Huyền hóa thân thành công - do Hồng Vân đảm nhiệm. Cô diễn tròn vai, lột tả những nét đặc trưng của nhân vật như đôi mắt lúng liếng, dáng đi điệu đà.
Dung (45 tuổi, Hà Nội) yêu thích vai Thị Màu, bị cuốn theo từng bước đi, câu hát của nhân vật. Theo khán giả, so với nghệ sĩ Thu Huyền, Hồng Vân chưa thể hiện hết nét lẳng lơ của vai diễn, song cô đem đến sắc thái mới hơn, khiến người xem có trải nghiệm khác biệt.
Thu Huyền - hiện điều hành Nhà hát Chèo Hà Nội - chỉ đạo nghệ thuật vở Quan Âm Thị Kính cho biết việc các diễn viên trẻ được giao vai mẫu như Thị Kính, Thị Màu, Thiện Sỹ (Quang Trưởng) thể hiện sự nối tiếp giữa các thế hệ, làm nên điểm mới cho tích chèo được phục dựng. Những diễn viên kỳ cựu của Nhà hát như Nghệ sĩ Ưu tú Thanh Loan, Quốc Phong đảm nhiệm vai thứ như mẹ Đốp, Sùng ông, Sùng bà, nhằm hỗ trợ lớp trẻ.
Âm nhạc do Nghệ sĩ Ưu tú Bùi Đức Hạnh chỉ đạo, với những âm thanh quen thuộc trong chèo như tiếng trống, tiếng đàn nhị. Họa sĩ Đặng Minh Tuấn dựa trên phần thiết kế mỹ thuật của Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Đình Hàm, gợi cảnh chính của mỗi phân đoạn như cổng chùa, lũy tre, gian nhà phú ông, tạo cảm xúc chân thực cho người xem. Bối cảnh sân khấu được thiết kế công phu hơn những phiên bản trước, song vẫn giữ được nét đặc trưng của vùng quê Bắc Bộ xưa.
Quan Âm Thị Kính là một trong bảy vở chèo cổ, ra đời vào khoảng thế kỷ 17, dùng phương pháp sân khấu tự sự, ước lệ, giản lược tối đa đạo cụ diễn, phần múa hát chỉ ở cấp độ trang trí minh họa. Đến thế kỷ 20, vở có sự thay đổi lớn về cấu trúc, nội dung và hình thức nghệ thuật.
Vở chèo Quan Âm Thị Kính của Nhà hát Chèo Hà Nội được đạo diễn - nhà thơ Trần Huyền Trân - Trưởng Đoàn ca kịch cổ điển Kim Lan (tiền thân Nhà hát) biên soạn, chỉnh lý. Tác phẩm được biểu diễn nhiều phiên bản khác nhau, nhưng bản dựng của Nhà hát luôn có dấu ấn riêng với khán giả.
Phương Linh