Chương trình diễn hơn hai tiếng trong mưa phùn, gió lạnh, tối 24/2, dù vậy, đa số khán giả nán lại đến cuối, chăm chú theo dõi từng màn ngâm thơ. Nhiều người ấn tượng tiết mục của các nhà thơ Hàn Quốc, Trung Quốc, thuộc phần dung Thơ và tác giả quốc tế.
Khán giả Ngân An, 27 tuổi, Hà Nội, cho biết yêu thích phần trình diễn của những nhà thơ Hàn Quốc, nhận xét đây là màu sắc mới ở sự kiện năm nay. Nhiều khán giả cũng ấn tượng nét văn hóa đặc trưng của 54 dân tộc được ban tổ chức thể hiện từ khuôn viên thiết kế đến nội dung đêm thơ.
Ông Jeon-Min, nguyên phó chủ tịch Hiệp hội các nhà thơ hiện đại Hàn Quốc mở đầu phần giao lưu với bài thơ Có một vịnh Hạ Long trong lòng Hà Nội. Tác phẩm là cảm nhận của một du khách về nét đẹp Hà Nội, với ngôn ngữ sinh động, giàu sức gợi. Trong con mắt của tác giả, Hà Nội là ''hòn ngọc Đông Nam châu Á''. Ông ví tiếng xe máy như ''đàn ong nhộn nhịp'' trong ''làn sóng của mỗi con đường'', khắc họa hình ảnh ''Áo dài trắng tinh khôi diêm dúa phất phơ/ Thành phố ven hồ xanh ngây ngất người qua''.
Tham dự Đêm thơ Nguyên tiêu, nhà thơ Jang Geon-Seob, tổng biên tập nhật báo Miraeilbo, trình bày bài Trên bến đò lau sậy, mượn thiên nhiên để bày tỏ cảm xúc nhớ thương, day dứt của con người:
''Cây cối bên nhau cùng sinh sôi
Tạo thành núi đồi, sông suối
Nước sông kia ngập ngừng trong chốc lát chảy dần ra biển cả, gây nên nhớ nên thương
Đêm dù khuya, một ngôi sao cứ vấn vương tìm đến
tận trên sườn núi cao cao
Trên dòng sông, tia nắng tràn về
khi chập chờn trong nháy mắt
lại trào dâng khi nắng tắt triều dâng.
Giữ được cánh chim bay, mà không giữ nổi bầu trời,
Nhưng người đa tình bên tôi hóa thành trăng''.
Ji Eun-Kyung, phó chủ tịch Hiệp hội các nhà thơ hiện đại Hàn Quốc, thể hiện sáng tác Quê hương tôi đó, bày tỏ tình yêu, niềm tự hào với nơi mình sinh ra:
''Nếu ai đó hỏi tôi quê hương ở đâu
Quê hương tôi là Đại Hàn Dân Quốc, trong 'làng địa cầu' thân thiết
Nơi có hoa nở, tất cả là quê
Là quê hương tôi đó!"
Là nhà thơ người Trung Quốc duy nhất góp mặt trong sự kiện, Bành Thế Đoàn - Tham tán văn hóa đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam - nói về ký ức chuyến đi Việt Bắc cách đây sáu năm, qua bài thơ cùng tên, được in trong tập Hà Nội vắng em 2. Ông bắt đầu sáng tác vào đầu những năm 1990, với nhiều thể loại: Thơ, văn xuôi, truyện ngắn được đăng trên các tờ Nhân dân nhật báo, Quang minh nhật báo. Bành Thế Đoàn từng xuất bản một số ấn phẩm, như Tiếng vọng miền núi (tản văn), Hà Nội vắng em 1 và Hà Nội vắng em 2 (tập thơ song ngữ Việt - Trung).
Bên cạnh nội dung giao lưu quốc tế, Đêm thơ Nguyên tiêu nhấn mạnh bản sắc văn hóa, tinh thần đoàn kết. Chương trình mở đầu với màn diễn cồng chiêng của người Mường, do những nghệ sĩ tỉnh Hòa Bình thực hiện quanh 22 đài đuốc - tương ứng Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22. Ở chương một Thơ và tác giả dân tộc vùng núi phía Bắc, khán giả được thưởng thức những kiệt tác thi ca trong văn học dân gian của người Tày, Pa Dí, như đoạn trích trường ca Bách Điểu Bách Hoa, Con trai người Pa Dí (Pờ Sảo Mìn).
Chương hai Thơ và tác giả dân tộc miền Bắc tái hiện hình ảnh người Mường, Thái, với các tác phẩm Khúc hát mùa xuân (Bùi Tuyết Mai), Thương nhau còn nhớ đàn môi (trích truyện thơ Tiễn dặn người yêu). Chương bốn Thơ và tác giả miền Trung và miền Trung Nam Bộ và chương năm Nam Bộ và Tây Nguyên cho thấy đời sống thi ca của người Chăm, Kh'mer.
Mỗi tiết mục mang hình ảnh đặc trưng của các dân tộc Việt Nam nhờ hiệu ứng âm thanh, âm nhạc, trang phục. Trong phần ngâm thơ Khúc hát mùa xuân, tác giả Bùi Tuyết Mai kết hợp đội cồng chiêng, tạo cảm xúc cho tiết mục. Nhà thơ cho biết cho biết dậy từ 5h để luyện đọc và chỉnh sửa một số câu, giúp khán giả dễ thưởng thức tác phẩm hơn.
Trước đó, chiều 24/2, tác giả mới ghép đội hình với dàn cồng chiêng. Dù áp lực vì thời gian gấp rút, ảnh hưởng của mưa lạnh, nhà thơ vẫn nỗ lực để gửi tiếng nói, tình cảm của người Mường tới những người yêu thi ca. Là người góp mặt tại Ngày thơ Việt Nam từ lần tổ chức đầu tiên, Tuyết Mai đánh giá sự kiện năm nay có bước đổi mới vượt bậc khi tôn vinh giá trị văn học của các vùng miền, nhất là dân tộc thiểu số.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - cho biết thơ ca chính là một trong những vẻ đẹp góp phần làm nên nền văn hóa lâu đời của Việt Nam. Theo ông, các tác giả tại đêm thơ Bản hòa âm đất nước đã mang đến bản tuyên ngôn về cái đẹp và tự do.
Ngày thơ Việt Nam tổ chức lần đầu năm 2003, là sự kiện thường niên diễn ra vào rằm tháng Giêng tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đến 2023, sự kiện đổi địa điểm tổ chức sang Hoàng thành Thăng Long. Các năm qua, chương trình thu hút đông đảo tác giả và hàng nghìn khán giả trong, ngoài nước. Năm ngoái, sự kiện trở lại sau hai năm tạm hoãn vì dịch.
Phương Linh