Chiều 13/6, nhiệt độ ở tỉnh Sverdlovsk, cách thủ đô Moskva hơn 1.700 km về hướng đông, khoảng 15 độ C, trời mưa nhẹ. Mưa thấm đẫm trên ve áo vest của ông Leonid Rapoport, lãnh đạo cơ quan thể thao của tỉnh, khi ông này ngồi trên khu khán đài vừa được xây thêm tại sân vận động Tsentralnyi. "Người hâm mộ bóng đá không quan tâm sân vận động có mái che hay không đâu", ông Rapoport cười và nói với New York Times.
Để chuẩn bị cho giải vô địch bóng đá thế giới World Cup 2018, chính quyền tỉnh Sverdlovsk giao nhiệm vụ cho các kiến trúc sư địa phương làm thế nào để tăng số lượng ghế ngồi trên khán đài tại sân vận động trung tâm mà vẫn đảm bảo giữ nguyên hiện trạng của các bức tường lịch sử mặt tiền có tuổi đời hơn 60 năm.
Giải pháp cuối cùng, khá đột phá về mặt tư duy, là xây thêm hai khu khán đài không có mái che nhô hẳn ra bên ngoài, ngay bên trên hai cửa ra vào của sân vận động. Từ xa, các khán đài này trông giống như hai chiếc ngăn kéo tủ đang mở, lưng chừng giữa không trung.
"Đương nhiên, tôi nhận được nhiều phản ứng trái chiều", Oleg Gak, kiến trúc sư trưởng của dự án cải tạo sân vận động Tsentralnyi, cho biết. "Nhưng khi chúng tôi hoàn thành bất cứ dự án nào, luôn có người thích và không thích công trình mới, đặc biệt nếu anh chỉ nhìn qua một bức ảnh".
Làn sóng châm biếm chỉ trích nổ ra vào mùa thu năm ngoái, sau khi những bức ảnh đầu tiên chụp công trường thi công khán đài xuất hiện trên báo chí nước ngoài và trở thành chủ đề gây cười trên mạng xã hội Twitter. Đặc biệt những bức ảnh chụp với góc rộng từ trên không cho thấy hai khu vực khán đài xây thêm trông không khác gì những bậc cầu thang bắc từ trên trời xuống.
"Lúc đó chúng tôi nhận được rất nhiều e-mail chê bai sân vận động trông ngớ ngẩn như thế nào", Michal Karas, tổng biên tập phụ trách trang web Stadium DB chuyên đưa tin về các dự án xây dựng sân vận động trên toàn thế giới, cho biết.
Nhưng trong các cuộc phỏng vấn với báo chí, ông Karas và cộng sự đã lên tiếng bênh vực và khen ngợi sự sáng tạo của đội ngũ kiến trúc sư cải tạo sân vận động Tsentralnyi. Theo họ, đây là cách làm hiệu quả về mặt kinh tế nếu so với những sân vận động xây mới nhiều khả năng sẽ nằm đắp chiếu sau kỳ World Cup.
William Craft Brumfield, một nhà nghiên cứu lịch sử về kiến trúc Nga tại đại học Tulane, gọi ý tưởng thiết kế này là "rõ ràng rất gây tò mò" đồng thời khen ngợi chính quyền địa phương và các kiến trúc sư vì nỗ lực bảo tồn hồn cốt của địa điểm lịch sử này. Dù sân vận động được chính thức đi vào hoạt động năm 1957, khu đất này đã là địa điểm chơi bóng đá từ khoảng năm 1900.
"Người dân coi đây là mảnh đất linh thiêng", nhà nghiên cứu Brumfield nhận xét về sân vận động của thành phố công nghiệp Yekaterinburg nằm trên dãy núi Ural.
Sân vận động Tsentralnyi nổi tiếng với bức tường mặt tiền chạm khắc phù điêu cùng những bức tượng điêu khắc đặt trên các cột trụ và các chi tiết trang trí đắp nổi bằng thạch cao mang phong cách kiến trúc tân cổ điển. Sân vận động trải qua nhiều lần trùng tu và được công nhận là di tích lịch sử của địa phương.
"Chuyện này không phải là về World Cup, cũng chẳng phải về sân vận động hay phong cách kiến trúc", bà Elizaveta Likhacheva, giám đốc viện bảo tàng Shchusev ở Moskva, khen ngợi dự án giá 199 triệu USD của chính quyền địa phương và cho rằng những người chỉ trích "chưa từng đặt chân đến Yekaterinburg và không hiểu gì về nước Nga".
Tuy nhiên, những cổ động viên bóng đá sợ độ cao chắc chắn không nghĩ như vậy. Khu vực khán đài dựng tạm phục vụ World Cup nằm chênh vênh trên một hệ thống giàn giáo hình mắt cáo làm bằng thép đan vào nhau dày đặc. Hai khu khán đài bổ sung cao hơn 42 m và khán giả sẽ ngồi chính xác ngay trên rìa mép của sân vận động cũ. Hàng ghế cao nhất giống như phần mái nhô ra từ một tòa nhà 14 tầng.
Bên cạnh đó, tầm nhìn của khán giả ngồi ở khu vực này bị giới hạn trong hình chữ nhật của hai cửa ra vào sân vận động. Để dễ hình dung, cảm giác tương tự như người đi bộ qua một quán bar đang chiếu một trận đá bóng và từ ngoài ngó vào qua ô cửa sổ.
"Nếu anh thực sự đến sân vận động và leo tận lên hệ thống cột chống tạm thời thì anh sẽ không chỉ nhìn thấy toàn cảnh sân vận động mà cả toàn cảnh thành phố tuyệt đẹp", kiến trúc sư trưởng dự án Oleg Gak bông đùa.
Thiết kế khác biệt châm ngòi cho các cuộc tranh cãi. Những người chỉ trích cho rằng công trình này trông nhức mắt, một giải pháp mang tính đối phó trên đà biến thành thảm họa kiến trúc. Người bênh vực lại cho rằng đây là biểu tượng của thứ kiến trúc khả dụng, kết hợp giữa bảo tồn và sự hợp lý trong thiết kế, một quan điểm xây dựng bền vững hiếm thấy trong bối cảnh các sự kiện thể thao tầm cỡ quốc tế thường là dịp để các chính phủ phung phí tiền thuế của dân.
Hồi đầu năm, Alexander Meytin, giám đốc an ninh của giải ngoại hạng Nga, ban đầu thừa nhận lo lắng về tính an toàn của công trình, nhưng sau trận đấu thử nghiệm hai tháng trước, ông này khẳng định hệ thống giàn giáo "không suy chuyển trong gió".
Còn Leonid Rapoport, lãnh đạo cơ quan thể thao của tỉnh, cam đoan khán giả thoải mái nhảy nhót để cổ vũ vì "những cột trụ này được làm từ thép của vùng núi Ural nổi tiếng".
An Hồng