Ở nhà, Hà không giúp đỡ bố mẹ nữa mà tỏ vẻ bất cần, chống đối. Sau ba tháng, cô giáo chủ nhiệm liên hệ với phụ huynh, đề nghị họ cho con đi kiểm tra tâm lý.
Hà được bố mẹ đưa tới gặp thạc sĩ Lã Linh Nga, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học Tâm lý - Giáo dục (Hà Nội). Lúc này, cô bé mới chia sẻ em buồn vì bố mẹ ghét nhau đến mức bố đuổi mẹ ra khỏi nhà. Anh Nguyễn Văn Tâm, bố của Hà, thừa nhận vợ chồng anh không làm tròn trách nhiệm với con và thường xuyên đổ lỗi cho nhau.
Cuộc tư vấn cho con cuối cùng trở thành tư vấn cho bố mẹ. Anh Tâm cùng vợ thống nhất mốc thời gian để về với nhau, tìm cách giải quyết các vấn đề gia đình.
Minh Hà không phải trường hợp trẻ nhỏ duy nhất bị rối loạn tâm lý do nguyên nhân từ bố mẹ.
Bác sĩ gốc Việt Trương Hoàng Hưng (Texas, Mỹ) từng tiếp nhận trường hợp Kenny Phan, một cậu bé 4 tuổi vốn "líu lo như sáo" đột ngột ngừng nói trong một tuần. "Khi kiểm tra, mọi thứ đều bình thường, trừ việc cậu bé có vẻ rụt rè và không chịu trò chuyện", bác sĩ Hưng cho biết.
Hỏi thăm bố mẹ Kenny, bác sĩ Hưng phát hiện họ thường xuyên cãi nhau "như kẻ thù" trước mặt con và chuẩn bị ly dị. Ông chẩn đoán cậu bé 4 tuổi câm chọn lọc sau một biến cố gây sốc.
Bác sĩ Hưng khuyên bố mẹ Kenny dù tình cảm ra sao cũng phải cư xử hòa nhã, không cãi nhau trước mặt con và cả gia đình cùng đi tư vấn tâm lý. Gần 6 tháng sau, Kenny nói chuyện trở lại, bố mẹ bé cũng không ly dị nữa.
Trong khi đó, Nguyễn Thu Giang 15 tuổi (TP HCM) rơi vào trầm cảm nặng do nội chiến gia đình. Giang kể rằng ban đầu, bố mẹ cô né tránh nhau, "lúc bố ở nhà thì mẹ đi vắng và ngược lại". Đến lúc mâu thuẫn tăng lên, họ ra vườn cãi cọ, xô xát. Có lần, đôi vợ chồng này dừng ôtô giữa đường, lao vào đánh nhau trước sự chứng kiến của các con.
"Cháu không hiểu vì sao lại thế. Hay là cháu không đủ tốt, không đủ ngoan khiến bố mẹ cãi nhau", Giang chia sẻ với nhà tâm lý.
Không may mắn như hai trường hợp trên, bố mẹ Giang không chịu đi tư vấn. "Cách duy nhất để thoát khỏi đây là cháu sẽ thi học bổng để đi nước ngoài", cô bé nói.
Bố mẹ cãi nhau không chỉ khiến chính họ căng thẳng mà con cái cũng bị tác động nghiêm trọng. Thạc sĩ Nga ước tính 80% trẻ gặp khó khăn tâm lý đến trung tâm của bà xuất phát từ sự bất hòa của bố mẹ.
"Các nghiên cứu chỉ ra khi chứng kiến bố mẹ cãi nhau, trẻ em từ 6 tháng trở lên có hiện tượng tăng nhịp tim và tăng hoóc môn do stress", bác sĩ Hưng cho biết.
Còn theo tiến sĩ tâm lý Đặng Hoàng Ngân, Đại học Khoa học Xã hội Nhân Văn Hà Nội, xung đột trong gia đình có thể khiến trẻ trở nên bướng bỉnh, cáu gắt, học hành sa sút, bạo lực, nặng hơn là tè dầm, mất tiếng nói, mất ngủ, ăn nhiều hoặc bỏ ăn.
Bác sĩ nhi Trần Thị Thu Thủy, Phòng khám Cây Thông Xanh (Hà Nội) đồng tình với các chuyên gia trên: "Khi con trẻ có vấn đề, nhìn ngược lên sẽ luôn luôn tìm thấy vấn đề từ những người nuôi dạy".
Ngoài ra, trẻ lớn lên trong môi trường gia đình không hòa thuận đối mặt nguy cơ chậm phát triển. Bác sĩ Thủy từng gặp nhiều trường hợp bố mẹ chiến tranh với nhau nên bỏ bê đứa con, góp phần khiến trẻ bị chậm nói, khó giao tiếp, yếu các kỹ năng học tập và giải quyết vấn đề.
Đặc biệt, tác hại của xung đột gia đình có thể kéo dài qua nhiều thế hệ, ảnh hưởng đến các mối quan hệ tình cảm của trẻ sau này.
"Xung đột gia đình khiến trẻ nhìn nhận bản thân, thế giới cũng như các quan hệ xã hội tiêu cực hơn", bác sĩ Thủy lý giải.
Đối với mọi đứa trẻ, bố mẹ chính là thầy cô đầu đời. Nếu họ không dạy con cách yêu thương và giải quyết mâu thuẫn, trẻ khó có thể xây dựng gia đình hạnh phúc cho riêng mình.
"Vợ chồng cãi nhau là chuyện tất nhiên nhưng nên cãi nhau có văn hóa, nếu ly dị thì cũng ly dị như hai người bạn", bác sĩ Hưng nói. "Đừng vì chuyện của mình mà hại một đời con và có thể cả đời cháu chắt".
* Thông tin cá nhân của một số nhân vật đã được thay đổi.
Minh Trang