From: trang luong
Sent: Sunday, September 20, 2009 2:12 PM
Chào quý đọc giả của VnExpress.net,
Tôi đọc mục Tâm sự hầu như hằng ngày, nhưng chưa bao giờ nghĩ mình sẽ gửi những dòng này. Nhưng sau khi đọc bài viết của anh Đuc Hoang, tôi thật sự rất khâm phục cách phân tích rất có tình có lý của anh.
Rất đắn đo khi viết câu chuyện này vì chẳng ai lại “vạch áo cho người xem lưng”, nhưng tôi cũng muốn đưa lên một điều có thật rằng tôi đã chứng kiến “chuyện ba người” này qua ba thế hệ, bà tôi, mẹ tôi và thế hệ của chính tôi.
Mặc dù được mệnh danh là 8X, nhưng tôi thuộc 8X đời đầu, cho nên cũng chẳng còn quá trẻ để có thể nói rằng “yêu là cưới" hay “không yêu thì cứ ly dị” như một số bạn còn háo thắng ủng hộ Hoang An. Bản thân tôi đang du học, và theo tôi quan sát thì ở đâu họ cũng trân trọng nền tảng gia đình. Ly dị cũng là cách giải quyết chẳng đặng đừng nếu không còn một giải pháp nào khác, đặc biệt là khi đã có con chung.
Bà tôi, một người phụ nữ chịu thương chịu khó rất đặc trưng của phụ nữ Việt Nam cách đây hai thế hệ. Nếu xét theo thời buổi bây giờ, bà tôi đứng vị trí “người thứ ba” vì bà là người vợ thứ hai của ông. Lúc đó xã hội vẫn còn cho phép “năm thê bảy thiếp” nên coi như bà tôi cũng có danh có phận.
Sau đó, xã hội bắt đầu thay đổi, Hiến pháp và Luật pháp bắt đầu có những nền tảng cho Luật hôn nhân gia đình, ông tôi không có thêm bà ba hay bà tư nào, nhưng những tàn dư của bao thế hệ đã khiến ông không dễ dừng chân. Ông tôi đã mất ở tuổi ngoài chín mươi.
Điều đáng nói là những lần ông bệnh nặng tưởng không qua khỏi, ông tôi luôn khóc và nói với bà tôi rằng ông có lỗi với bà tôi nhiều lắm và chỉ sợ đi trước bà thì không có ai thủ thỉ chăm sóc cho bà lúc tuổi già. Ông cũng cảm ơn bà tôi vì luôn là bến đỗ để ông trở về. Đại gia đình tôi bây giờ, con cháu của cả hai người vợ của ông, đều thương bà và sống có tình có nghĩa với nhau, mỗi khi Tết về, con cháu đoàn tụ, đông vui, náo nhiệt.
Tôi bị hai chữ “ngoại tình” xâm chiếm từ khi còn bé vì bố tôi là người khá trăng hoa. Khi còn nhỏ, tôi nghĩ ông là người tệ bạc với mẹ con tôi và gia đình. Nhưng càng lớn, tôi càng thấy nguyên nhân sâu xa là do ông là người thiếu chính kiến, hơi nhu nhược và hay thương người quá mức. Mẹ tôi là người phụ nữ tuyệt vời, một tay bà gồng gánh gia đình và nuôi ba đứa con. Gia đình tôi được khá giả như ngày hôm nay tất cả là nhờ mẹ.
Vậy mà không chỉ một lần bố tôi phản bội mẹ. Như vậy là tôi lại nằm trong vị trí của một đứa con có bố ngoại tình. Dĩ nhiên là khi quỹ thời gian phải chia sẻ với tình nhân, bố tôi không thể gần gũi con cái. Đến bây giờ tôi vẫn luôn ghen tỵ khi thấy những người con được gần gũi cha.
Tôi lớn lên trong sự ngờ vực về tình yêu và hạnh phúc. Tôi yêu sớm, có bạn trai cũng sớm. Đến người thứ ba, quen nhau từ khi còn học đại học và cưới khi tôi 26 tuổi. Nhưng rồi mọi chuyện cũng chẳng đâu vào đâu, cuối cùng thì chúng tôi ly dị sau hai năm. Cũng may là tôi quyết định không có con sau khi hoàn tất cao học nên việc chia tay cũng dễ dàng.
Có nhiều lý do dẫn đến việc ly dị, nhưng chủ yếu là vì tôi không tin anh sẽ là người chồng chung thủy, và có lẽ tôi đúng vì bây giờ anh đã có một đứa con trai hơn tháng tuổi mặc dù hai người chưa chính thức thành vợ chồng. Tuy vậy, sau khi ly hôn, chúng tôi vẫn tôn trọng và thỉnh thoảng vẫn hỏi thăm nhau.
Tôi cũng đã cưới một người khác và rất hạnh phúc. Cũng chưa nói được gì vì mọi việc cũng chỉ mới bắt đầu. Chồng của tôi cũng không phải người Việt vì tôi không thể vượt qua được nỗi ám ảnh về tàn dư phong kiến vẫn còn ăn sâu trong cách suy nghĩ của những người đàn ông Việt Nam mà tôi quen biết, tôi sợ gặp một người trăng hoa như bố tôi.
Nhưng thực sự, khi càng trải nghiệm cuộc sống theo thời gian, tôi càng thầm cảm phục mẹ và bà tôi. Những người phụ nữ bằng cách này hay cách khác luôn đấu tranh và kiên định để con cái có một nền tảng gia đình. Tôi không cổ súy cho các ông ngoại tình, nhưng tôi ủng hộ các bà vợ, bà mẹ biết sử dụng quyền của mình và bảo vệ một gia đình. Ông bà ta có câu “đánh kẻ chạy đi, không đánh người chạy lại”, nếu đó chỉ là những lúc nhất thời xao xuyến của các ông, tôi tin gia đình luôn là một bến đỗ.
Điều tôi muốn nhắn gửi đến những đứa con trong hoàn cảnh như tôi từng trải qua là tôi không nghĩ rằng cuộc đời tôi sẽ tốt hơn nếu bố mẹ tôi ly dị. Con cái dù có thương cha mẹ đến thế nào thì cũng đến lúc phải có một gia đình riêng. Bây giờ, bố mẹ tôi lại là “cặp vợ chồng son”, chỉ có khác biệt là sự gắn kết không phải là một tình yêu như thuở đôi mươi mà là một tình thương, nghĩa vợ chồng sau bao nhiêu sóng gió. Bố mẹ có nhau, chăm sóc cho nhau ở tuổi bắt đầu xế chiều, chúng tôi mới yên tâm học tập, làm việc.
Và điều tôi luôn nhớ khi tôi nói “Bố đã như vậy sao mẹ không ly dị cho rồi?”, mẹ tôi trả lời “Dù gì thì đây cũng là việc riêng của bố mẹ, bố chỉ có lỗi với mẹ chứ không có lỗi với các con, mẹ không bao giờ muốn các con phải mất cha”. Mẹ tôi nói đúng, xét cho cùng thì bố vẫn là bố của chúng tôi và sẽ phiến diện nếu chỉ nhìn vào lỗi lầm của bố mình mà không nhận ra rằng mình vẫn rất hạnh phúc hơn bao nhiêu người vì còn có bố và một gia đình.
Điểm tôi cảm phục nhất trong bài của anh Duc Hoang là “cuộc đời của một người đàn ông chỉ có hai thứ để phấn đấu và đạt tới: sự nghiệp và gia đình”. Chỉ có một người trải nghiệm cuộc đời một cách hoàn hảo và tinh tế thì mới viết lên được những dòng này. Tôi mong những ai đang trong những lúc “say nắng” có thể đọc được điều này và dừng lại đúng lúc.
Vì không phải người vợ nào cũng sẵn sàng đấu tranh và mở rộng vòng tay để tha thứ và đón người chồng trở về. Đặc biệt là khi phụ nữ ngày càng độc lập về kinh tế và nhận thức được quyền được mưu cầu hạnh phúc của chính mình. Đường công danh của bố tôi lận đận cũng vì những tình cảm nhất thời, nhưng cũng may ông còn giữ được gia đình.
Đối với người thứ ba như Ngọc và Hoang An, dù đến hay không đến được với người mà các chị gọi là “tình yêu”, tôi thực sự không cảm thông. Cho dù có che đậy và ngụy biện bằng bất kỳ hành động hay lời nói nào, các chị đều không tôn trọng bản thân, không biết thương đấng sinh thành ra mình nên mới hạ thấp mình như vậy. Có thể các chị có thừa tài năng và sắc đẹp nhưng lại thiếu một nền tảng đạo đức gia đình. Nếu các chị nói không thì chẳng ai có thể ép các chị nói có với những mối tình tội lỗi như vậy được.
Chào thân ái.