Người mẹ được đề cập là một cô bé 14 tuổi, cao 1m67, tóc màu nâu đỏ, nhập viện sáng sớm cùng với phụ huynh. Tên họ khai đều là giả. Đến 20h, chỉ vài giờ sau khi sinh con, họ biến mất. Đó là ngày 30/12/1973. Đứa bé bị bỏ rơi được một cặp vợ chồng người địa phương nhận nuôi, đặt tên là Steve Edsel.
Steve biết tất cả những điều này khi lớn lên. Cha mẹ nuôi không che giấu nguồn gốc của anh và luôn đưa cuốn sổ lưu niệm khi con yêu cầu. Tuy nhiên, năm 14 tuổi Steve mới bắt đầu thắc mắc về mẹ ruột của mình.
Steve bắt đầu tìm mẹ một cách nghiêm túc ở độ tuổi 20, nhưng không có tung tích. Bước sang tuổi 40, ông nói với vợ rằng muốn thực hiện cuộc tìm kiếm lần cuối. Đó là năm 2013, công ty phả hệ của Mỹ AncestryDNA đã bắt đầu bán bộ dụng cụ xét nghiệm DNA qua thư.
Những kết quả ban đầu có vẻ không mấy hứa hẹn. Khi đăng bài lên một nhóm Facebook dành cho những người đang tìm kiếm ruột thịt, anh đã kết nối được với nhà nghiên cứu về phả hệ di truyền tên là CeCe Moore.
Sau vài tuần, CeCe đã tìm được hai người phụ nữ là chị em họ, cùng tuổi. Trên Facebook, Steve thấy một người có bốn đứa con và thường xuyên đăng ảnh các bé. Người phụ nữ kia chưa chồng, không có con, không kết bạn với gia đình mình trên Facebook và đã chuyển đi sống ở một nơi rất xa.
Một buổi tối, CeCe đề nghị nói chuyện với Steve qua điện thoại.
Cô xác nhận mẹ ruột của anh là người phụ nữ thứ hai. Nhưng cô cũng tiết lộ một sự thật đau lòng khác: "Có vẻ bố và mẹ bạn có họ hàng với nhau". Steve chết lặng. "Người làm mẹ bạn có thai có thể là bố hoặc anh trai của bà ấy", CeCe nói.
Một loạt cảm xúc sôi sục trong Steve. Anh chưa bao giờ nghĩ đến khả năng mình là hậu quả của một vụ loạn luân.
Nửa thế kỷ trước, một nghiên cứu đã ghi nhận tần suất loạn luân là một phần triệu. Nhưng các năm gần đây sự phổ biến của công nghệ xét nghiệm ADN đã chứng minh hiện tượng này nhiều hơn thế.
Nhà di truyền học Jim Wilson, tại Đại học Edinburgh (Scotland), đã bị sốc trước số liệu ông tìm thấy trong Biobank, một cơ sở dữ liệu nghiên cứu ẩn danh của Anh. Cứ 7.000 người thì có một người được sinh ra từ cha mẹ là họ hàng cấp một (anh trai và em gái hoặc cha mẹ và con cái). Con số này thậm chí còn cao hơn rất nhiều nếu tính cả những trường hợp sảy thai hoặc phá thai.
Lần theo các kết quả xét nghiệm được nộp lên AncestryDNA và 23andMe, CeCe tìm thấy hơn 1.000 trường hợp khác, phần lớn là họ hàng cấp một. "Những trường hợp này xuất hiện ở mọi thành phần trong xã hội, mọi tầng lớp, thu nhập", cô nói.
Theo CeCe, điều này là bằng chứng cho thấy tội lạm dụng tình dục trong các gia đình nhức nhối hơn mọi người tưởng. Cô đã thành lập một nhóm bí mật hỗ trợ điều trị tâm lý cho những đứa con ra đời sau vụ loạn luân, đề cử Steve và vợ Michelle làm quản trị viên.
Chỉ trong tháng 1/2024, Michelle đã hỗ trợ cho bốn người. Cô cho biết ban đầu từng rất sợ khi phải thông báo cho ai đó sự thật khủng khiếp này. Nhưng giờ đã quen, cô lắng nghe họ hoặc bảo họ có thể nói chuyện với chồng mình.
Muốn gặp mẹ ruột nhưng Steve cũng lo bà không nhận mình. Anh tự hỏi liệu sự xuất hiện của anh có gợi lại những ký ức đau buồn, dù bà đã chuyển đi xa và không liên lạc gia đình.
Steve quyết định viết một bức thư kèm hình ảnh của mình và nói rằng rất yêu mẹ. Tất nhiên anh không tiết lộ đã biết sự thật về bố.
Mẹ không bao giờ trả lời Steve. Nhưng anh biết bà đã nhận được thư bởi bưu điện cho xem tờ giấy ký nhận. Ở tuổi 40, lần đầu tiên anh chạm vào thứ mẹ vừa chạm, cầm thứ mẹ vừa cầm.
Steve chưa bao giờ trách móc mẹ vì đã bỏ mình ở bệnh viện. Nhưng sự thật này cũng khiến anh phải đấu tranh với con người thật của mình. Anh từng nghĩ mình là rác rưởi. Sáu tháng đầu tiên là khoảng thời gian khó khăn nhất cuộc đời anh.
Trong hầu hết các nền văn hóa, loạn luân là điều cấm kỵ nhất. Một trong các lý do vì đã có những chứng khoa học cho thấy hôn nhân cận huyết làm gia tăng tỷ lệ tử vong và khuyết tật bẩm sinh ở trẻ.
Steve sinh ra với dị tật tim, phải mổ lúc 13 và 18 tuổi. Anh và vợ cũng không bao giờ có thể có con. Những người khác trong nhóm Facebook của họ đã chia sẻ phải sống với các bệnh tự miễn, đau xơ cơ, các vấn đề về mắt.
Hai năm rưỡi sau xét nghiệm ADN, cuối cùng Steve đã có thể xác định được cha ruột của mình, đó là anh trai của mẹ. Từ trang web, anh có thể thấy ông đã đăng nhập một lần, có lẽ đã thấy Steve. Anh gửi tin nhắn cho ông nhưng ông không bao giờ đăng nhập lại nữa.
Từ sau đó, cơn tức giận ban đầu của anh đã bắt đầu hạ nhiệt. Giờ đây anh và vợ dành hàng giờ mỗi ngày nói chuyện điện thoại với những người khác trong nhóm.
Steve vẫn chưa bao giờ nói chuyện với mẹ ruột của mình. Anh thử viết thư lần thứ hai, gửi kèm gửi nhật ký về cuộc đời nhưng bà gửi lại mà không mở ra. Thỉnh thoảng, anh nhắn tin cho bà trên Facebook, gửi ảnh những đứa cháu. Năm nào anh cũng chúc bà sinh nhật vui vẻ. Bà chưa trả lời nhưng cũng không chặn anh.
Steve quyết định thử nhắn tin cho chị họ của mẹ - người phụ nữ ban đầu anh nghĩ có thể là mẹ ruột, bởi khao khát một mối liên hệ với ai đó trong gia đình ruột thịt của mình.
Bà nhắn lại, cho biết ngày nhỏ rất thân với mẹ của Steve, nhưng không biết về việc mang thai. Ngày đó, mẹ của Steve bỗng biến mất không còn dấu vết. Bà đồng ý đọc nhật ký của anh và hai người bắt đầu nói chuyện qua điện thoại.
Từ đó họ duy trì liên lạc với nhau. Lễ Tạ ơn năm ngoái, bà đưa Steve đến một buổi họp mặt gia đình đông người, dĩ nhiên không có gia đình trực hệ của anh. Nhưng tất cả họ hàng đều biết về Steve và bố mẹ anh. Họ chào đón anh bằng những cái ôm và chụp ảnh cùng nhau như một gia đình.
"Tôi cảm thấy nhẹ nhõm. Trong gia đình này, tôi không phải là bí mật", anh nói.
Bảo Nhiên (Theo Atlantic)